(VOV5) - Tôi tin Việt Nam sẽ dần dần lĩnh hội kinh nghiệm từ các nước và tìm ra mô hình phù hợp của riêng mình
“Việt Nam đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy sự phát triển và hội nhập báo chí quốc tế”. Đây là đánh giá của ông Daniel Brouyère, Giám đốc Liên đoàn phát thanh và truyền hình quốc tế (URTI), đồng thời là Tổng thư ký Hiệp Hội các đài Phát thanh- Truyền hình sử dụng tiếng Pháp (CIRTEF). Ông Daniel Brouyère đã có cuộc trả lời phỏng vấn của PV Đài Tiếng nói Việt Nam về xu thế phát triển của truyền thông và báo chí trong kỷ nguyên số cũng như vai trò của Việt Nam trong hội nhập và phát triển báo chí quốc tế.
Nghe âm thanh phòng vấn tại đây:
PV: Là một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và giữ nhiều vị trí quan trọng trong các cơ quan, tổ chức báo chí uy tín, ông đánh giá như thế nào về xu hướng phát triển của lĩnh vực báo chí, truyền thông hiện nay?
Ông Daniel Brouyère: Theo tôi, con đường phát triển của báo chí nói chung là vô cùng rộng mở. Trong tương lai gần, bất kể phương tiện truyền thông nào, dù là đại chúng hay tư nhân, ngoài việc duy trì các kênh phát truyền thống, cung cấp các chương trình và nội dung cho khán giả theo kiểu tuyến tính, trực tiếp theo giờ thì còn tiến tới cung cấp nội dung bằng các phương tiện kỹ thuật số theo cách mà khán giả có thể truy cập vào các nền tảng để tìm kiếm nội dung quan tâm.
Ông Daniel Brouyere, Giám đốc Liên đoàn phát thanh và truyền hình quốc tế (URTI) |
Đó sẽ không còn là vào một thời điểm cố định, mà là khi công chúng sẵn sàng tiếp nhận. Đây được gọi là mô hình phi tuyến tính hóa, có nghĩa là tất cả các phương tiện truyền thông sẽ phải tạo ra nền tảng riêng để phát trực tuyến, sẽ phải sản xuất nội dung cho các phương thức tiêu thụ mới này chẳng hạn như podcast. Họ có thể mang lại cuộc sống thứ 2 cho các chương trình tuyến tính của mình thông qua các nền tảng trực tuyến, các nền tảng kỹ thuật số.
Tuy nhiên cũng có những hướng phát triển khác, thậm chí là thông qua trò chơi điện tử. Trong tương lai, các phương tiện truyền thông có thể sẽ phát triển các phương pháp phát sóng trò chơi điện tử để cung cấp nội dung cho khán giả đại chúng. Có thể nói, xu hướng chuyển đổi từ phương tiện truyền thông truyền thống sang phương tiện kỹ thuật số là tất yếu vì phù hợp hơn với phương thức tiêu dùng.
PV: Rõ ràng, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số, Internet đã và đang tác động sâu sắc, đa dạng đến "bữa tiệc” thông tin của công chúng, ảnh hưởng trực tiếp đến các phương tiện truyền thông truyền thống, đặt ra cho giới báo chí những thách thức chưa từng có. Vậy theo ông, làm thế nào để báo chí có thể thích nghi được với xu thế phát triển của truyền thông hiện nay?
Ông Daniel Brouyère: Các phương tiện truyền thông truyền thống sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nền tảng quốc tế, chẳng hạn như dịch vụ phát trực tuyến theo đăng ký Netflix hoặc Disney Channel. Các nền tảng này cung cấp nội dung giải trí thu hút lượng lớn khán giả trẻ, nhất là khi những nội dung này không còn có sẵn trên kênh phát của các đài truyền hình và kênh truyền hình- phát thanh truyền thống.
Vì vậy, các phương tiện truyền thông đại chúng phải thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số, tạo ra các nền tảng mới để phát triển các véc tơ có thể tiếp cận tất cả các nhóm khán giả đang ngày càng phân khúc. Các phương tiện truyền thông truyền thống phải tăng cường sức hấp dẫn đối với khán giả với tầm nhìn hiện đại, năng động và cập nhật. Điều quan trọng là họ phải tự đặt mình vào những thách thức và giải quyết chúng hướng tới mục tiêu cao hơn là bảo tồn giá trị văn hóa địa phương cũng như tạo dựng nhận thức công chúng về bản sắc văn hóa, mô hình xã hội và chính trị của quốc gia.
PV: Đài tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam là hai Đài quốc gia đã tham gia với tư cách là thành viên đầy đủ của CIRTEF ngay từ những năm đầu thành lập năm 1981. Việt Nam lần lượt được bầu vào chức Phó chủ tịch của CIRTEF nhiệm kỳ năm 2001-2003, nhiệm kỳ 2005-2007 và Phó Chủ tịch thứ nhất của CIRTEF nhiệm kỳ 2007-2009. Vậy ông đánh giá như thế nào về những đóng góp và vai trò của Việt Nam trong CIRTEF, cũng như trong thúc đẩy sự phát triển và hội nhập báo chí quốc tế?
Ông Daniel Brouyère: Là một quốc gia nói tiếng Pháp và nằm trong số những nước có cộng đồng nói tiếng Pháp đông đảo nhất ở châu Á, Việt Nam đã cho thấy vai trò quan trọng trong thúc đẩy hội nhập báo chí quốc tế. Có thể nói là Việt Nam là một hình mẫu khi đã tạo được mô hình phát triển của riêng mình, vừa bảo vệ được các giá trị văn hóa của mình, mà vẫn đáp ứng được xu thế phát triển của thế giới hiện đại. Việt Nam đang đồng thời dấn thân trên con đường truyền thống và hiện đại hóa.
Dù con đường này cũng không dễ dàng, song tôi tin Việt Nam sẽ dần dần lĩnh hội kinh nghiệm từ các nước và tìm ra mô hình phù hợp của riêng mình, có thể thông qua sự phối hợp và hợp tác với các hội nhóm, tổ chức như Liên đoàn phát thanh và truyền hình quốc tế, hay Hiệp Hội các đài Phát thanh- Truyền hình sử dụng tiếng Pháp. Cá nhân tôi cũng rất mong quan hệ hợp tác trong lĩnh vực báo chí truyền thông này sẽ ngày càng phát triển và sâu sắc hơn.
Vâng xin cảm ơn ông.