(VOV5) - Với Viet Smile, vợ chồng anh Hưng – chị Tuyến mới thực hiện được ước mơ của mình là mang ẩm thực Việt giới thiệu cho thực khách quốc tế.
Viet Smile là một nhà hàng chuyên ẩm thực Việt mới xuất hiện tại thành phố Lampertheim, CHLB Đức. Bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 7 năm nay, Viet Smile có diện tích gần 100 mét vuông, phục vụ 40 thực khách. Chủ nhân của nhà hàng - vợ chồng anh Nguyễn Thế Hưng và chị Nghiêm Thị Kim Tuyến đã sang Đức và kinh doanh ẩm thực từ 15 năm nay. Tuy nhiên, chỉ đến khi khởi động Viet Smile, vợ chồng anh Hưng – chị Tuyến mới thực hiện được ước mơ của mình là mang ẩm thực Việt giới thiệu cho thực khách quốc tế.
Chị Kim Tuyến - chủ nhà hàng Viet Smile
|
Đây cũng là nội dung mà chị Nghiêm Thị Kim Tuyến chia sẻ qua cuộc trò chuyện với phóng viên VOV5.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Được biết nhà hàng Viet Smile là một nhà hàng Việt có thể nói gần như là đầu tiên và duy nhất ở vùng Lampertheim, CHLB Đức. Chị đã xây dựng nhà hàng này như thế nào?
Chị Kim Tuyến: Viet Smile là một thương hiệu mới mà tôi đang bắt đầu gây dựng. Để khẳng định thương hiệu Viet Smile này chúng tôi đã chính thức khai trương vào ngày 6/7/2019 vừa rồi. Chúng tôi đang quảng bá nhiều về các món ăn của Việt Nam kèm theo một chút đồ ăn của Thái, nhưng chủ yếu vẫn là đồ ăn Việt. Tôi chưa tìm thấy ở đâu có món ăn đúng hương vị của người Việt mình vì các nhà hàng khác thường pha thêm một chút những gia vị tương tự. Chính vì thế tôi muốn phát triển Viet Smile bằng chính hương vị của Việt Nam, bằng tất cả các món ăn chuẩn Việt Nam. Có rất nhiều khách hàng đến với chúng tôi thưởng thức thử và họ đã nói rằng họ thực sự tìm được một góc của Việt Nam ở quán của chúng tôi. Từ không gian, món ăn, đến các món uống, rồi cả cách nói chuyện cũng rất là Việt Nam. Họ nói rằng là tôi đã từng đến Việt Nam và tôi đã tìm thấy Việt Nam tại đây. Đó là cái mà tôi cảm thấy rất là vui và hạnh phúc.
Một góc nhà hàng Viet Smile với những bức ảnh về phong cảnh Việt Nam trên tường
|
PV: Như vậy là mới khai trương từ tháng 7 này thôi, nhưng chắc hẳn công việc kinh doanh ẩm thực này chị đã từng làm trước đó?
Chị Kim Tuyến: Trước đây thì là tôi đã làm về đồ ăn nhưng không phải là đồ ăn Việt mà chúng tôi bán đồ ăn Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng ở phía bên Đông Đức thì các đồ ăn Trung Quốc và Nhật Bản cũng đã bão hòa. Tôi cảm thấy sức bật cũng không được tốt và đặc biệt là chưa gây được dấu ấn như mong muốn của tôi. Chính vì thế tôi vẫn mong muốn tìm cái gì đấy là thực sự mới, một con đường mới. Trước khi khai trương này Việt Smile thì cũng rất nhiều người cản trở. Họ nói rằng là đồ ăn Thái và đồ ăn Việt thì người nước ngoài chưa biết nhiều, nhưng chính vì họ không biết mà tôi lại muốn đem hình ảnh của mình, đem món ăn của quê hương mình để quảng bá tới thực khách. Ngay tại thành phố của tôi đang sống hiện tại cũng có 2 người Việt kinh doanh nhà hàng ẩm thực Trung Quốc, nhưng để tìm đến hương vị Việt thì bắt buộc họ phải đến với tôi - đến Viet Smile vì ở đó chúng tôi có không khí Việt, đồ ăn Việt, đồ uống Việt và cả cà phê Việt Nam nữa.
Biểu tượng của trống đồng trên logo của Viet Smile
|
PV: Tôi cũng có một cái thắc mắc như nhiều người đã nói với chị. Đây là món ăn Việt, đặc biệt là khi mà chỉ muốn làm theo đúng hương vị của người Việt một cách truyền thống như thế thì liệu với thực khách nước ngoài thì họ có dễ dàng để đón nhận hay không?
Chị Kim Tuyến: Đó chính là trăn trở rất lâu của tôi trước khi tôi đưa ra quyết định này. Cũng như chị nói, đúng là có rất nhiều các gia vị của Việt Nam mình mà thực khách nước ngoài họ không thể ăn được ví dụ như nước mắm hay mắm tôm. Vì thế để làm sao mà mình giữ được hương vị đó nhưng khách vẫn có thể tiếp nhận được - đó là cả một cái sự trăn trở rất lớn. Nhưng rất may, chồng tôi vừa là đầu bếp và cũng là người sáng tạo ra những món ăn, đưa ra các thực đơn rất hài hòa. Với những thực khách mà họ chưa thể quen ngay với gia vị Việt thì chúng tôi cũng có những gia vị Thái tương tự bởi vì đồ ăn Thái rất dễ ăn, cay cay nồng nồng. Nó gần như cũng có một chút thì nhang nhác giống gia vị của người Đức. Thế nhưng với những khách nào mà tôi cảm thấy là họ có thể dễ tính thì tôi sẽ đứng nói chuyện với họ để thuyết phục rằng là họ nên thử món ăn có gia vị Việt Nam để thấy được sự khác biệt. Có những người muốn dùng cả hai loại để thử, và tôi cũng đồng ý bởi vì tôi muốn giới thiệu để họ biết. Nhiều lời bình luận đã gửi đến trang quảng bá của chúng tôi trên mạng, với lời khen rằng họ cảm thấy thực sự hài lòng không gian ấm cúng, thức ăn rất ngon, và hương vị thì vô cùng đặc biệt. Chúng tôi đã trang trí không gian nhà hàng bằng tất cả các hình ảnh của quê hương mình, của thủ đô Hà Nội, hình ảnh những trẻ em rồi những người phụ nữ trong tà áo dài... Bởi vậy mà có những thực khách mỗi lần đến thì họ đều chọn các chỗ ngồi khác nhau để có thể ngắm những hình ảnh khác nhau của đất nước Việt Nam.
Thực khách quốc tế thưởng thức hương vị Việt Nam tại Viet Smile
|
PV: Để có được những món ăn thực sự Việt Nam, anh chị có phải khó khăn lắm không trong việc là tìm những gia vị chuẩn Việt Nam trên nước Đức?
Chị Kim Tuyến: Đúng là một cái khó khăn đầu tiên. Thực ra bây giờ đồ Việt hay đồ châu Á của mình thì cũng rất là nhiều, nhưng mỗi nơi họ lại sản xuất khác nhau, đôi khi không được giống như mình mong muốn. Vậy nên tôi hay gọi điện thẳng về nhà nhờ bố mẹ mua rồi đóng gói gửi sang Đức. Hay như lần này về Việt Nam thì tôi lại xách thêm rất nhiều những đồ gia vị khi quay trở lại Đức vì nói thật để chuẩn vị Việt Nam mình thì rất khó. Ví như lá chanh, ở Đức cũng có cây chanh nhưng không thể dùng để cho vào món ăn của mình được. Nói chung là tìm kiếm gia vị là một việc làm rất cầu kỳ nhưng cho đến ngày hôm nay, với những món ăn của Viet Smile, với những nhận xét của thực khách thì tôi cảm thấy rất hài lòng. Tôi thực sự tôi nghĩ rằng là tôi đang đi đúng hướng và tôi sẽ cố gắng phát triển làm sao để Viet Smile sẽ còn là một thương hiệu nữa. Tôi cũng xin chia sẻ là tôi còn tham vọng sẽ có ít nhất thêm một nhà hàng Viet Smile nữa, với 3 đến 4 trăm chỗ ngồi. Khi đánh trúng tâm lý của những người muốn tìm hiểu và khám phá Việt Nam, hy vọng tôi sẽ đi đúng đường.
PV: Vâng. Xin cảm ơn chị.