Chuyển đổi số trong giáo dục hay là Đổi mới giáo dục, dù theo phương thức nào đều hướng tới mục tiêu chung là khai thác đầy đủ tiềm năng của giáo dục, qua đó tạo cơ hội cho người học tiếp cận với những chương trình học một cách dễ dàng hiệu quả hơn. Đổi mới phương pháp dạy và học phù hợp với xu thế mới sẽ giúp tối ưu hóa việc học để học sinh tiếp nhận kiến thức và phát triển năng lực bản thân một cách tốt nhất. Đó là những chia sẻ của Tiến sĩ toán học Nguyễn Phụ Hoàng Lân với PV Hà Linh về khát vọng đồng hành cùng học sinh Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế. Tiến sĩ Nguyễn Phụ Hoàng Lân tốt nghiệp Tiến sĩ Toán học tại Đại học Purdue, West Lafayette, Indiana, Mỹ. Anh từng có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy toán tại Mỹ. Hiện công tác ở Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, tiến sĩ Hoàng Lân đã xây dựng và triển khai nhiều dự án, chương trình học tập hiệu quả cho các cấp bậc học tại nhiều trường học ở Việt Nam như Chu Văn An, TH True Milk, Amsterdam...
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Hiện nay, mọi người hay nói đến cụm từ như “Đổi mới toàn diện giáo dục, Chuyển đổi số trong giáo dục rồi, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hướng tới hội nhập quốc tế. Theo thầy, những khái niệm này đều cùng hướng đến mục tiêu chung nào?
Tiến sĩ toán học Nguyễn Phụ Hoàng Lân – Giám đốc Học thuật của trường liên cấp Hanoi Adelaide School (HAS). Ảnh nv cung cấp |
TS Nguyễn Phụ Hoàng Lân: Tôi nghĩ rằng, những cụm từ chị vừa đề cập đều hướng tới mục tiêu chung. Thứ nhất là khai thác đầy đủ các tiềm năng của giáo dục. Thứ hai, là nâng cao chất lượng học tập và cái chính nhất là hướng tới người học. Người học ở đây chúng tôi quan tâm đến việc họ có năng lực gì và có thể làm được gì,chứ không phải là họ biết gì và có thể thi cái gì.
Ở thời đại 4.0, chúng ta đang quan tâm đến những gì có thể khai thác tiềm năng trong giáo dục và nâng cao chất lượng học tập. Giáo dục Việt Nam ngày càng có nhiều công cụ học trực tuyến, giáo trình điện tử hay phần mềm quản lý học tập. Đặc biệt là thời gian qua có sự sự xuất hiện rộng khắp của trí tuệ nhân tạo (AI). Tất cả đang hỗ trợ rất nhiều cho công việc dạy và học hiện nay. Tất cả đều liên quan đến đến đổi mới giáo dục, sử dụng công nghệ số hiện nay.
Chia sẻ cùng cha mẹ học sinh về các phương pháp học tập tại trường Hanoi Adelaide School |
PV: Dưới góc nhìn của mình, Anh đánh giá như nào về tiến trình đổi mới trong giáo dục tại Việt Nam, đặc biệt là sự bắt kịp của Việt Nam trong dòng chảy hội nhập giáo dục quốc tế hiện nay?
TS Nguyễn Phụ Hoàng Lân: Tôi nghĩ rằng về hiện nay, giáo dục nói riêng, chúng ta đang cũng có sự chuyển biến tương đối toàn diện, đặc biệt so với thời kỳ trước dịch Covid-19. Như chị biết, trước đây, chúng ta chỉ có một vài hình thức dạy và học trực tuyến. Và, đến lúc có những việc bắt buộc phải làm, phải thay đổi để phù hợp với xu thế mới của thời đại. Giáo dục Việt Nam đang vận dụng được tương đối nhiều các ứng dụng công nghệ - kỹ thuật số và thực sự chúng ta đang theo chiều hướng tốt dần lên.
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, so với thế giới, chúng ta cũng cần phải tiếp tục làm nhiều hơn và đổi mới và sâu hơn nữa. Rõ ràng là chúng ta có rất nhiều việc phải làm ở phía trước. Bên cạnh những thách thức, kỷ nguyên công nghệ số 4.0 rõ ràng đang mở ra rất nhiều sự lựa chọn hơn cho người tất cả mọi người. Vì thế, không chỉ riêng những người làm trong ngành giáo dục, mà tất cả chúng ta phải liên tục bổ sung, cập nhật kiến thức, lĩnh hội những cái mới. Bởi nếu không, chúng ta sẽ bị tụt hậu cũng như rất khó để có thể tạo những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng của mình, mà trong giáo dục thì khách hàng chính là người học.
Thầy Nguyễn Phụ Hoàng Lân và học sinh trường liên cấp Hanoi Adelaide school |
Trong khó khăn thách thức thì luôn rộng mở những cơ hội để giáo viên, người học có thể làm tốt hơn việc của mình. Theo một thống kê cho thấy, với sự ra đời của trí tuệ nhân tạo có 85 triệu việc làm có thể bị thay thế bởi máy móc, nhưng mặt khác nó lại ra 97 triệu việc làm khác. Bao giờ cũng vậy, khó khăn luôn tồn tại cùng với cơ hội. Chúng tôi gọi đó là tư duy tăng trưởng trong giáo dục. Người giáo viên phải luôn học hỏi, luôn cập nhật để chủ động thích ứng với bất cứ sự thay đổi nào.
PV: Anh nhận xét về tinh thần học tập cũng như khả năng tiếp thu kiến thức của học sinh Việt Nam mình?
TS Nguyễn Phụ Hoàng Lân: Phải nói rằng, học sinh Việt Nam thì có tư duy tương đối tốt, có khả năng học thuật tốt nhưng cũng có nhiều em đang bị quen thành nếp là học vì thành tích học chỉ để đi thi và chỉ làm theo mẫu. Vì thế, các em thực sự chưa chủ động trong học tập cũng như chưa chủ động trong việc giải quyết vấn đề của mình.
Có một khảo sát về chất lượng của thị trường lao động cho thấy, lao động của chúng ta chưa bộc lộ được tính chủ động sáng tạo, chưa tương xứng với kết quả thi hay học tập tại trường. Tâm lý học để đi thi, học vì thành tích tồn tại khá lâu, cần phải thay đổi. Và, để làm được điều đó cần phải có sự phối hợp của nhà trường, của gia đình và của toàn xã hội. Không phải một sớm một chiều mà có thể thay đổi ngay được mà luôn cần phải có một quá trình.
PV: Để phù hợp với xu thế mới, theo anh thì chúng ta có cần những thay đổi gì không trong phương pháp giáo dục hiện nay tại Việt Nam? Có nhiều người cho rằng, đã đến lúc giáo dục Việt Nam cần phải được thay thế hoàn toàn bằng những cách tiếp cận giáo dục theo mô hình quốc tế mới?
TS Nguyễn Phụ Hoàng Lân: Giáo dục truyền thống tôi muốn nói theo ý như này, chẳng hạn như các môn toán, lý hóa....thầy trò luôn cố gắng chứng minh, xây dựng hoàn chỉnh rất nhiều để ra được công thức, định lý... Đó là cách học để hiểu từ gốc, về bản chất là rất tốt. Nhưng, có lẽ bây giờ chúng ta cần phải điều chỉnh thêm. Đó là cần dạy nền tảng hệ thống lý thuyết đến đâu và khi nào cho các em công nhận và áp dụng, và phải tăng cường kết hợp với thực hành ứng dụng như thế nào.
Có nhiều học sinh ở nước ngoài của tôi, các em không cần biết công thức có từ đâu, được chứng minh như nào, chỉ biết là thầy đưa ra công thức là áp dụng rồi vận dụng trong làm bài tập toán. Trong khi, phương pháp truyền thống thì chúng ta đi chứng minh rất nhiều công thức, các định lý mà đôi khi lại quên đi việc áp dụng như thế nào, quên mất hướng chính trong vận dụng. Vì thế tôi cho rằng, cần phải cân bằng giữa 2 việc: cái nào là gốc của nhiều thứ, có thể hướng dẫn các như thế nào để lấy nền tảng và như nào để các em biết kết nối với những cái mới. Còn lại những gì quá khó, thầy cô cần mạnh dạn nói rằng "cái này về sau các em học tiếp hay là tìm hiểu thêm chúng ở đâu. Còn bây giờ thì chúng ta sẽ tập trung vận dụng công thức thật nhuần nhuyễn để giải quyết cái gì"?.Tôi nghĩ đó chính là những gì tôi rất muốn chia sẻ.
Thầy Lân và học sinh lớp 6 trong một giờ học toán. Ảnh HAS |
PV: Những trải nghiệm nhiều năm học tập và nghiên cứu, làm việc ở nước ngoài giúp anh trở về Việt Nam triển khai những dự án giáo dục của mình như thế nào, Cụ thể tại ngôi trường Hanoi Adelaide school - nơi anh làm Giám đốc học thuật và cũng như công việc tại trung tâm toán tư duy cho trẻ DINO Math và Viện nghiên cứu cao cấp về Toán?
TS Nguyễn Phụ Hoàng Lân: Thời gian ở nước ngoài đã giúp tôi lĩnh hội nhiều hiểu biết đáng quý, không chỉ dạy tôi kiến thức chuyên sâu về Toán mà còn cho tôi rất nhiều trải nghiệm thực tế. Ví dụ, điều quan trọng là mình biết chương trình của họ như thế nào và cách họ triển khai với hệ thống vận hành đó như thế nào…để mình có thể lựa chọn và áp dụng một cách hợp lý cho mô hình giáo dục của mình. Tôi được biết là ngay cả ở những nước phát triển như tại Mỹ, Singapore.. ở nhiều nơi cũng có kiểu trường chuyên- lớp chọn, có luyện thi học sinh giỏi v.v…qua đó để thấy họ vận hành hợp lý như nào, để có thể học theo. Đó thực sự là những trải nghiệm đáng quý mà tôi rất muốn chia sẻ.
Với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, TS Hoàng Lân đã chỉ ra một số vấn đề liên quan đến việc học tập và giảng dạy môn Toán ở bậc phổ thông. |
Ở nước ngoài, tôi có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều học sinh. Họ cũng có những khó khăn riêng, cũng chịu áp lực học hành nọ kia...Qua đó, tôi học được nhiều điều, chẳng hạn như việc cần phải cân bằng trong hướng dẫn học tập như thế nào, cần giữ những mặt tốt của giáo dục truyền thống và ứng dụng cách dạy hiện đại ra sao. Dạy học theo truyền thống hay theo phương pháp hiện đại nếu biết cách sẽ bổ trợ nhau sẽ rất hay.
Trường học là môi trường giúp học sinh chuẩn bị hình thành và phát triển tri thức, năng lực phẩm chất, để trở thành con người có tự chủ tự lập và trách nhiệm hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn trong hiện tại và tương lai. Đó chính là triết lý giáo dục của trường Hanoi Adelaide School (HAS). Ở đây, chúng tôi không dạy các em học để thi, học lấy thành tích, huy chương hay là để thi vào trường cấp 3 hoặc Đại học nào đó mà cái đích chúng tôi thực sự muốn hướng tới là các em sẽ trở thành những con người chủ động tốt trong học tập, biết mình có điểm mạnh gì, mục tiêu, ước mơ sau này là gì. Nói thì dễ nhưng làm thì rất khó. Vì thế cần phải một chặng đường dài, đòi hỏi sự kiên trì và sự đồng thuận của các bên. Tuy nhiên, hàng ngày chúng ta có thể làm được từ những thay đổi rất nhỏ.
Chẳng hạn, như ở trường HAS, chúng tôi không giao bài tập về nhà rồi học tủ để thi. Chúng tôi luôn hướng các em học theo kiểu trả lời tư duy theo các câu hỏi như Cái gì, Tại sao và như thế nào. Thầy cô sẽ cố gắng khuyến khích chia sẻ nhiều nhất với học sinh, thậm chí cùng mày mò tìm lời giải đáp với các em. Qua đó, sẽ giúp các em phát triển tư duy giải quyết vấn đề rất tốt. Từ cá nhân, tôi sẽ không dạy các em những gì quá hàn lâm, quá phức tạp, bài thi mang tính đánh đố mà chú trọng tạo dựng cho học sinh những nền tảng kiến thức vững chắc.
Tiến sĩ Nguyễn Phụ Hoàng Lân cùng phụ huynh và học trò. |
Các em cần học thêm những kỹ năng mềm như ngôn ngữ, âm nhạc, thể thao, kiến thức thiên nhiên, kỹ năng giao tiếp trong gia đình, xã hội. Tôi cũng phải cũng nhấn mạnh cho các con rằng, trong học tập cũng cần phải các có những áp lực nhất định, theo nghĩa tích cực, phải có chút là cạnh tranh để có động lực trong học tập, để từ đó các con có trách nhiệm rèn rũa bản thân tốt hơn. Tôi tin rằng, các con sẽ thể tự tin hội nhập tốt với bất kỳ nền giáo dục nào trong kỷ nguyên "Công dân toàn cầu" này.
Quan trọng là giáo viên hướng dẫn các em học để có được nền tảng vững và để kết nối với những cái mới, với thực tế như thế nào. Hãy dạy em thói quen tư duy chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống, như thế mới phát huy được thế mạnh tiềm năng của từng em. Tôi tin rằng, em học sinh nào cũng tiềm ẩn yếu tố thiên tài nào đó. Điều quan trọng giáo viên và gia đình có nhận ra được điều đó và phát triển khả năng đó như thế nào .
PV: Vâng, chủ đề về giáo dục còn rất nhiều điều hay để thảo luận tiếp. Vì thời lượng có hạn, xin hẹn gặp Tiến sĩ Nguyễn Phụ Hoàng Lân vào những chương trình lần sau dịp để nghe anh chia sẻ những dự án cũng như tâm huyết của mình cho sự phát triển của nền giáo dục Việt Nam. Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn!