Lần đầu tiên, trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài tổ chức cuộc thi Piano và thanh nhạc dành cho trẻ em và thanh thiếu niên người Việt toàn châu Âu (V-Stellar 2023). Thạc sĩ âm nhạc Phạm Hà My- người Việt tại Vương quốc Anh, trưởng ban tổ chức cho biết, cuộc thi nhằm tạo sân chơi âm nhạc chuyên nghiệp, lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, cảm xúc cũng như gìn giữ văn hóa truyền thống trong các thế hệ trẻ người Việt tại châu Âu. Cuộc thi cũng là một trong các hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh vào năm 2023. Để biết thêm về sân chơi nghệ thuật này, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam trò chuyện với Hà My, người khởi xướng đồng thời là trưởng Ban tổ chức cuộc thi V-Stella 2023):
Nghe âm thanh bài phỏng vấn tại đây:
PV: Xin chào.Cảm ơn bạn tham gia cuộc trò chuyện. Hà My này! Từ đâu các bạn có ý tưởng tạo lập cuộc thi piano, thanh nhạc- bộ môn nghệ thuật khá kén người chơi và tham gia này?
Phạm Hà My: Đầu tiên thì cho phép tôi xin được giới thiệu về bản thân mình một chút. Tôi sinh ra ở Việt nam. Từ nhỏ đã có năng khiếu âm nhạc, được trường chọn đi biểu diễn văn nghệ nhiều, nhưng gia đình ít để ý và không tạo điều kiện và môi trường xung quanh cũng không đề cao môn âm nhạc.Mọi người chỉ tập trung để tôi có thể đi thi học sinh giỏi, nên tôi mặc dù muốn đi học đàn piano nhưng cũng không biết làm cách nào.
Thạc sĩ âm nhạc Phạm Hà My
Trưởng BTC V-Stella 2023. Ảnh nvcc |
Sau này khi tôi sang CH Séc để sinh sống thì tôi được học piano và hát, nhưng cũng chỉ là học thêm thôi, gia đình vẫn khuyến khích học trường chuyên, chương trình học rất nặng, để sau này thi vào Đại học...Năm đầu đại học Kinh tế, đi Sao mai do Đài truyền hình Việt Nam VTV tổ chức và vào chung kết khu vực Châu Âu, tôi quyết tâm bỏ Đại học kinh tế để theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp. Sau khi tôi học xong Trung cấp, tốt nghiệp Cao đẳng bên CH Séc, tôi sang Vương Quốc theo học Đại học và giờ là Thạc sĩ. Nghĩ lại, tôi thấy tiếc vì mình đã không được bắt đầu con đường âm nhạc sớm hơn. Vì thế, tôi mong muốn làm điều gì đó và tổ chức cuộc thi này để nhiều cha mẹ Việt Nam có thể thay đổi quan điểm, nhận thức về giáo dục âm nhạc cũng như hiểu được ý nghĩa của nghệ thuật. Từ đó, họ sẽ tạo điều kiện cho con cái mình nếu các bạn thực sự có năng khiếu và đam mê.
PV: Vậy là ý tưởng đó đã được Hà My và những nghệ sĩ hiện thực hóa thành cuộc thi, sân chơi nàyV-stella như thế nào?
Phạm Hà My: Người Việt mình tuy sống ở châu Âu từ lâu rồi, nhưng tôi chưa thấy có chương trình nào biểu diễn piano chuyên nghiệp, và đặc biệt là các cuộc thi âm nhạc dành cho các bạn trẻ mà có dàn Ban giám khảo và Ban cố vấn có chuyên môn cao.
Ban tổ chức giới thiệu về cuộc thi. Ảnh nhân vật cung cấp |
Cuộc thi V-Stellar 2023 có rất nhiều ý nghĩa là tôn vinh các tài năng trẻ để người Việt chúng ta có thể tự hào về thế hệ thứ 2, thứ 3; để gìn giữ tiếng Việt và lan tỏa tình yêu âm nhạc Việt Nam và mang âm nhạc cổ điển hàn lâm đến gần người Việt hơn. Ngoài ra; cuộc thi còn có ý nghĩa là gắn kết cộng đồng người Việt tại Châu Âu. Đặc biệt năm 2023 kỉ niệm 50 quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh, tôi mong rằng các trường nhạc viện hàng đầu tại Anh Quốc sẽ hỗ trợ một chút trong việc đào tạo các tài năng trẻ người Việt.
Ngoài cuộc thi piano và hát tiếng Việt, chúng tôi cũng khả năng sẽ tổ chức 1 cuộc thi vẽ tại London vào đầu tháng 4 với chủ đề là Tình hữu nghị Việt - Anh, với sự hỗ trợ của họa sĩ Nguyễn Minh Sơn và có thể cùng một số trường Đại học của Anh Quốc nữa. Cuộc cũng chia làm 2 hạng mục lứa tuổi là từ 5->12 tuổi và từ 13->20 tuổi và cũng sẽ trao tặng 2 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải ba. Các bài thi thuộc top 20 sẽ được trưng bày tại chung kết của cuộc thi Piano và Hát tiếng Việt vào đầu tháng 7 năm nay...
Biểu diễn nghệ thuật tại cuộc họp báo tại London. Ảnh TTXVN phát |
PV: Hà My này, lần đầu tiên tổ chức một cuộc thi như vậy ở nước ngoài, người Việt thì sống rải khắp châu Âu, BTC nhận được sự ủng hộ cũng như gặp khó khăn gì không?
Phạm Hà My: Nói về thuận lợi của cuộc thi, tôi cho rằng đó là việc chúng tôi dễ dàng liên kết tất cả các hội người Việt trên toàn châu Âu, thông qua liên hiệp hội người Việt tại Châu Âu. Vì cuộc thi rất ý nghĩa nên các hội đoàn rất ủng hộ như là việc họ đăng tin trên các báo của cộng đồng, website và facebook của hội người Việt, rồi ai cũng đều nhiệt tình giúp BTC chia sẻ thông tin lên facebook cá nhân. Và ngoài ra, các kênh truyền hình Việt Nam, các báo lớn tại Việt Nam ủng hộ. Đó là những thuận lợi bước đầu của BTC. Thêm vào đó, khi chúng ta đang ở thời đại công nghệ, thì các mạng xã hội là công cụ dễ dàng để tiếp cận đến các gia đình và thí sinh quan tâm đến cuộc thi, và BTC là những người trẻ tuổi, tâm huyết, biết tạo dựng ra những nội dung bắt mắt, thú vị để thu hút người theo dõi.
Còn những gì không thuận lợi thì có rất nhiều và ở đây tôi chỉ xin kể 3 khó khăn nhất. Thứ nhất, đó là việc tìm thí sinh. Do môi trường xung quanh tại nước ngoài không tạo ra nhiều sự cạnh tranh, ganh đua nên các bạn trẻ người Việt tuy có được học âm nhạc nhưng lại không muốn đi thi, do có đôi chút là không quen với thi cử, hoặc cảm thấy xấu hổ và ngại ngùng.
BTC tin rằng, đây sẽ một cuộc thi, tranh đấu gay cấn của những tài năng nhí nhỏ tuổi và có nhiều điều thú vị bất ngờ phía trước. Ảnh BTC cung cấp.
|
Thứ 2, đó là vấn đề kinh phí. Nếu như tổ chức tại CH Séc thì rất dễ do người Việt tại đó có Trung tâm dành cho người Việt, thậm chí chúng tôi có thể được tài trợ miễn phí hội trường, chi phí tổ chức sự kiện, đi lại, ăn ở... tại Séc cũng rẻ. Còn nếu ở 1 nơi rất đắt đỏ như London, tất cả mọi chi phí đều cao. Thêm nữa, các sự kiện tại châu Âu rất khó xin được tài trợ của các công ty người Việt, nên BTC mong muốn rằng không chỉ được các doanh nghiệp của người Việt tại châu Âu, mà các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể hỗ trợ tài chính cho cuộc thi này. Và, thứ 3 có lẽ đó là vấn đề Visa. Một số thí sinh và gia đình sẽ cần phải có visa để sang London tham dự chung kết, và xin visa Vương quốc Anh đôi khi khá khó khăn nhưng BTC sẽ hỗ trợ hết mình cho gia đình các thí sinh, Ban giám khảo, ban cố vấn và các nhà tài trợ.
PV: Như Hà My vừa chia sẻ thì những nghệ sĩ ở Ban cố vấn và Ban giám khảo đã hỗ trợ cuộc thi rất nhiều. Rồi rất nhiều những điều thú vị, ấn tượng từ các thí sinh nữa?
Phạm Hà My: Vâng: Đúng vậy. Cuộc thi có dàn ban giám khảo, ban cố vấn là những người không chỉ giỏi về chuyên môn, mà họ còn rất có tâm. BTC ngay từ đầu khi mời họ làm BGK hay cố vấn đã hỏi rằng: "kinh phí của cuộc thi rất hạn hẹp, tiền thu lao sẽ không được nhiều, vậy các anh/chị/các bạn có sẵn sàng đồng hành với BTC không?" thì bất ngờ thay, họ-những nghệ sĩ rất thành công, nổi tiếng nhận lời luôn và sẵn sàng hỗ trợ rất vô tư.
Trưởng Ban cố vấn là cô Đặng Châu Anh - giám đốc của trường Sol-art. Cô cũng là BGK của rất nhiều cuộc thi hợp xướng danh giá trên thế giới. Phó ban cố vấn là nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc người mà có những sáng tác đoạt giải nhiều giải quốc gia và quốc tế. Các tác phẩm của Nhạc sĩ Phúc được trình diễn bởi những dàn nhạc chuyên nghiệp quốc gia và quốc tế, và bởi những nghệ sĩ lừng danh như Đặng Thái Sơn, JJ Bùi. Cố vấn tiếp theo là ca sĩ Trịnh Thu Hương đến từ CH Séc.
Tiếp đến là dàn ban giám khảo Piano như Nguyễn Anh Tùng, Vũ Hoàng Cương, Nguyễn Việt Trung, và bgk Thanh nhạc gồm có Nguyễn Quang Tú, Nguyễn Khắc Hòa, Trang Bùi, các bạn đều tốt nghiệp Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ và đoạt được nhiều giải thưởng danh giá quốc gia hay quốc tế.
Ngoài ra, BTC còn có dàn huấn luyện viên chuyên nghiệp để giúp các thí sinh chuẩn bị bài tốt hơn khi vào vòng 2 và vòng chung kết thì như là bạn Cát Thủy Tiên, tiến sĩ chuyên ngành Piano tại Nga. Và, cuộc thi cũng có 1 đại sứ đó là bạn Phùng Khánh Linh, hiện cũng đang học Thạc sĩ tại Vương quốc Anh và từng đoạt giải người đẹp tri thức của cuộc thi Miss Ao dài Việt Nam UK 2022.
Tết cộng đồng 2023 tại học viện HaMy Academy. Ảnh nvcc |
PV: Hãy nói chút về những thí sinh cuộc thi V-Stellar 2023 và những câu chuyện bên lề, Hà My?
Phạm Hà My: Vì năm đầu tổ chức, chúng tôi khá lo lắng về chất lượng thí sinh. Sau đó xuất hiện những thí sinh thi Piano 2 chuyên nghiệp, hiện đang được đào tạo tại trường âm nhạc chuyên nghiệp của Vương quốc Anh và Châu Âu, và đã từng đoạt được rất nhiều giải thưởng quốc gia. Để cân đối, BTC phải sắp xếp thêm 1 giải piano cho các bạn không chuyên để có sự công bằng. Còn nhóm Piano 1 - BTC nghĩ rằng các bạn sẽ chỉ thi cho vui là chính, nhưng qua một vài clip cha mẹ gửi tới, BTC tin rằng, đây sẽ một cuộc thi, tranh đấu gay cấn của những tài năng nhí nhỏ tuổi và có nhiều điều thú vị bất ngờ phía trước, mong các quý vị sẽ đón xem.
Các bạn thi Thanh nhạc 1 cũng khá đông đảo, nhưng đặc biệt là các bạn thi Thanh nhạc 2 hiện đang có ít thí sinh, vì một số lí do như là các bạn đang ở tuổi mới lớn và tâm lý còn nhiều điều ngại ngùng, khép kín mặc dù được gia đình động viên. Thêm nữa, các bạn không tự tin với tiếng Việt của mình do càng lớn ít nói chuyện với cha mẹ và tham gia các hoạt động cộng đồng. Trước đó, ở lứa tuổi nhỏ, các bạn không có những lớp học tiếng Việt online giống như bây giờ. Chính vì thế, BTC phải gọi điện đến từng bạn để động viên tinh thần, kêu gọi các bạn tham gia và thậm chí là huấn luyện miễn phí ngay từ vòng đầu.
PV: Hà My mong muốn điều gì để sau này cuộc thi trở thành một sân chơi bổ ích, được đều đặn được tổ chức cho thể hệ người Việt trẻ không chỉ sinh sống, làm việc ở châu Âu?
Phạm Hà My: Ban tổ chức chỉ muốn nhắn nhủ rằng: các bạn thiếu nhi, thanh thiếu niên sẽ chính là những người tiếp nối chúng ta trong công cuộc gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt tại nước ngoài, cuộc thi Piano &hát tiếng Việt và Hội họa V-Stellar 2023 sẽ góp phần trong công cuộc đó, hi vọng rằng cuộc thi sẽ nhận được sự chung tay hỗ trợ, giúp đỡ của cộng đồng người Việt tại Châu Âu, và đặc biệt các doanh nghiệp sẽ đồng hành cùng BTC để tạo ra một sân chơi bổ ích 2 năm một lần cho các tài năng Việt trẻ tại Châu Âu.
PV: Cảm ơn Hà My rất nhiều và xin chúc cuộc thi thành công tốt đẹp.