(VOV5) - Phỏng vấn Đại sứ Vũ Viết Dũng về quan hệ hai nước và các ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
Ả-rập Xê-út (Saudi Arabia) là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước thời gian qua tiếp tục có những bước phát triển tích cực, đặc biệt trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác lao động. Hai bên cũng ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức của Liên hợp quốc. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Đại sứ Vũ Viết Dũng trả lời phỏng vấn VOV về quan hệ hai nước và các ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
Ủy ban hỗn hợp Việt Nam và Arab Saudi - Ảnh ĐSQ cung cấp
|
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa Đại sứ, ông có thể điểm lại những thành tựu nổi bật trong 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út?
Đại sứ: Trong 20 năm qua, mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ả rập Xê-út đã đạt được những bước phát triển tích cực, đặc biệt kể từ sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ả rập Xê-út của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (năm 2010). Về chính trị, hai bên duy trì sự ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương. Mới đây, Ả rập Xê-út đã ủng hộ Việt Nam ứng cử làm Ủy viên không thường trực HĐBA/LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021. Về kinh tế, Ả rập Xê-út là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông, với kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2018 đạt 1.8 tỷ USD. Một số tập đoàn lớn của Ả rập Xê-út như Kingdom Holdings, Thép Zamil… đã có những dự án đầu tư thành công tại Việt Nam. Quỹ phát triển của A rập Xê út đã và đang có một số dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng cho nông thôn Việt Nam. Hiện có khoảng 10.000 người Việt Nam đang làm việc tại Ả rập Xê-út, chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp, dịch vụ…
Đại sứ Vũ Viết Dũng ký hợp tác hàng không giữa Việt Nam và Ai Cập - Ảnh ĐSQ cung cấp
|
PV: Về trao đổi thương mại, Việt Nam chủ yếu nhập siêu từ Ả-rập Xê-út. Vậy hai bên cần phải làm gì để tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường quan trọng tại khu vực Trung Đông này, thưa Đại sứ?
Đại sứ: Trong năm 2018 lượng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Ả rập Xê út đạt 330 triệu USD trong khi ta nhập khẩu của bạn gần 1.5 tỷ USD. Như vậy là ta nhập siêu khá lớn. Để từng bước cân bằng cán cân thương mại, tăng giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Ả rập Xê út, các doanh nghiệp của ta trước mắt cần tập trung vào 3 việc sau:
- Nghiên cứu kỹ hơn nhu cầu của người tiêu dùng Ả rập Xê út, từ đó tăng cường xuất khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh ví dụ như hoa quả nhiệt đới, cà phê, chè. Bạn đang triển khai kế hoạch Tầm nhìn 2030 trong đó đa dạng hóa nguồn thu cho kinh tế nhằm giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, cố gắng bảo đảm nguồn cung nông sản, thủy hải sản ổn định. Đây chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó đặc biệt chú ý bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường A rập Xê út có đòi hỏi khá cao về vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Tìm hiểu và thực hiện quy trình cấp chứng chỉ Halal được công nhận tại thị trường Ả rập Xê út nhằm làm gia tăng giá trị xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm vào thị trường này.
Để làm được những việc nêu trên, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường chủ động tiếp cận thị trường, mở rộng các cơ hội hợp tác kinh doanh. Trong thời gian tới, Đại sứ quán và bộ phận Thương vụ sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, làm cầu nối cho doanh nghiệp hai bên trao đổi, hợp tác.
Giới thiệu văn hóa và áo dài Việt Nam tại Arab Saudi - Ảnh ĐSQ cung cấp
|
PV: Thưa ông, Ả-rập Xê-út là quốc gia có GDP lớn thứ 18 trên thế giới, có thế mạnh về dầu khí và là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Vậy đâu là lĩnh vực hợp tác, đầu tư mà hai nước ưu tiên tập trung thúc đẩy trong thời gian tới.
Đại sứ: Trải qua 20 năm, mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ả rập Xê út đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên tôi cho rằng những kết quả đó còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của lãnh đạo và nhân dân hai nước. Để đưa mối quan hệ hợp tác này trở nên sâu rộng và thực chất hơn nữa, trong thời gian tới, ngoài các điểm như đã nêu ở trên, hai bên cần chú trọng vào một số lĩnh vực sau:
Thứ nhất là hợp tác du lịch. Hàng năm có khoảng 10 triệu người Ả rập Xê út đi du lịch nước ngoài. Ở khu vực châu Á, sau Nam Á, điểm đến ưa thích của người Ả rập Xê út là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia ..., trong khi Việt Nam lại chưa được biết đến nhiều tại thị trường này. Trong thời gian tới các công ty lữ hành Việt Nam cần đẩy mạnh quảng bá thu hút người Ả rập Xê út đến thăm Việt Nam.
Thứ hai là hợp tác về nguồn nhân lực. Bên cạnh lao động phổ thông, trong thời gian tới, chúng ta cần nghiên cứu nhằm tăng cường đưa các lao động có tay nghề cao như y tá – điều dưỡng viên, kỹ sư, chuyên gia sang làm việc tại các cơ sở y tế và các nhà máy công nghiệp của Ả rập Xê út, là những lĩnh vực mà Ả rập Xê út đang rất có nhu cầu và Việt Nam có khả năng đáp ứng.
Thứ ba là hợp tác về văn hóa và giao lưu nhân dân. Đây là lĩnh vực hợp tác còn hạn chế giữa hai nước do cách trở về địa lý và những khác biệt về phong tục tập quán, văn hóa, tôn giáo. Dù vậy, trong thời gian qua Ả rập Xê út đã và đang tiến hành mạnh mẽ chính sách mở cửa trong đó có giao lưu văn hóa với nhiều quốc gia khác nhau. Đây sẽ cơ hội để Việt Nam và Ả rập Xê út đẩy mạnh hợp tác, quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa của mình, từ đó tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau của nhân dân hai bên. Được biết phí thị thực cho người Việt Nam đến Ả rập Xê út cũng được giảm mạnh, và đây sẽ là cơ hội cho người dân Việt Nam có thể đến thăm, tìm hiểu đất nước này. Tôi cho rằng việc đẩy mạnh hợp tác trong với các lĩnh vực nói trên sẽ góp phần tích cực vào việc đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ả rập Xê út theo hướng sâu sắc và thực chất hơn nữa.
PV: Vâng xin trân trọng cảm ơn Đại sứ.