(VOV5) - Một trong những dự án mà chị đang triển khai tại VN là thử nghiệm chương trình hỗ trợ cho các gia đình có người già bị suy giảm trí nhớ.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hường hiện là giảng viên chuyên ngành công tác xã hội tại Trường ĐH South Carolina, Hoa kỳ. Bên cạnh công tác chuyên môn, chị cũng tìm hiểu để triển khai những dự án có ý nghĩa tại Việt Nam và hiện là Giám đốc Global Carolina tại Việt Nam và Đông Nam Á. Phóng viên VOV5 phỏng vấn chị Nguyễn Ngọc Hường về những nội dung này.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hường
|
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Được biết chị đang giảng dạy chuyên ngành công tác xã hội tại một trường Đại học ở Mỹ. Vậy chị có thể giới thiệu đôi nét về chuyên ngành này?
Chị Nguyễn Ngọc Hường: Thực ra không phải đến bây giờ VN mới có ngành công tác xã hội. Từ thiện cũng là tiền thân của công tác xã hội ở nhiều nước. Ở VN, mình có nền tảng văn hóa và tôn giáo nên các hoạt động từ thiện được triển khai rất nhiều, nhưng chủ yếu dựa vào gia đình, làng xã hoặc cộng đồng. Còn từ thiện trên một quy mô lớn hơn, quy mô xã hội, và không phải là chỉ các trường hợp đột xuất ví dụ như thiên tai lụt lội mà cần có nền tảng sẵn sàng để bất cứ lúc nào cũng có thể ứng phó với các vấn đề xã hội như nghèo đói, thất nghiệp, hay người khuyết tật, bạo hành gia đình… Nếu muốn có nền tảng lớn và có hệ thống để đáp ứng và hỗ trợ những cá nhân rơi vào trường hợp đó thì bắt buộc phải phát triển công tác xã hội chứ không thể chỉ dựa vào những hình thức từ thiện tự phát nữa. Ở các nước phát triển thì đã có công tác xã hội hàng trăm năm rồi, nhưng ở Việt nam thì chính thức từ năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt đề án 32, đặt nền tảng cho sự phát triển của ngành công tác xã hội, chính thức thừa nhận công tác xã hội là một nghề ở Việt Nam, và đến nay Chính phủ đã có những ưu tiên đáng kể cho ngành này.
PV: Thời gian gần đây chị thường xuyên có những chuyến đi về VN, chắc hẳn đó cũng liên quan nhiều đến các dự án mà chị đang làm?
Chị Nguyễn Ngọc Hường: Ở Việt Nam tôi đang làm 2 việc. Thứ nhất, tôi tham gia cùng với Bộ Lao động Thương binh Xã hội và UNICEF giúp Việt Nam xây dựng một luật khung, tạo nền tảng cho những người làm công tác xã hội có thể hoạt động. Thứ hai, tôi được tài trợ của Viện Sức khỏe Hoa kỳ, kết hợp với đồng nghiệp của tôi ở trường Đại học California và Viện Lão khoa trung ương triển khai thử nghiệm chương trình hỗ trợ cho các gia đình có người già bị suy giảm trí nhớ. Cài này nằm trong tổng thể các chương trình chăm sóc sức khỏe cho người già ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Xu hướng già hóa dân số đang xảy ra ở khắp tất cả các nước, và diễn biến rất nhanh nên chúng ta không có hệ thống đầy đủ nhất là về y tế và dịch vụ xã hội để trợ giúp cho người già. Trước đây, mô hình trợ giúp thường tập trung vào những người già bị sa sút trí nhớ, nhưng đến nay mô hình đó đã tỏ ra là không hiệu quả và thế giới đã đi theo hướng mới là trợ giúp cho những người thân trong gia đình để chăm sóc những người già đó. Bởi vì nếu trong gia đình có người già thì thường người chăm sóc sẽ là con cái của họ, hay vợ hoặc chồng, nhưng đều chăm sóc một cách tự phát dựa trên nghĩa vụ, tình thương hay lòng hiếu kính đối với cha mẹ thôi mà không có chuyên môn gì, thì theo nghiên cứu ở Mỹ, nhiều người sẽ bị rơi vào trạng thái trầm cảm. Sự bức xúc, ảnh hưởng đến công việc, đến đời sống gia đình, nhưng họ vẫn phải chăm sóc. Vì vậy có sự thay đổi là trợ giúp cho những người phải chăm sóc người già, vì không ai chăm sóc tốt hơn là chính những người trong gia đình. Mô hình đã được ứng dụng hiệu quả ở Mỹ, giờ chúng tôi đang thử nghiệm ứng dụng ở Việt Nam với những điều chỉnh sao cho phù hợp với văn hóa Việt Nam. Thời gian thử nghiệm là 2 năm và nếu có hiệu quả thì chúng tôi sẽ xin tiếp tài trợ của Mỹ để làm có thể là trong 5 năm tới và sẽ nhận rộng ra ở nhiều nơi trên cả nước.
PV: Ngoài 2 dự án lớn mà chị đang thực hiện, chị cũng vẫn còn những công việc khác để kết nối trong lĩnh vực chuyên môn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam?
Chị Nguyễn Ngọc Hường: Thực ra tôi cũng có rất nhiều việc khác. Hàng năm tôi vẫn đưa sinh viên ở Mỹ về VN để các bạn học về công tác xã hội và xã hội VN. Tôi cũng đưa sinh viên từ VN sang Mỹ. Mấy năm vừa rồi tôi cũng xây dựng các chương trình tập huấn cho các cán bộ của Chính phủ VN, nhất là những người làm công tác xã hội, sang trường tôi để học về các mô hình liên quan đến công tác xã hội. Tôi cũng thường xuyên về VN để làm các hội thảo… Nói chung cứ thấy cái gì hay ở Mỹ thì tôi lại đem về VN và thấy cái gì hay ở VN thì tôi lại đem sang Mỹ. Tôi cố gắng làm cái cầu nối để có thể chia sẻ những gì mà hai bên có thể học được nhau.
PV: Vâng cảm ơn chị, và rất mong nhận được những thông tin về các dự án tiếp theo của chị ở VN.