(VOV5) -Có thể nói, IFI hiện nay là số ít cơ sở đại học tại Việt Nam thành công trong xuất khẩu giáo dục và thu về ngoại tệ.
Thành lập năm 1993, theo sáng kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chính thức mang tên Viện Quốc tế Pháp ngữ năm 2014 (Institut Francophone International, gọi tắt là IFI ) là một trong số ít tổ chức giáo dục Việt Nam có truyền thống hợp tác lâu dài và thành công nhất trong Cộng đồng Pháp ngữ. Có quan hệ quốc tế rộng lớn và mạnh mẽ với các đối tác của Pháp, IFI đang dần trở thành là đầu mối quan trọng của cộng đồng gồm hơn 80 quốc gia thành viên này. Nhân ngày quốc tế La Francophonie 20/03, PV Hà Linh phỏng vấn Tiến sĩ Ngô Tự Lập - Viện trưởng Viện quốc tế Pháp ngữ về triển vọng phát triển Pháp ngữ ở Việt Nam.
PV: Xin chào tiến sĩ Ngô Tự Lập, xin ông cho biết đôi nét về Viện Quốc tế Pháp ngữ, đơn vị đào tạo và nghiên cứu đa ngành chất lượng cao trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội?.
Tiến sĩ Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ. Ông vừa là một nhà văn và nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, từ văn chương, văn hóa, âm nhạc. Ông cũng là một dịch giả tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Pháp. Ảnh ANTG |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Tiến sĩ Ngô Tự Lập: Năm 1993, Việt Nam và Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) ký thỏa thuận về việc thành lập một học viện chuyên đào tạo thạc sĩ về công nghệ thông tin. Hồi đó, đây là một ngành khoa học rất mới mẻ, mà người có sáng kiến này chính là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 2006, sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Jacques Chirac, Việt Nam mở thêm 2 trung tâm Đại học Pháp tại HN và TP Hồ Chí Minh, đào tạo thêm các chuyên ngành như xã hội học, kinh tế, tâm lý, quản trị từ bậc đại học đến tiến sĩ.Năm 2010, hai đơn vị này sáp nhập và đổi tên thành Viện Quốc tế Pháp ngữ.
Về cơ chế hoạt động, Viện chúng tôi giống như một tổ chức đào tạo Đại học và đồng thời là một nơi nghiên cứu, chủ yếu sử dụng tiếng Pháp là ngôn ngữ giảng dạy chính. Viện IFI vận hànhmô hình phát triển theo 3 trục là đào tạo-nghiên cứu-chuyển giao công nghệ &ứng dụng. Viện chúng tôi gắn kết đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công với thị trường thông qua việc thục hiện các dự án và cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu xã hội. Hiện, chúng tôi có hơn 100 sinh viên đến từ 20 quốc gia trên thế giới. Nhiều học viên ra trường đã học tiếp lên tiến sĩ tại các trường danh tiếng quốc tế và trở thành giáo sư công nghệ tại các trường Đại học hàng đầu Việt Nam.
Một công trình tiêu biểu nghiên cứu và số hóa các di sản văn hóa là Nhà hát lớn thành phố HN Ảnh IFI |
PV: Có thời kỳ việc giảng dạy tiếng Pháp ở Việt Nam gặp khủng hoảng do phía đối tác Pháp ngừng hẳn viện trợ, dẫn đến ngày càng ít người học tiếng Pháp. Vậy trong điều kiện đó, Viện Quốc tế Pháp ngữ làm gì để ổn định và đa dạng hoạt động thưa ông?
Tiến sĩ Ngô Tự Lập: Đúng là cách đây vài năm, sau khi phía Pháp ngừng hoàn toàn các khoản tài trợ, viện IFI chúng tôi cũng đứng trước vấn đề tồn tại hay không tồn tại. Hồi đó, tất cả các chương trình liên kết, hợp tác với Pháp nói riêng và với nước ngoài ở Việt Nam đều bị khủng hoảng. Trong bối cảnh đó, chúng tôi buộc phải nghĩ cách thay đổi chiến lược, chọn cách vận hành theo mô hình đào tạo phát triển đa ngành, đa phương, đa chiều. Tức là không chỉ liên kết với các nước phát triển với Việt Nam mà hướng đến Châu Phi, nơi tiếng Pháp là ngôn ngữ chính.
IFI có chương trình đào tạo thạc sĩ liên quốc tế do Đại học QGHN và Đại học Pháp cấp cùng nhiều khóa đào tạo ngắn hạn về ứng dụng công nghệ thông tin, Tiếng Pháp - văn hóa Pháp, Tiếng Việt,- Văn hóa Việt Nam...Hơn 90% học viên của IFI hiện nay là người nước ngoài đến từ 20 quốc gia, đến học theo diện tự túc. Có thể nói, IFI hiện nay là số ít cơ sở đại học tại Việt Nam thành công trong xuất khẩu giáo dục và thu về ngoại tệ.
PV: Thưa ông,Viện Quốc tế Pháp ngữ có phương thức nào để kết nối, hỗ trợ sinh viên khi ra trường tiếp cận với môi trường việc làm trong khối Pháp ngữ ?.
Một ấn phẩm khoa học Cộng đồng Pháp ngữ tại châu Á Thái Bình Dương chủ đề văn học do Tiến sĩ Ngô Tự Lập làm Tổng biên tập. |
TS: Ngô Tự Lập: Để giúp các em chuẩn bị tốt cho tương lai, chúng tôi giữ liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp của Pháp, của nhiều nước và Việt Nam. Các em được thực tập có trả lương và sau khi học xong, ở IFI có hậu thạc sĩ nghĩa là học viên sẽ làm việc theo yêu cầu các doanh nghiêp. Rồi họ cấp học bổng hay tài trợ cho nghiên cứu.
Học viên của Viện quốc tế phần đến từ hơn 20 quốc gia- Ảnh IFI |
Ngoài ra, IFI có quan hệ thân thiết với một tổ chức quốc tế chuyên tổ chức hội thảo về Big Data. Một thời cơ may mắn là mới đây Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết sẽ khuếch trương Cộng đồng Pháp ngữ và nói đích danh Việt Nam sẽ là một trục xoay, điểm tựa chính của Cộng đồng Pháp ngữ ở Châu Á Thái Bình Dương. Vì lẽ đó, Viện Quốc tế Pháp ngữ đang nỗ lực rất nhiều để đưa Việt Nam trở thành một thành viên quan trọng trong cộng đồng này và chúng tôi cũng có tham vọng rằng IFI sẽ là một trung tâm đào tạo chất lượng hàng đầu của Cộng đồng Pháp ngữ.
PV: Xin chân thành cảm ơn Ông về cuộc trò chuyện.