(VOV5)- Đổi mới phương thức hoạt động để phát huy tốt nhất vai trò cầu nối của những đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở nước ngoài.
Đại hội Đại biểu toàn quốc MTTQ VN lần thứ VIII diễn ra từ ngày 25/9-27/9. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong nhiệm kỳ Đại hội 7 có 17 thành viên là đại diện của mình trong Ủy ban TƯ MTTQ. Nhân dịp Đại hội, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam gặp gỡ nhóm các Ủy viên Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam ở nước ngoài khóa 7: ông Trần Bá Phúc (Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam ở Australia); ông Nguyễn Văn Thái (Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan), bà Phan Bích Thiện (Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary, Chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hungary- Việt Nam).
Pv: Xin cảm ơn các vị khách mời đã tham gia chương trình. Thưa quý vị, ở trong nước, công việc của người làm công tác Mặt trận rất nhiều, từ việc hiếu hỉ cho đến việc giám sát, bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân. Còn ở nước ngoài, kỳ đại hội vừa qua có 17 vị ủy viên hoạt động trên địa bàn từng nước, hẳn là cũng không hề dễ dàng. Quý vị có thể chia sẻ những kinh nghiệm qua những năm làm công tác mặt trận tổ quốc ở nước ngoài, những khó khăn và những thuận lợi?
Ông Nguyễn Văn Thái: Tôi có hai nhiệm kỳ làm ở mặt trận tổ quốc, với đại hội này là lần thứ 3. Qua 10 năm làm công tác mặt trận ở Ba Lan tôi cũng có những điều trăn trở. Thứ nhất, Hội người Việt Nam ở Ba Lan có mô hình hoạt động như một tổ chức mặt trận, tức là gần như có một vai trò quy tụ kêu gọi mọi người cùng đoàn kết lại để thực hiện những nhiệm vụ chung… Qua quá trình hoạt động tôi thấy cộng đồng Việt ở Ba Lan luôn hướng về công việc chung, làm những điều đúng cương lĩnh Mặt trận. Ví dụ quyên góp ủng hộ người nghèo trong nước, bão lũ, nạn nhân chất độc da cam…,
|
Ông Nguyễn Văn Thái, Ủy viên Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 6, khóa 7, Phó chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan |
Đặc biệt khi phong trào đi đúng suy nghĩ, tâm tư tình cảm thì bà con ủng hộ rất tích cực. Thí dụ như việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 thì hàng bốn, năm nghìn người xuống đường biểu tình đòi Trung Quốc rút khỏi nơi đó. Khi nhà nước, Mặt trận đưa ra những kêu gọi đúng lòng dân thì luôn được ủng hộ rất nhiệt tình: như ủng hộ ngư dân, chiến sĩ biển đảo thì dù làm ăn đang rất khó khăn, nhưng chỉ trong 1 ngày bà con ủng hộ tới 15-20 ngàn đô la Mỹ. Chính sách nào hợp lòng dân, dân ủng hộ nhiệt tình. Qua đó tôi thấy lòng yêu nước, tình cảm đối với tổ quốc thì dân ta ở đâu cũng sẵn sàng chứ không cần hô hào, không cần đao to búa lớn.
Ông Trần Bá Phúc: Qua hoạt động công tác mặt trận với tư cách là Ủy viên Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc khóa 7, lại là VN ở nước ngoài, tôi cảm thấy gắn bó với đất nước, gần gũi với quê hương xứ sở nhiều hơn. Công tác mặt trận tổ quốc ở từng đất nước, tùy theo hoàn cảnh sinh sống. Như tôi ở Australia cũng có thuận lợi như những cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại rất ủng hộ, hỗ trợ hoạt động cộng đồng rất nhiều. Nhưng ngược lại trong cộng đồng còn một số nhỏ chưa hiểu rõ hoàn cảnh của đất nước, chưa hiểu rõ chính sách chủ trương của đất nước, nên còn những tư tưởng tiêu cực. Tuy nhiên, tôi mong rằng nếu được phổ biến rộng rãi, thông tin rõ ràng thì số tiêu cực có cố tình cản trở cũng không được, bởi vì người Việt Nam ở nước ngoài đại đa số ai cũng muốn hướng về quê hương, tổ quốc của mình, ai cũng là dòng máu Việt nam, ai cũng có tình dân tộc, quê hương hết. Chẳng hạn khi Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thì cộng đồng bày tỏ và phản đối một cách mạnh mẽ cùng nhân dân trong nước, theo dõi tình hình trong nước hàng ngày. Cộng đồng là cầu nối giữa Việt Nam và nước sở tại một cách tốt nhất. Tôi đã tổ chức những cuộc biểu tình phản đối chủ quyền Việt Nam bị thách thức, xâm phạm, và cũng đại diện cho cộng đồng người Úc gốc Việt viết thư cho thủ tướng Australia và các dân biểu quốc hội để kêu gọi ủng hộ những đòi hỏi chính đáng của Việt Nam, và kêu gọi những người bạn Australia hỗ trợ cho công cuộc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam, và những sự ủng hộ người Việt Nam là vô cùng mạnh mẽ.
Khi đứng ra kêu gọi tổ chức những công tác quần chúng tôi phải áp dụng nhiều vai trò. Tôi làm với những chủ trương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với vai trò là ủy viên của Ủy ban trung ương, nhưng vì ở nước ngoài còn thiếu nhiều phương tiện, cơ quan của Mặt trận không có nên tôi phải đồng thời vận dụng cả những vai trò khác như chủ tịch Hội doanh nhân, hay kêu gọi bằng vai trò của đoàn thể ở địa phương. Bên cạnh đó, tôi cũng thông báo, giới thiệu những tình trạng hiện thực mà Việt Nam đang bị thách thức.
Pv: Như vậy là các vị Ủy viên mặt trận ở nước ngoài dường như đều phải vận dụng rất linh hoạt, khéo léo các vai trò khác nhau của mình trong xã hội để hoàn thành tốt công tác mặt trận.
Bà Phan Bích Thiện: Ở Việt Nam thì Mặt trận Tổ quốc đó là tổ chức xã hội lớn nhất mà cả Đảng cũng là thành viên, nhưng vai trò và vị trí của mặt trận thì không phải người Việt ở nước ngoài nào cũng thông suốt, cũng hiểu. Tôi cũng mong muốn được tuyên truyền rộng hơn, vì theo tôi đây là tổ chức có thể phát huy tốt nhất việc đoàn kết trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài - khi nhìn vào thực tế cộng đồng rất đa dạng, ra đi từ nhiều nguồn gốc khác nhau. Chính vì vậy nếu phát huy được vai trò của mặt trận, thì sẽ bắt nguồn từ việc tất cả mọi người đều muốn làm được một cái gì cho Việt Nam, sử dụng được tất cả những lợi thế của mỗi người ở mỗi vị trí. Ở Hungary thì cũng giống như nhiều nước, Hiệp hội người Việt Nam tại Hung cũng có hoạt động, vai trò gần giống như công tác mặt trận với nhiều hội đoàn khác. Cộng đồng người Việt ở Hung tuy nhỏ, nhưng khi có những phong trào do mặt trận phát động, hay gần nhất vụ giàn khoan Trung quốc thì không ai bảo ai tất cả đều đồng lòng. Nhìn chung là cộng đồng đều có cái tâm yêu nước, nhìn thấy cái gì có lợi cho đất nước thì họ đều muốn làm nhiệt tình.
Pv: Từ góc độ của người đang thực hiện công tác mặt trận, quý vị khách mời có thể đưa ra những đề xuất cần thiết, cụ thể để người ủy viên mặt trận tổ quốc ở nước ngoài có thể phát huy tốt nhất vai trò của mình?
Ông Trần Bá Phúc: Tôi kiến nghị nếu Ủy ban TW MTTQVN muốn các ủy viên của mình ở nước ngoài hoạt động hữu hiệu, thì nên có những văn bản gửi đến các cơ quan ngoại giao Việt Nam về những công tác vận động của Mặt trận, đề nghị hỗ trợ ủy viên Mặt trận trong công tác vận động, quảng bá. Nếu có những công tác quần chúng như vận động người Việt dùng hàng Việt, thì nên quảng bá rộng rãi với người Việt ở nước ngoài. Và Mặt trận nên có những văn thư trực tiếp đến những cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước sở tại để có những hỗ trợ trong công tác vận động.
|
Ông Trần Bá Phúc, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 7, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia |
Ngoài ra, tôi thấy Nghị quyết 36 về công tác kiều vận đối với người Việt Nam ở nước ngoài là rất quan trọng, cần phổ biến nhiều hơn cho cộng đồng. Với kinh nghiệm ở nước ngoài gần 35 năm, tôi thấy tất cả những người Việt Nam ở nước ngoài dù 5, 10 năm hay thậm chí gần cả đời người nhưng trái tim Việt Nam vẫn trong lồng ngực họ. Lúc nào họ cũng gắn bó với quê hương dân tộc. Bằng chứng là khi Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia kêu gọi chương trình góp bàn tay xây dựng trường học ở Trường Sa cho học sinh Việt Nam nơi đầu sóng ngọn gió, thì sự ủng hộ của kiều bào rất là mạnh mẽ. Qua đó tôi mới thấy sự ủng hộ đó xuất phát từ tình cảm quê hương, dân tộc mà ra. Và vừa qua khi Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam kêu gọi kiều bào ở nước ngoài góp ý vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp, thì rất nhiều kiều bào tâm huyết suy nghĩ, viết để muốn đóng góp cho những điều thực tế nhất của đất nước. Khi kiều bào được Ủy ban TW MTTQ tổ chức góp ý, thì tự nhiên họ thấy gần gũi với đất nước hơn.
Ông Nguyễn Văn Thái: Chưa có được một quy định rõ ràng về vai trò, nhiệm vụ của một ủy viên trung ương mặt trận đối với hoạt động ở nước ngoài như thế nào, cũng làm hạn chế những hoạt động của người làm công tác mặt trận. Ví dụ như quan hệ giữa ủy viên trung ương mặt trận với các hội đoàn, với ban công tác cộng đồng vv…Ví dụ như vai trò giám sát, đối với hoạt động của sứ quán, của lãnh sự, bà con mà có ý kiến thì chúng tôi phải làm thế nào để truyền đạt lại với các tổ chức như thế? Hy vọng sau đại hội này chúng ta có những quy định tương đối cụ thể về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của người Ủy viên ở nước ngoài.
Việc giới thiệu về chương trình hành động thì cần thiết. Vấn đề quan trọng nhất là quy chế phối hợp, nên có những chương trình phối hợp cùng hoạt động, phân công nhiệm vụ như thế nào, cần có sự phối hợp giữa UB TƯ MTTQ VN với Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như bộ phận phụ trách cộng đồng của Ban đối ngoại Trung ương Đảng, như trong cần trường hợp nào thì cần có tiếng nói của Ủy viên Mặt trận, trường hợp nào cần vị thế của Mặt trận để thu thập ý kiến của bà con. Cần có quy định cụ thể về thời gian để có những cuộc gặp, bàn bạc về công việc giữa Ban công tác cộng đồng, các hội đoàn với ủy viên Mặt trận. Chứ hiện nay là tùy từng nước mỗi nơi làm một cách.
Bà Phan Bích Thiện: Tôi cũng nhất trí là vai trò của ủy viên ở nước ngoài với tư cách là người của Mặt trận cũng chưa được phản ánh một cách rõ ràng.
Thêm nữa, để thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện, thì UB TƯ MTTQ cũng nên tổ chức những cuộc lấy ý kiến kiều bào ở nước ngoài thông qua những Ủy viên của Mặt trận ở nước ngoài, về những chính sách của nhà nước. Trên cơ sở phản biện thực tế mới xây dựng được những chính sách phù hợp những điều có lợi cho đất nước
|
Bà Phan Bích Thiện, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 7, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Quỹ vì quan hệ Hunggary - Việt Nam |
MTTQ VN là tổ chức có 47 tổ chức thành viên, trong đó có những tổ chức chuyên về những lĩnh vực cụ thể như Hội nữ trí thức, Hội y học, Hội bảo vệ môi trường vv…Phát huy vai trò của mặt trận là làm sao để những tổ chức đó có những sự hợp tác có hiệu quả với những tổ chức tương tự ở nước ngoài. Quan trọng hơn là phát huy được tiềm năng, chất xám của giới trí thức Việt ở nước ngoài, có những mối quan hệ có thể làm lợi cho đất nước rất nhiều. Như ở Hungary, trong năm vừa rồi sự hợp tác giữa hai nước phát triển rất cao trong các lĩnh vực như đào tạo, năng lượng, thể thao... Khởi điểm là những kiều bào - mỗi người làm trong lĩnh vực đó đưa ra được những ý tưởng, làm đầu mối liên kết, mà sau đó nâng dần lên thành hợp tác giữa hai nước. Đó là mảng chúng ta cần chú trọng.
Pv: Trọng trách và vị thế mới của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang được đặt kỳ vọng vào một nhiệm kỳ Đại hội mới. Lần đầu tiên trong lịch sử, Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ghi cụ thể vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đại diện và bảo vệ cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, là giám sát và phản biện xã hội, là tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Sau ĐH mặt trận, các UVTW MTTQ VN ở nước ngoài có những kỳ vọng gì?
Ông Nguyễn Bá Phúc: Tôi rất mong đợi những sự đột phá trong những nhiệm kỳ mới của MTTQVN, trong đó có vai trò rất mới: Hội nghị lần thứ 8 khóa 7 trong báo cáo công tác mặt trận có nhiều đột phá mới, như công tác phản biện và giám sát. Có từng giai đoạn mặt trận là cầu nối với những tổ chức chuyên môn, liên kết với các bộ ngành để hoàn thành vai trò này một cách tốt nhất trong từng lĩnh vực….
Tôi cũng mong muốn trong những phong trào vận động quần chúng trong nước, Mặt trận nên phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, đặc biệt là những nước cộng đồng đông như chúng tôi ở Australia, hay Mỹ ..vv để cùng vận động kiều bào, coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài như cộng đồng trong nước. Như thế, cộng đồng sẽ thấy họ gắn liền với quê hương khi họ được cùng tham gia với những phong trào vận động nhân dân trong nước. Đặc biệt những thông tin khi cùng sát cánh với đồng bào trong nước đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất nước. Cũng nên quảng bá rộng rãi, thông tin kịp thời cho cộng đồng về những thách thức lãnh thổ của Việt Nam, để cộng đồng cùng góp một bàn tay với nhân dân trong nước.
Trong công tác mặt trận có những chủ trương vận động nhân dân trong nước thì nên quảng bá rộng rãi đối với cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài. Chẳng hạn cuộc vận động Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, thì nên vận động kể cả cộng đồng ở nước ngoài, vì cộng đồng là những người có thể giới thiệu sản phẩm, giới thiệu hình ảnh Việt Nam, là một cầu nối rất tốt.
Bà Phan Bích Thiện: Tôi cũng hy vọng sau Đại hội 8 vị thế của Mặt trận Tổ quốc đi vào thiết thực hơn nữa. Việc một ủy viên Bộ chính trị là Chủ tịch mặt trận là điều rất mừng. Tôi rất kỳ vọng những mục tiêu chính của mặt trận được đi vào cụ thể hóa, những quyết định lớn của nhà nước đều thông qua tiếng nói của mặt trận, vì đây là nơi thu thập ý kiến của quần chúng.
Đối với người Việt ở nước ngoài, rất mừng là trong khóa vừa rồi mặt trận đưa ra đề án Giữ gìn bảo vệ văn hóa dân tộc trở thành đề án quốc gia. Mong là sau ĐH đề án đó được triển khai, đưa vào những chương trình hoạt động cụ thể.
Đối với các ủy viên người Việt ở nước ngoài, làm sao có một chương trình hành động cụ thể, những mối liên kết cụ thể thì họ sẽ có trọng trách rõ ràng hơn, phát huy tốt hơn vai trò của mình.
Ông Nguyễn Văn Thái: Giám sát, phản biện đầy đủ sẽ phát huy hết vai trò của mặt trận. Trở lại vấn đề Nghị quyết 36 của Bộ chính trị thì đó là nghị quyết đi đúng tâm tư nguyện vọng của người Việt ở nước ngoài, vì không chỉ coi người Việt ở nước ngoài là một bộ phần không thể tách rời của dân tộc VN mà còn tạo điều kiện cho người Việt được phát triển, tồn tại ở những nước sở tại một cách tốt nhất. Đó cũng là suy nghĩ rất táo bạo. Việc người Việt về nước bây giờ không cần visa, tưởng như một chuyện rất hiển nhiên, nhưng nếu không có Nghị quyết 36 thì chuyện đó rất khó được giải quyết. Làm sao chúng ta thực hiện thật tốt, thật đúng tinh thần của NQ 36 đối với người Việt ở nước ngoài thì sẽ mang lại lợi ích cho cả cộng đồng người Việt ở trong nước và nước ngoài, động viên được lực lượng không nhỏ của người Việt trong công cuộc đấu tranh bảo vệ, xây dựng đất nước cũng như làm tốt công tác mặt trận
Pv: Xin cảm ơn các quý vị khách mời./.