(VOV5) -Hơn nữa, lãnh đạo hai nước sẽ thống nhất được trong việc làm thế nào để cân bằng cán cân thương mại hai chiều, đặc biệt giảm được thâm hụt thương mại giữa hai nước.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và phu nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân, Tổng Bí thư, Chủ tịch CHND Trung Hoa Tập Cận Bình cùng phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 12 đến 13/12. Chuyến thăm nhận được nhiều sự quan tâm và đánh giá tích cực của dư luận. Theo Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải – chuyên gia phân tích các vấn đề quốc tế(Giảng viên cao cấp, Viện Giáo dục Khai phóng và các Ngành Sáng tạo Đại học Vin), chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, sẽ tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho sự phát triển trong quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa 2 nước thời gian tới.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải hiện là Giảng viên cao cấp, Viện Giáo dục Khai phóng và các Ngành Sáng tạo Đại học Vin (Phó GS thỉnh giảng, Đại học Sunshine Coast và Giảng viên cao cấp thỉnh giảng Đại học Công nghệ Queensland, Australia). |
PV: Ngày 12 và 13/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng phu nhânvà đoàn đại biểu cấp cao sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Vâng, xin Tiến sĩ cho biết về ý nghĩa của sự kiện đặc biệt quan trọng này trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.?
TS Nguyễn Hồng Hải: Tôi nghĩ rằng, đây là chuyến thăm rất quan trọng trong quan hệ hai nước. Bởi vì, chúng ta thấy rằng rất hiếm khi trong vòng 1 năm mà Tổng Bí thư của Trung Quốc và Việt Nam tiến hành trao đổi đoàn như vậy. Điều đó cho thấy rằng, bản thân cả hai nước đều rất coi trọng quan hệ với nhau. Tất nhiên, theo thông báo của Bộ ngoại giao hai nước thì trong dịp này, hai nước sẽ định vị, nâng cấp quan hệ ở mức độ cao hơn.
Tôi cho rằng, thời điểm này, với sự thống nhất cũng như đồng thuận của lãnh đạo hai nước, chuyến thăm lần này sẽ tạo động lực thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đáp ứng được kỳ vọng của hai nước.
TS tại buổi nói chuyện chuyên đề do chi hội nhà báo VOV5 tổ chức. |
PV: Vâng, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba trong phỏng vấn báo chí mới đây cũng có chung nhận định như vậy khi nhấn mạnh rằng, chuyến thăm của Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ góp phần tạo “định vị mới, phương hướng mới và động lực mới” trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc?
TS Nguyễn Hồng Hải: Nhìn từ cấp độ quan hệ ngoại giao của Việt Nam cho đến nay, chúng ta tạm gọi là cấp độ quan hệ ngoại giao với Trung Quốc là cao nhất rồi. Hiện Việt Nam có quan hệ ngoại giao với là sáu nước ở mức độ là đối tác chiến thuật toàn diện. Riêng với Trung Quốc, Việt Nam lại có thêm cụm từ là Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Nhìn ở góc độ nào đó thì tạm gọi đó là cấp độ quan hệ cao nhất so với các nước khác. Thế nhưng trong quan hệ cấp độ khái niệm ngoại giao, chúng ta mới chỉ xác định là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Trong bối cảnh mới, nhân chuyến thăm này hai nước cho biết sẽ nâng cấp quan hệ, định vị mối quan hệ phát triển cao hơn thì tôi cho rằng lãnh đạo hai nước sẽ đưa ra được những thỏa thuận, những ưu đãi đặc biệt với nhau, có thể sẽ vượt lên cao hơn cái tầm gọi là đối tác chiến lược toàn diện, có thể có những khía cạnh đặc biệt hơn để thể hiện đúng với mối quan hệ đặc biệt hiện nay giữa hai nước.
PV: Kể từ sau 15 thiết lập Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc, Tiến sĩ đánh giá như thế nào về mối quan hệ cũng như những lĩnh vực hợp tác nổi bật của 2 nước?
TS Nguyễn Hồng Hải: Trong quan hệ 2 nước, tôi thấy hợp tác thương mại đang diễn ra rất tốt. Bản thân Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam, đứng thứ hai sau Singapore. Rồi Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường trường xuất khẩu lớn và đầy tiềm năng của Việt Nam. Đây được xem điểm nổi bật nhất trong hợp tác.
Thứ 2, là quan hệ hợp tác về quốc phòng an ninh, tôi cho đó cũng là tốt bởi vì điều này đảm bảo được sự ổn định trong quan hệ hai nước. Đặc biệt liên quan đến vấn đề về biên giới, lãnh thổ. Nhìn về tổng thể thì hai nước nhìn về đại cục để đảm bảo được sự ổn định để phát triển, cùng giải quyết cũng như kiềm chế được những bất đồng, để cùng nhau đảm bảo được môi trường hòa bình cho cả hai nước cho hai nước phát triển. Tôi cho rằng, đó cũng là một trong những điểm nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa 2 nước thời gian qua.
PV: Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Về xuất khẩu, Trung Quốc là bạn hàng lớn thứ 2 của Việt Nam. Việt Nam vẫn chủ yếu nhập siêu từ Trung Quốc. Vậy theo Tiến sĩ, Việt Nam cần làm gì để có thể tận dụng được tiềm năng,cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc.?
TS Nguyễn Hồng Hải: Tôi cho rằng, hiện nay Trung Quốc cũng đang có nhu cầu sau dịch Covid-19, nhu cầu rất lớn của họ. Đặc biệt, Việt Nam có khả năng đáp ứng được với nhu cầu của thị trường Trung Quốc, chủ yếu là hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là nông sản. Tôi nghĩ rằng, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể thúc đẩy được. Tất nhiên, để mà làm được điều đó, hai nước cần phải có những hành động cụ thể, trong việc tạo điều kiện cho nhau. Ví dụ, như trong vấn đề thông quan, trong vấn đề kiểm dịch chất lượng…để làm sao có những cơ chế giải quyết được nhanh hơn những hoạt động giao thương như vậy.
Tôi nghĩ rằng, phía Việt Nam cần phải chủ động trong tiếp xúc với các đối tác của Trung Quốc. Sự chủ động ở đây là Việt Nam cần thấy trước được những vấn đề, để có thể chủ động giao thiệp với đối tác Trung Quốc, qua đó giải quyết được những khúc mắc có thể hình dung được.
PV: Ở góc độ là chuyên gia, Tiến sĩ có kỳ vọng cụ thể gì sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, vào thời điểm đặc biệt này?
TS Nguyễn Hồng Hải: Tôi kỳ vọng rằng sau chuyến thăm này, hoạt động đầu tư của Trung Quốc sẽ vào Việt Nam nhiều hơn. Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về xây dựng cơ sở hạ tầng, cần vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Thì dù là nhà đầu tư nào mà đem vốn đến, xây dựng, góp phần phát triển kinh tế của Việt Nam thì cũng đều là tốt. Tất nhiên là chúng ta phải đảm bảo rằng, những đầu tư đó phải phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với luật pháp của Việt Nam.
Tôi mong đợi sẽ có một làn sóng mới trong đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam thời gian tới. Hơn nữa, lãnh đạo hai nước sẽ thống nhất được trong việc làm thế nào để cân bằng cán cân thương mại hai chiều, đặc biệt giảm được thâm hụt thương mại giữa hai nước. Tất nhiên, đòi hỏi sự một cân bằng thương mại đó là rất khó, nhưng chúng ta cố gắng càng rút ngắn khoảng cách thâm hụt thương mại với Trung Quốc thì càng tốt.
PV: Vâng, một lần nữa, xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Hồng Hải.