(VOV5) - Tiếp tục các dự án từ thiện triển khai liên tục tại Việt Nam, tháng 10 vừa qua, nhóm “Vì ta cần nhau” lại có các chuyến đi cứu trợ đồng bào bị thiệt hại do mưa lũ tại một số tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc của đất nước. Bà Chung Lê, người Việt ở Mỹ, trưởng nhóm Vì ta cần nhau sẽ chia sẻ về hành trình từ thiện này.
|
Bà Chung Lê và các em nhỏ tại điểm trường mầm non Sùng Vui, Bát Xát, Lào Cai |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa bà, được biết tổ chức Vì ta cần nhau đã có những hoạt động cứu trợ kịp thời đối với người dân miền Trung và đến với những học sinh vùng sâu, vùng xa các tỉnh miền núi phía Bắc. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về những hoạt động này?
Bà Chung Lê: Tháng 10 này tròn đúng 6 năm nhóm Vì ta cần nhau thành lập. Nhân dịp này nhóm cũng có nhiều hoạt động để trợ giúp các cháu ở vùng cao. Trước đây chúng tôi đã xây trường và mang quần áo ấm cho các cháu, thì đợt này chúng tôi tổ chức một chuyến đi đến Phìn Ngan, Bát Xát, Lào Cai. Phìn Ngan đã chịu một cơn lũ cuốn hồi tháng 8, thiệt hại rất lớn. Lũ đã cuốn trôi đường xá, cầu cho các con đi học, giếng nước, trường học bị tàn phá rất nặng. Chúng tôi đã hỗ trợ xây lại giếng nước cho các cháu, và lần này chúng tôi mang quần áo ấm lên cho các con. Cũng trong dịp này, rất bất ngờ là miền Trung ngập lũ, ngay lập tức nhóm đã tổ chức cứu trợ bà con rất nhanh và kịp thời. Ngay khi cơn lũ tràn qua, nhóm đã có người vào tận vùng lũ, điều tra thực tế và xử lý nhanh. Chúng tôi gửi tiền mặt qua Ngân hàng, người của nhóm trực tiếp nhận ở Ngân hàng Nông nghiệp ở Quảng Bình và phát cho mỗi hộ dân 1 triệu đồng và 20 cân gạo. Đây là lần đầu tiên chúng tôi hỗ trợ tiền. Trước đây chúng tôi thường hỗ trợ bằng hiện vật, nhưng với hoàn cảnh lũ ở Quảng Bình, mình không nắm được người dân thực sự cần gì sau khi cơn lũ đi qua. Nếu tất cả mọi người đều mang đến mỳ tôm, dầu ăn… thì e rằng những thứ cần thiết để người ta có thể sửa sang lại chỗ ở hay sắm sanh một số vật dụng đã bị lũ cuốn trôi thì họ không có tiền. Chuyến đi vùng lũ vừa rồi chúng tôi trợ giúp được 2 nơi là xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình và xã Hương Trạch, Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Cũng trong chuyến đi đó chúng tôi khảo sát 1 trường học để cho chuyến hàng sắp tới chúng tôi sẽ mang vào sách vở, đồ dùng học tập, quần áo để các cháu quay trở lại trường. Việc hỗ trợ tiền mặt và gạo chỉ là hỗ trợ tức thời, còn về lâu dài thì nguyên tắc của nhóm vẫn là hỗ trợ các cháu học sinh.
PV: Có thể thấy Vì ta cần nhau đã có những nhân tố tham gia tích cực ở trong nước. Còn ở nước ngoài thì mọi người ủng hộ nhóm thế nào thưa bà?
Bà Chung Lê: Thực ra vai trò chính của tôi là gây quỹ, còn làm công tác thực tế có các anh chị em của nhóm ở trong nước. Còn ở Mỹ, Hungary hay Đức, mỗi khi có sự kiện xảy ra trong nước cần hỗ trợ thì mọi người đều làm rất khẩn trương. Ví dụ như đợt lũ lụt ở Quảng Bình vừa qua, các bạn ở Hungary đã ngay lập tức chuyển về hơn 1.000 đô la. Có 2 cháu du học sinh ở Mỹ đã nhờ bố mẹ chuyển cho bác Chung 13 triệu đồng để mua 1 tấn gạo chuyển cho bà con Quảng Bình… Ở Mỹ, mỗi khi biết có người về Việt Nam là mọi người lại ủng hộ bằng hàng hóa để chúng tôi bán gây quỹ. Nhiều anh chị em bạn bè lại gửi tiền trực tiếp, cũng không phải là nhiều, nhưng nhiều nhỏ góp lại thành to. Từ đầu năm tới giờ các khoản tiền của bạn bè ở nước ngoài đóng góp vào quỹ khoảng 6.000 đô la, nếu chuyển thành hàng hóa thì số tiền này lại tăng lên rất nhiều. Ngay cả những khách du lịch khi sang làm khách của nhà tôi thì khi về đều vui lòng xách thêm 1 kiện hàng cho nhóm về bán gây quỹ, đồng thời còn đóng góp 1 khoản vào Quỹ ngoài phần chi phí dịch vụ… Tất cả các điều đó, tích cóp lại… Chúng tôi không có các đại gia ủng hộ nhiều tiền, nhưng tôi thấy mỗi người một chút thôi, thì sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng. Mục tiêu của chúng tôi là làm sao để nhiều người tham gia, để ở đâu cũng thấy những lòng tốt. Nếu có một khoản tiền thật lớn thì cũng rất tốt nhưng có thể mình cũng không đủ sức để tổ chức và quản lý tốt. Chỉ cần mỗi người góp một chút sẽ làm thay đổi suy nghĩ hay cách làm việc thiện của xã hội, hay thay đổi cách ứng xử của con người đối với con người trong xã hội. Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là, bạn góp 100.000 đồng cũng được, 200.000 đồng cũng được, thậm chí nếu không góp được thì chỉ cần ủng hộ hoặc góp ý kiến để chúng tôi thay đổi thì cũng đã là ủng hộ rồi. Cái đó chúng tôi coi trọng nhiều hơn.
PV: Như bà vừa chia sẻ, dường như hình thức gây quỹ của Vì ta cần nhau rất đa dạng phải không?
Bà Chung Lê: Chúng tôi có rất nhiều hình thức gây quỹ, và mỗi thành viên trong nhóm đều có thể có cách riêng của mình. Ví dụ khi cuốn Quân khu Nam Đồng đang rất hot, chúng tôi có một nhóm bạn đi quyên tiền để mua sách theo giá chiết khấu của Nhà xuất bản, sau đó đến xin chữ ký của tác giả. Chúng tôi mua sách chỉ có 70.000 đồng/cuốn, và khi bán được với giá 250.000 đồng/cuốn. Và riêng cuốn sách này chúng tôi tiêu thụ được gần 200 cuốn, góp được cho quỹ một số tiền tương đối lớn. Hoặc hình thức khác là đóng góp bằng hàng hóa, hay gần đây nhất là có các doanh nghiệp tự vận động nhân viên trong cơ quan để góp với Vì ta cần nhau. Gần đây nhất chúng tôi được một doanh nghiệp ở Hải Phòng và một doanh nghiệp trên Lào Cai ủng hộ, mỗi doanh nghiệp 10 triệu đồng. Chúng tôi thấy những khoản tiền này như một món quà của niềm tin, của bè bạn gửi gắm, và đó cũng là những phần thưởng của mình.
PV: Xin cảm ơn bà đã chia sẻ về hành trình từ thiện với Đài TNVN.