(VOV5) - Việt Nam sẽ cần khoản đầu tư rất lớn vào hệ thống năng lượng. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam.
Việt Nam vẫn luôn là thị trường hấp dẫn, thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài. Đây là nhận định của ông Andrew Jeffries Giám đốc quốc gia ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, khi trả lời phỏng vấn của Phóng viên Đài TNVN về triển vọng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2023-2024.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
PV: Thưa ông, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay đạt 6.5%, và kiểm soát lạm phát ở mức 4.5%. Đây cũng là con số mà ADB đưa ra trong dự báo mới nhất của mình. Ông có bình luận gì về mức tăng trưởng này?
Ông Andrew Jeffries: Trong giai đoạn ngắn hạn, kinh tế Việt Nam có thể gặp phải những cơn gió ngược, như là việc kinh tế thế giới tăng trưởng chậm. Điều này đã đang ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam rồi. Nhưng ngược lại, chúng tôi vẫn thấy các chính sách mà Chính phủ Việt Nam đang đặt ra để kích thích kinh tế phát triển, trong đó có khoản đầu tư công rất lớn. Có thể thấy Việt Nam đang chuyển từ chính sách thắt chặt sang nới lỏng và hỗ trợ phát triển. Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa cũng mang đến nhiều cơ hội cho lĩnh vực dịch vụ tại Việt Nam, và do đó chúng tôi dự báo năm nay linh vực này có thể tăng trưởng rất mạnh mẽ. Như vậy, tôi cho rằng, một vài thách thức trong ngắn hạn rồi sẽ dịu xuống và đó cũng là lý do vì sao ADB dự đoán Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6.5% trong năm nay.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Thùy Dung |
PV. Ông có nhắc đến những ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới đối với kinh tế Việt Nam. Vậy trong bối cảnh khi gần đây, hệ thống các ngân hàng toàn cầu gặp nhiều bất ổn, theo ông, Việt Nam cần làm gì để tránh kịch bản tương tự?
Ông Andrew Jeffries Bối cảnh giữa các ngân hàng trên thế giới và ngân hàng tại Việt Nam có phần khác nhau. Nhưng có thể nói, chúng tôi không nhận thấy những rủi ro có tính hệ thống trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Các ngân hàng Việt Nam có sức chống chịu khá tốt. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý một số thách thức trong ngắn hạn, như là các khoản nợ xấu, nợ khó đòi, nhất là trong điều kiện khi những “cơn gió ngược” đang hướng đến Việt Nam. Do đó, các ngân hàng tại Việt Nam cần tăng hệ số an toàn vốn, đồng thời giải quyết các khoản nợ xấu.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, năm ngoái, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới nhờ khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, năm nay ADB dự báo lượng đầu tư vào Việt Nam có thể sẽ giảm xuống. Vậy theo ông nguyên nhân là do đâu và Việt Nam cần làm gì để tiếp tục giữ khả năng thu hút FDI?
Ông Andrew Jeffries: Theo tôi, thời điểm này vẫn còn khá sớm để kết luận về xu hướng đầu tư nước ngoài cho năm nay. FDI trong quý này có thể thấp nhưng trong quý khác sẽ lại cao. Tôi chưa thấy vấn đề gì trong ngắn hạn có thể làm thay đổi dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Theo tôi, Việt Nam vẫn luôn là một thị trưởng rất hấp dẫn, thu hút nhiều FDI. Có nhiều lý do cho điều này. Ví dụ, Việt Nam ký kết rất nhiều Hiệp định thương mại tự do, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh với sức mua cao, thị trường hấp dẫn, và Việt Nam cũng là cửa ngõ vào khu vực ASEAN.
Tất cả những điều này đang thu hút rất nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn của Mỹ tới đây. Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục duy trì môi trường kinh doanh, xây dựng các cơ sở vật chất cho giao thông, cầu cảng, chuyển đổi số. Đặc biệt, việc tập trung vào nguồn năng lượng sạch cũng rất quan trọng. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng có cam kết về phát thải ròng của riêng mình. Do đó, khi tìm một nơi để đầu tư lâu dài, họ sẽ muốn tìm những nơi có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn năng lượng sạch.
PV: Là một trong những đối tác quốc tế lớn của Việt Nam, ADB có kế hoạch gì trong việc hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng và tránh được các thách thức đặt ra?
Ông Andrew Jeffries: Tương lai chúng tôi đang có những chiến lược mới để hỗ trợ Việt Nam chuyển sang kinh tế xanh, thúc đẩy lĩnh vực tư nhân, đảm bảo công bằng trong xã hội... Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Điều này có tính thách thức rất cao, đặc biệt là trong bối cảnh các bạn đang tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Một số người coi thách thức này là gánh nặng, nhưng đây thực ra cũng là một cơ hội đầu tư. Việt Nam sẽ cần khoản đầu tư rất lớn vào hệ thống năng lượng. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam. Các khoản đầu tư sẽ trải dài trên cả lĩnh vực công và tư nhân, nhờ đó giảm bớt gánh nặng cho cả Chính phủ và cả người dân.
Xin cảm ơn ông