(VOV5) - Việt Nam trong bối cảnh này đạt được những thành tựu về bình đẳng cũng như định kiến giới song vẫn còn có nhiều thách thức xung quanh đó đặc biệt vẫn là tâm lý ưa thích con trai.
Lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới đang gây ra những ảnh hưởng xấu trong xã hội, trong có tình trạng tử vong mẹ gia tăng, mất cân bằng giới tính khi sinh và nạn buôn người. Trước thực trạng này, ứng phó của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) là tập trung chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới - thông qua hợp tác với tất cả các bên có liên quan nhằm hướng tới thay đổi chính sách và thay đổi hành vi của cả cộng đồng xã hội. Về nội dung này, ông Bjorn Andersson, Giám đốc UNFPA khu vực Châu Á và Thái Bình Dương trả lời báo chí nhân chuyến thăm Việt Nam vừa qua :
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Xin chào ông Bjorn Andersson! Xin ông cho biết lý do ông có chuyến thăm Việt Nam lần này? Là giám đốc phụ trách trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ dân số Liên hợp quốc UNFPA, ông đánh giá nhưnthế nào công về công tác xóa bỏ định kiến giới ở Việt Nam?
Ông Bjorn Andersson: Đây là lần thứ 3 tôi đến Việt Nam và chuyến công tác của tôi, bên cạnh việc đến thăm một đất nước có cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời thì lý do chính là tham dự hội thảo hợp tác Nam Nam về vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và đi công tác thực tế các địa phương. Tại hội thảo, UNFPA và các đại diện đến từ nhiều quốc đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ cách xử lý vấn đề về tâm lý ưa thích con trai và lựa chọn giới tính khi sinh.
Ông Bjorn Andersson,
Giám đốc UNFPA khu vực Châu Á -Thái Bình Dương |
Việt Nam trong bối cảnh này đạt được những thành tựu về bình đẳng cũng như định kiến giới song vẫn còn có nhiều thách thức xung quanh đó đặc biệt vẫn là tâm lý ưa thích con trai. Vì vậy, tiếp đây làm thế nào để chúng ta có thể xử lý tình trạng đó. Giả sử 1 cặp vợ chồng biết được giới tính thai nhi thì rất có thể họ sẽ bỏ thai nhi nếu đó là gái. Điều này có thể tạo ra thách thức rằng ngày càng có nhiều bé trai hơn gái và cũng đương nhiên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chặng đường sau trong cuộc đời của họ. Việt Nam, Ấn Độ, Nepal và Bangladesh,Trung Quốc...đều cử đại diện tham gia hội thảo NAM - NAM. Hi vọng chúng ta sẽ có giải pháp thực sự hiệu quả cho vấn đề này.
PV:
Tại hội thảo, ông ấn tượng về những giải pháp được chia sẻ đến từ quốc gia nào trong việc giải quyết vấn đề định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai, hạ thấp giá trị của con gái. Thưa ông?
Ông Bjorn Andersson: Trong khu vực, UNFPA đặc biệt ấn tượng về những thành tựu của Hàn Quốc trong xử lý tâm lý ưa thích con trai. Trước đây, định kiến giới là một thách thức rất lớn ở Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác. Nhờ những giải pháp khá hiệu quả về mặt chính sách cũng như về truyền thông, Hàn Quốc đã thành công trong việc thay đổi tâm lý thích con trai hơn con gái trong các tầng lớp dân cư. Hàn Quốc hiện nay về cơ bản đã đưa tỷ số giới tính giữa nam và nữ về gần mức tự nhiên rồi. Như vậy, điều đó cho thấy rằng chúng ta thực sự có thể tạo ra được sự thay đổi.
Các đại biểu tham dự hội thảo Nam - Nam về chấm dứt định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai
và hạ thấp giá trị con gái. |
PV: Mới đây Ông và đoàn Quỹ dân số Liên hợp quốc UNFPA tại Việt Nam có chuyến công tác thực tế ở tỉnh Bắc Cạn và Bắc Giang. Ông có thể chia sẻ về chuyến đi này?
Ông Bjorn Andersson: Tôi vừa có chuyến thăm đến Bắc Cạn, muốn xem tận mắt những hoạt động của Quỹ dân số Liên hợp quốc phối hợp ra sao với các địa phương về giải quyết việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ khi sinh và nâng cao sức khỏe bà mẹ khi mang thai.Tuy nhiên, tôi thấy rằng, ở những vùng dân tộc thiểu số, tỷ lệ này vẫn tương đối cao. Khi trao đổi với lãnh đạo Bộ ngành, của QH của Việt Nam, tôi thấy các bạn rất nỗ lực và cam kết xử lý vấn đề thông qua luật, chính sách. Qua hiểu biết của UNFPA, việc tạo ra sự thay đổi cần rất nhiều thời gian.
Tại Bắc Cạn, tôi đã làm việc với chính quyền, các bộ y tế các địa phương, bà mẹ đang mang thai để hiểu được tình hình hiện tại cũng như những can thiệp của UNFPA vào vấn đề này một cách hiệu quả. Chuyến công tác thật sự bổ ích, giúp tôi hiểu rằng cần phải có thay đổi to lớn trong việc cung cấp các dịch vụ liên quan như bà đỡ, cô đỡ thôn bản, trạm y tế thôn xã, hỗ trợ sinh sản… Để làm được điều đó, chúng ta cần phải có những thay đổi về nhận thức trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tập huấn cho cán bộ y tế địa phương như thế nào.
Giám đốc khu vực UNFPA tham dự cuộc họp CLB làm cha tìm và tìm hiểu trực tiếp về các sáng kiến và phản ánh của các thành viên CLB. Ảnh UNFPA |
Trong chuyến đi Bắc Giang, chúng tôi làm việc với Hội Nông dân tỉnh triển khai mô hình “Người làm Cha có trách nhiệm” trong đó tiếp cận đối tượng là nam giới, trẻ em trai nhằm thay đổi quan điểm “Nam tính độc hại- nghĩa là thay đổi khái niệm mà xã hội gắn cho đàn ông như áp lực phải mạnh mẽ gánh vác việc lớn, không làm nội trợ, phải đạt được quyền lực, địa vị, là trụ cột gia đình…chuyển hành vi theo hướng tích cực, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam. Ngoài ra, phải để đảm bảo rằng giá trị của phụ nữ, trẻ em gái được ghi nhận. Việc hạ thấp giá trị của phụ nữ là một trong những nguyên nhân của tâm lý thích con trai và lựa chọn giới tính khi sinh. Tôi thực sự rất ấn tượng với không khí sôi nổi cũng như cảm nhận được năng lượng mà mọi người trao đổi và tâm huyết của các thành viên câu lạc bộ. Có cả vợ cả chồng tham gia rất hào hứng.
PV: Để thực hiện được mục tiêu về chấm dứt định kiến giới, Theo ông,Việt Nam cần phải tiếp tục triển khai chương trình hành động như thế nào?
Ông Bjorn Andersson: Tôi nghĩ rằng điều quan trọng chúng ta phải làm gì đó để có thể biến câu chuyện về quyền về phụ nữ thành điều gì đó thấm vào trong suy nghĩ, nhận thức của xã hội nói chung. Vì thế, chúng ta cần phải thường xuyên nêu bật được những lợi ích của việc Nếu chúng ta trân trọng phụ nữ, Nếu nam giới tham gia một cách chủ động trong việc nội trợ, gia đình, nuôi dậy con cái rồi Nếu như người phụ nữ tạo điều kiện được thể hiện khả năng, giá trị bản thân và Nếu như phụ nữ được tham gia bình đẳng trong các hoạt động phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam. Trao quyền nhiều hơn nữa cho phụ nữ về mặt kinh tế, chính trị là những nhiệm vụ quan trọng để hỗ trợ phụ nữ. Vì thế, hành vi, nhận thức của nam giới và của xã hội về vai trò của phụ nữ cần phải thực sự thay đổi.
PV:... Và về những cam kết của Việt Nam trong việc xóa bỏ định định kiến giới để xây dựng bình đẳng giới thực chất?
Ông Bjorn Andersson: Tôi vui mừng khi thấy những cam kết chính trị của các lãnh đạo Việt Nam rằng, bên cạnh việc duy trì những thành tựu đạt được Bình đẳng giới thì luôn luôn được coi là ưu tiên hàng đầu trong các chương trình hành động của quốc gia.
Rõ ràng, nếu chúng ta không đạt được mục tiêu đề ra về việc phụ nữ được đối xử bình đẳng như nam giới, thì chúng ta không thể đạt được Chương trình hành động quốc tế mà nhiều quốc gia đã thông qua t ừ năm 1994… nhấn mạnh vào 3 mục tiêu: Không có tử vong mẹ của những trường hợp không thể phòng ngừa được, không có nhu cầu về kế hoạch hóa gia đình không được đáp ứng, không có thực hành có hại.
Với tôi, những gì Việt Nam đã làm được là hết sức đáng mừng và tôi hi vọng trong Hội nghị của Quỹ dân số Liên hợp quốc (ICPD) tới đây, Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình cũng như lắng nghe những bài học hay có thể áp dụng được. Cho tới thời điểm này, trong khu vực châu Á Thái Bình Dương chưa có quốc gia nào đạt được hoàn toàn các mục tiêu đề ra. Vì thế, chúng ta tiếp tục nỗ lực và đặt vấn đề bình đẳng giới trong các nghị trình chính sách và có bước đi tiếp theo để đưa quyết tâm chính trị, mục tiêu đặt ra vào thực tiễn, thay đổi nhận thức hành vi ở cấp độ cộng đồng…tựu chung lại là làm thế nào để đảm bảo rằng phụ nữ và nam giới đều được trân trọng như nhau.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông.