(VOV5) -Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên xây dựng bản NDC theo yêu cầu của COP 21.
Hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu (COP24) đang diễn ra tại Ba Lan với sự tham dự của gần 200 quốc gia. Đoàn Việt Nam tham gia với mục đích là nắm bắt các xu hướng, kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, từ đó có thêm thông tin thực hiện rà soát cập nhật bản Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, dự kiến sẽ triển khai từ năm 2021. Về nội dung này, PV VOV5 phỏng vấn ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng BDKH, Bộ TNMT.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Thứ trưởng Lê Công Thành và lãnh đạo Cục Biến đổi khí hậu tại cuộc họp đoàn Việt Nam tham dự COP 24. Ảnh TNMT |
PV: Xin chào ông! Ông có thể cho biết một số nội dung trọng tâm của COP24 tại Ba Lan?
Ông Phạm Văn Tấn: Nội dung của COP 24 năm nay sẽ thông qua chương trình nghị sự Paris tức là thảo luận những quy định chi tiết thực hiện thỏa thuận Paris đã được thông qua tại COP 21 năm 2015. Hội nghị năm nay được coi là COP quan trọng bởi vì có rất nhiều nội dung chi tiết phải được thảo luận, hướng dẫn theo văn bản dưới Thỏa thuận khung. Ba năm qua, Việt Nam cùng với các nước trên thế giới cùng nhau thảo luận rất nhiều trên chương trình nghị sự này. Cho đến thời điểm hiện tại, chương trình này còn khá phức tạp, đồ sộ. Hi vọng, sẽ có nhiều quyết định cụ thể đưa ra tại COP 24. Trong tuần đầu hội nghị, chúng tôi cố gắng làm cho nó đơn giản hóa đi để có thể thực hiện được. Còn những gì còn tồn tại sẽ đợi ở phiên họp cấp cao tới. Tại COP 24, quốc tế chưa thể nắm được thực trạng của từng nước nên không xem xét đánh giá gì bản NDC của từng quốc gia. Việc đánh giá những cam kết đó sẽ được thực hiện ở Hội nghị COP vào năm 2023.
PV: Muc đích của đoàn Việt Nam khi tham dự COP24 là gì và Đoàn có mang tới hội nghị sáng kiến về khí hậu nào không, thưa ông?
Ông Phạm Văn Tấn: Việt Nam mang đến hội nghị chủ yếu nêu là nỗ lực trong triển khai thỏa thuận quốc tế toàn cầu, tác động của BĐKH cũng như việc rà soát cập nhật NDC. Đồng thời, Việt Nam cũng chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm từ các nước có hoàn cảnh tương tự để Việt Nam tiếp tục hoàn chỉnh bản NDC của mình, theo kế hoạch sẽ trình Liên hợp quốc NDC vào tháng 5/2019. Ngoài ra, Việt Nam mang đến hội nghị tinh thần của một nước tiên phong về thực hiện các cam kết quốc tế. Kể từ khi có thỏa thuận Paris, Việt Nam đã có ngay kế hoạch triển khai cùng với việc Chính phủ phê chuẩn thỏa thuận. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên xây dựng bản NDC theo yêu cầu của COP 21. Trước khi đến COP24, Việt Nam tổ chức nhiều chuyên đề, hội thảo và mới nhất là hội nghị về Đồng bằng sông Cửu Long. Những giải pháp, sáng kiến về biến đổi khí hậu, chương trình, dự án ở đó cũng được mang đến để trao đổi cũng như kêu gọi cộng đồng quốc tế hợp tác cùng Việt Nam.
Đoàn Việt Nam tham gia COP24 tại Ba Lan. -Nguồn TTXVN |
PV: Ông có thể cho biết những nội dung chính trong bản NDC của Việt Nam?
Ông Phạm Văn Tấn: NDC của Việt Nam nêu ra mục tiêu chung về giảm ít nhất 8% phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021-2030. Để đưa ra mục tiêu đó, Bộ TNMT cùng chuyên gia kỹ thuật của tất các Bộ ngành đã xây dựng những nhóm lựa chọn giải pháp về công nghệ, tài chính cho từng ngành nghề để thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể. Việc đóng góp cho bản Quốc gia tự quyết định của Việt Nam gồm 2 phần. Một là giảm nhẹ khí phát thải CO2, hai là thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam đặt ưu tiên hiện nay là thích ứng biến đổi khí hậu.Bởi có thích ứng thì mới có tồn tại phát triển. Lúc đó mới có nhiều khả năng hơn đóng góp cho giảm nhẹ khí phát thải nhà kính. Đây là quan điểm của Việt Nam khi thực hiện cam kết Hiệp định Paris.
Có thể nói rằng, bản NDC hiện tại của Việt Nam phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội. Tuy nhiên, để nâng cao tính khả thi cũng như trách nhiệm của từng cấp bộ ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các bộ ban ngành tiếp tục rà soát bổ sung bản NDC hiện tại, làm rõ sự đóng góp cụ thể của từng thực thể qua đó bố trí nguồn lực một cách hợp lý.
Về thích ứng với biến đổi khí hậu,Việt Nam hiện có một loạt chương trình, dự án đã được chính phủ phê duyệt và các bộ ngành đã đang và sẽ tiếp tục triển khai. Đối tượng dễ bị tổn thương là phụ nữ, trẻ em, người già người nghèo và dân tộc thiểu số luôn được quan tâm trong tất cả các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.