(VOV5) - Việt Nam đã sẵn sàng để khẳng định vai trò và trách nhiệm của mình trong ASEAN, duy trì đà tiến triển của ASEAN trong đời sống chính trị toàn cầu.
Việt Nam sẽ chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ ngày 1/1/2020. Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò này. Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia ASEAN 2020, về những khó khăn, thách thức và những ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng |
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, xin Thứ trưởng cho biết những thuận lợi, khó khăn, thách thức của Việt Nam khi đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN 2020?
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng: Việc đẩy mạnh gắn kết với nhau là rất quan trọng của một cộng đồng. Do vậy mà chúng ta đã chọn chủ đề của Năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Nhiệm vụ thì có rất nhiều. Các bạn đã làm các năm trước rất tốt rồi thì chúng ta phải làm sao cố gắng giữ được đà phát triển đó và kế thừa, phát huy, đồng thời phải nâng cao hơn nữa đà phát triển đó bằng những sáng kiến của chính bản thân mình. Chúng ta phải làm sao tạo những dấu ấn mới để từ đó ASEAN sẽ triển khai tiếp những năm tiếp theo, đặc biệt là hoàn thành kế hoạch tổng thể về xây dựng cộng đồng 2025.
Về thách thức, bối cảnh tình hình thế giới đang rất phức tạp, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, những vấn đề an ninh phi truyền thống. Những vấn đề toàn cầu mà chúng ta phải xử lý đang gây ra những tác động trái chiều trong ASEAN. Vậy chúng ta phải nỗ lực để gắn lại, đoàn kết lại. Đấy là thách thức rất lớn.
Còn về thuận lợi thì sau 10 năm, bản thân đất nước chúng ta đã trưởng thành lên rất nhiều, kể cả về vị thế tầm vóc, đặc biệt nữa là chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm để tổ chức hội nghị như thế này. Uy tín Việt Nam cũng ngày càng cao, nhận được sự tin cậy, ủng hộ của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa của chủ đề mà Việt Nam lựa chọn trong năm Chủ tịch ASEAN 2020?
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng: Về chủ đề của năm nay, ý nghĩa của chủ đề năm nay, như tôi đã nhiều lần chia sẻ, chúng ta chọn chủ đề là “Gắn kết và chủ động thích ứng”. Gắn kết ở đây thì chúng ta phải hiểu là khi ASEAN đã trở thành cộng đồng thì mấu chốt của cộng đồng là phải gắn kết lại với nhau, phải tìm ra chất keo dính gắn kết với nhau. Đấy là những gì, là sự đoàn kết, sự thống nhất, gắn kết với nhau cả về kinh tế, văn hóa và nhận thức của cộng đồng, của doanh nghiệp, về những lợi ích chung của cộng đồng cũng như nhận thức rằng mình là một công dân của cộng đồng ASEAN chứ không chỉ là công dân của một quốc gia.
Chúng ta phải có tư duy về cộng đồng, đó là cùng hành động cộng đồng chứ không nên chỉ xuất phát từ lợi ích quốc gia. Đó là điểm mấu chốt của sự gắn kết. Đồng thời là chủ động thích ứng trước tình hình biến đổi rất nhanh chóng và mạnh mẽ của khu vực và thế giới, chúng ta phải thích ứng với nó. Đặc biệt, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại nhiều thuận lợi cũng như thách thức lớn thì chúng ta phải chuẩn bị, không chỉ chuẩn bị cho riêng Việt Nam mà chuẩn bị chung cho cả khối để có thể vững vàng thích ứng. Đấy là ý nghĩa của chủ đề Năm ASEAN 2020.
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, ông có nói là chủ động thích ứng là chủ đề mà lần đầu tiên đưa ra trong ASEAN. Vậy thì với vai trò là Chủ tịch của ASEAN năm 2020 thì Việt Nam sẽ thúc đẩy sự chủ động thích ứng này trong ASEAN như thế nào để gắn kết và lan tỏa được vị trí trung tâm của ASEAN?
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng: Trước hết, muốn chủ động thì chúng ta phải có nhận thức là cần phải thích ứng một cách tập thể. Từ nhận thức đấy chúng ta sẽ có sự gắn bó đoàn kết lại với nhau và xây dựng các quan điểm lập trường chung của ASEAN trước các vấn đề của khu vực và thế giới. Ví dụ như năm ngoái, ASEAN đã từng làm được việc đó khi mà trước sáng kiến của các nước lớn về vành đai con đường, về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ASEAN đã xây dựng được một tài liệu quan điểm chung của mình về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đấy là nỗ lực rất tốt và Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy trong năm nhiệm kỳ của mình.
Thứ hai là, trước cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam sẽ cùng với các nước tập trung đào tạo nguồn nhân lực thích ứng được với cuộc cách mạng này. Chúng ta cũng tập trung cho khởi nghiệp của ASEAN, không phải chỉ riêng của Việt Nam mà của cả ASEAN để hỗ trợ các xu thế đó. Ngoài ra, chúng ta sẽ kế thừa các chương trình mà các nước đã làm như mạng lưới thành phố thông minh thì Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh mẽ trong năm ASEAN 2020.
Phóng viên: Vấn đề Biển Đông là vấn đề rất được quan tâm trong ASEAN và với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020 thì Việt Nam sẽ thúc đẩy vấn đề Biển Đông như thế nào để làm sao các nước ASEAN có sự đồng thuận nhất định để giải quyết những vấn đề hiện nay?
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng: Biển Đông có mấy nội dung mà mọi người đều quan tâm, không phải chỉ Việt Nam. Đấy là hòa bình an ninh, tự do hàng không, hàng hải, là việc thực hiện Luật pháp quốc tế ở Biển Đông, thực hiện DOC và xây dựng COC, về vấn đề ngư dân trên biển…Chúng ta hoàn toàn không có ý định làm nóng vấn đề Biển Đông hay làm nguội vấn đề Biển Đông mà nó tùy thuộc vào tình hình những gì xảy ra liên quan đến tất cả những nhân tố đó. Cho dù Việt Nam không nêu ra thì các nước cũng nêu ra, nếu đó là mối quan tâm của các nước thì họ sẽ đưa lên bàn hội nghị để trao đổi thôi.
Khi lợi ích khác nhau, mối quan tâm khác nhau thì ai cũng muốn là mối quan tâm của mình, lợi ích của mình được các nước khác ủng hộ. Là Chủ tịch thì đương nhiên một nhiệm vụ khó khăn là làm sao dung hòa được các lợi ích đó, đồng thời cũng phải bảo vệ được lợi ích của chính mình. Và tôi cho rằng Việt Nam sẽ phấn đấu để làm được việc đó.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!