(VOV5) - Một trong những điểm nhấn và dấu ấn nổi bật là lần đầu tiên ASEAN tổ chức một Phiên họp về tăng quyền cho phụ nữ trong thời đại số.
PV: Thưa bà, lần đầu tiên trong khuôn khổ một Hội nghị cấp cao ASEAN tổ chức phiên họp về tăng quyền cho phụ nữ. Bà đánh giá như thế nào về sáng kiến này của Việt Nam?
Bà Nguyễn Nguyệt Nga: Cũng có thể nói đây là một sáng kiến nổi bật của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Đây là cuộc họp đầu tiên của các nhà lãnh đạo cấp cao với đại diện lãnh đạo ASEAN, đại diện lãnh đạo nữ của các nước, bè bạn quốc tế, Liên hiệp quốc, bàn về vấn đề tăng cường bình đẳng giới và trao quyền năng cho phụ nữ trong thời đại số. Trong lịch sử của ASEAN hơn 50 năm qua, đây có thể nói là một cuộc họp cấp cao nhất của nhà lãnh đạo ASEAN ở khu vực về vấn đề bình đẳng giới trong khu vực.
Bà Nguyễn Nguyệt Nga, Đại sứ, Cố vấn cao cấp Ban thư ký ASEAN |
Thứ hai nữa, chúng ta thấy đây là một cuộc họp rất có ý nghĩa biệt ý nghĩa đặc biệt bởi vì nó diễn ra trong bối cảnh rất có ý nghĩa đối với hợp tác khu vực và trên thế giới trong thời kỳ rất nhiều thách thức của thời đại trong thời kỳ đại dịch Covid-19 hiện nay. Trước hết là hội nghị diễn ra đúng lúc, đúng với sự quan tâm của khu vực, của chị em phụ nữ thế giới và đặc biệt ASEAN. Bởi vì năm nay là kỷ niệm 20 năm thế giới đánh giá lại thực hiện các cam kết xã hội, trong đó đặc biệt là bình đẳng giới. Năm nay cũng là kỷ niệm 25 năm thực hiện phương lĩnh và Chương trình hành động của Bắc Kinh và năm nay cũng là năm mà thế giới và khu vực của chúng ta đang rà soát lại việc thực hiện 5 năm thực hiện Chương trình Nghị sự 230 của Liên hiệp quốc về phát triển bền vững, trong đó bình đẳng giới và trao quyền năng cho phụ nữ. Đối với ASEAN thì đây cũng chính là thời điểm các nước ASEAN, đặc biệt là tại các cuộc họp với các nhà lãnh đạo cấp cao bàn rất nhiều về các biện pháp để thực hiện tầm nhìn ASEAN 2025.
Chúng tôi thấy ở góc độ chính sách, có thể nói là sáng kiến của chúng ta về phiên họp đặc biệt này thu hút sự quan tâm rất rộng rãi của khu vực ASEAN và trung tâm của ASEAN và của cả khu vực và trên thế giới. Bởi vì nó là một thông điệp rất rõ ràng về sự cam kết và ủng hộ đi đầu tiên phong của ASEAN trong vấn đề rồi thúc đẩy hợp tác đa phương và chủ nghĩa đa phương.
Như vậy, qua sự kiện chúng tôi thấy sáng kiến này có ý nghĩa lịch sử và thiết thực. Nó sẽ góp phần đánh dấu một bước chuyển của ASEAN trong chuỗi các hoạt động trong một giai đoạn mới ở một tầm mức thiết thực hơn rất nhiều, khẳng định được năng lực dẫn dắt và khởi xướng của Việt Nam.
PV: Tỷ lệ tham gia các hoạt động quản lý, lãnh đạo của nữ giới Việt Nam, theo bà đứng ở đâu trong khu vực giới. Và những nỗ lực của Việt Nam trong công tác thực hiện bình đẳng giới được đánh giá như thế nào?
Bà Nguyễn Nguyệt Nga: Thực sự vấn đề bình đẳng giới luôn là tiêu chí khi đánh giá quốc gia về phát triển và tiến bộ xã hội, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Những vấn đề an sinh xã hội, các vấn đề nhóm yếu thế, trong đó có phụ nữ bộc lộ rất rõ những năng lực tự cường hay xã hội bền vững của các quốc gia. Cho nên các nước rất coi trọng. Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực và tiên phong trong vấn đề lĩnh vực bình đẳng giới, đặc biệt về mặt chính sách và khuôn khổ chính sách. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy nỗ lực về bình đẳng giới còn nhiều việc phải làm.
Như vậy, việc đặt ra chủ đề của phiên họp ngày hôm nay là Tăng quyền cho phụ nữ là rất đúng, rất trúng. Chủ tịch Quốc hội của chúng ta và các lãnh đạo nữ sẽ chia sẻ quan điểm tăng vai trò tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị trong thời đại hiện nay để đóng góp vào sự tiến bộ xã hội nói chung. Cho nên chúng ta sẽ còn phải tiếp tục nỗ lực rất nhiều. Nhưng có thể khẳng định Việt Nam đang ở trong nhóm tiên phong của các nước ASEAN về vấn đề bình đẳng giới.
PV: Chúng ta đã đi được nửa chặng đường Chủ tịch ASEAN 2020. Vậy bà có thể đánh giá sơ bộ về vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, đặc biệt là 6 tháng còn lại?
Bà Nguyễn Nguyệt Nga: Chúng ta còn 6 tháng nữa để đánh giá lại tất cả. Nhưng trong 6 tháng qua, có thể nói Việt Nam đã làm xuất sắc. Đây là ý kiến của bạn quốc tế và có nhiều bài đăng tải trên các tạp chí, đánh giá trong phát biểu của các chính khách lẫn cả những người nghiên cứu, doanh nghiệp. Họ đánh giá Việt Nam đã phát huy được vai trò Chủ tịch ASEAN, trước hết Việt Nam đã trở thành mô hình thành công của ứng phó với dịch bệnh, người dân Việt Nam được an toàn, khôi phục được các hoạt động kinh tế xã hội. Chính điều đó tạo niềm tin của bạn quốc tế vào vai trò lãnh đạo, năng lực của Việt Nam, lãnh đạo ASEAN. Thứ hai, các sáng kiến của Việt Nam đã góp phần nuôi dưỡng, giữ được đà hợp tác ASEAN. Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế để ứng phó với dịch bệnh. Ttong bối cảnh dịch bệnh, quốc gia nào cũng quan tâm trong nước ai cũng hướng về nội khối, nhưng Việt Nam đã phát huy được tinh thần đa phương, thúc đẩy tinh thần ASEAN, gắn kết ASEAN.
Cho đến nay, chúng ta rất tự hào Việt Nam đã đóng góp phần tạo nên điểm sáng trong hợp tác quốc tế, nhất là trong bối cảnh bức tranh toàn cầu khá đậm gam màu xám. Từ nay đến cuối năm, chúng ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đáp ứng kỳ vọng của bè bạn quốc tế đối với chúng ta.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bà!