(VOV5) - Chúng tôi quan tâm nhất là trồng lúa hữu cơ để đạt chất lượng cao, tham gia thị trường trong nước và quốc tế.
Ngày 13/2 vừa qua, lần đầu tiên gạo hữu cơ Quảng Trị chính thức được thị trường châu Âu cho nhập khẩu với lô đầu tiên 15 tấn. Đơn vị sản xuất - Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị đã bán lô hàng đầu tiên này với giá cao là 1.800 USD/tấn và được phân phối tại các nước Đức, Cộng hòa Czech, Thụy Điển, Pháp. Đây là bước ngoặt mới của ngành nông nghiệp Quảng Trị sau nhiều năm chuyển hướng qua sản xuất hữu cơ theo quy trình và tiêu chí đặc biệt. Từ khi làm đất đến khi thu hoạch hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón hóa học, không dùng giống biến đổi gene, không chất tạo mùi, không chất bảo quản và không tẩy trắng hóa học.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị trả lời phỏng vấn VOV5 |
Phóng viên Bảo Trang phỏng vấn ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị về việc hỗ trợ người nông dân và doanh nghiệp sản xuất lúa gạo hữu cơ, hướng tới gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản Quảng Trị.
Nghe âm thanh chương trình tại đây:
PV: Thưa ông, nhiều năm qua tỉnh Quảng Trị đã xác định phát triển lúa gạo hữu cơ là hướng đi bền vững và lâu dài và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ông có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn khi ngành nông nghiệp phát triển theo hướng này?
Ông Hà Sỹ Đồng: Giai đoạn hiện nay, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, thân thiện với môi trường là hướng đi rất phù hợp. Quảng Trị là vùng đất có khí hậu, thiên tai khắc nghiệt nên UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và Đề án quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp theo các tiểu vùng khí hậu để có lịch thời vụ cũng như có định hướng, hướng dẫn cho các địa phương, các hợp tác xã để bà con nông dân sản xuất theo các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp VietGap, đồng thời xây dựng thương hiệu các sản phẩm. Đặc biệt chúng tôi quan tâm nhất là trồng lúa hữu cơ để đạt chất lượng cao, tham gia thị trường trong nước và quốc tế.
PV: Sản xuất lúa gạo hữu cơ thì phải đáp ứng được những yêu cầu cao, và có quy trình rất chặt chẽ phải không, thưa ông?
Ông Hà Sỹ Đồng: Sản xuất lúa gạo hữu cơ đúng là có nhiều khó khăn. Bởi vì nông nghiệp hữu cơ thì phải dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, phải liền vùng liền khoảnh, làm sạch đất và môi trường xung quanh trong 4 đến 5 vụ. Tuy nhiên, điều kiện kinh tế của bà con nông dân còn rất khó khăn nên không mặn mà tham gia sản xuất hữu cơ. Bên cạnh đó, rủi ro nhiều mà cần vốn đầu tư lớn nên rất khó kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất lúa gạo hữu cơ.
Cánh đồng vàng nông nghiệp hữu cơ tại huyện Triệu Phong, Quảng Trị |
Trước tình hình như vậy, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành đề án đề nghị Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ nông nghiệp hữu cơ. Trong đó có chính sách cụ thể hỗ trợ về giống, hỗ trợ về tập huấn quy trình trồng trọt cũng như phân bón hữu cơ. Đồng thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp liên kết, khuyến khích dồn điền đổi thửa để sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Có những vùng sau 4-5 vụ làm gạo sạch VietGap, sau đó chuyển sang làm hữu cơ mà vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn, bởi vì chất đất, nguồn nước, môi trường xung quanh... vẫn còn bị ảnh hưởng. Nếu muốn làm hữu cơ thì phải dời đi vùng khác, như vậy rất dày công khi đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Bên cạnh đó, sau khi đã sản xuất theo đúng quy trình thì phải đưa đi kiểm tra chất lượng ở các trường, các Viện, các Trung tâm để công nhận đạt được tiêu chuẩn hữu cơ. Khi đó quy trình sản xuất, chế biến, bao bì nhãn mác cũng có cạnh tranh trên thị trường rất gay gắt. Vì phải đầu tư lớn như vậy nên giá gạo hữu cơ cũng cao hơn, thậm chí gấp đôi giá lúa gạo thường. Chính vì vậy, sản xuất lúa gạo hữu cơ chưa thích nghi với môi trường sản xuất cũng như phong tục tập quán truyền thống. Vì vậy chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã liên doanh liên kết chặt chẽ với nhau để mọi người có thể thấy được giá trị gia tăng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Mới đây, gạo hữu cơ Quảng Trị đã xuất khẩu sang châu Âu với giá rất cao là 1.800 USD/tấn. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho Quảng Trị. Từ đó chúng tôi xác định đây là cơ hội, cũng như thuận lợi đã đến với gạo hữu cơ Quảng Trị. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì diện tích, sản lượng và dồn mọi nguồn lực để hỗ trợ cho nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Trong đó lồng ghép các chương trình như chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo, chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi cũng dùng một phần ngân sách của tỉnh để tổ chức tập huấn, nâng cao tay nghề cho người dân; hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư về hạ tầng, đầu tư về bảo quản, chế biến, xay xát; ban hành các quy trình tuân thủ nghiêm ngặt khi sản xuất lúa gạo hữu cơ; đưa các cán bộ khoa học kỹ thuật về cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con nông dân để xây dựng những cánh đồng lớn về hữu cơ trong tương lai.
Thu hoạch lúa sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên |
PV: Ông vừa nói tới giá xuất khẩu gạo hữu cơ 1.800 USD/tấn. Theo ông lý do gì khiến khách hàng có thể chấp nhận mức giá cao như vậy?
Ông Hà Sỹ Đồng: Khách hàng họ có quyền lựa chọn, nhất là đối với những thực phẩm bảo đảm cho sức khỏe thì họ có thể chấp nhận mua với giá cao. Tất nhiên họ cũng đã tự đi kiểm nghiệm ở các cơ sở khác. Đặc biệt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, thị hiếu người tiêu dùng ưu tiên các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường. Đến nay chúng tôi đã có gần 200 hécta đạt chứng chỉ của Đại học Koshima Nhật Bản test 545 chỉ tiêu đều đạt chất lượng hữu cơ hàng đầu, trong đó có hai hợp chất MA và MB khống chế được các bệnh như béo phì, gút, tiểu đường. Đặc biệt, gạo hữu cơ Quảng Trị đã vào được thị trường Châu Âu vô cùng khó tính. Khi nhập khẩu gạo hữu cơ từ Quảng Trị, dù các doanh nghiệp cũng như chủ cơ sở đã có được giấy chứng nhận nhưng họ vẫn tự đi kiểm nghiệm lại xem có đúng chất lượng như vậy không. Khách hàng cũng đã có quá trình tìm hiểu, tham khảo nhiều loại sản phẩm khác nhau và cuối cùng đã chọn sản phẩm của Quảng Trị vì hoàn toàn tin tưởng. Chúng tôi cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, các hợp tác xã và người nông dân đặc biệt tuân thủ các quy trình và cam kết nghiêm ngặt các hợp đồng trong chuỗi liên kết cũng như hợp đồng tiêu thụ sản phẩm để giữ được uy tín thương hiệu hữu cơ Quảng Trị, mở rộng diện tích sản xuất cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu ra khắp thế giới.
PV: Ông có thể cho biết cụ thể hơn về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và người trồng lúa hữu cơ?
Ông Hà Sỹ Đồng: Các doanh nghiệp sản xuất lúa gạo hữu cơ phải ứng dụng các thiết bị công nghệ cao như máy bay không người lái, rồi quy trình sản xuất phân bón hữu cơ theo quy trình khép kín, tận dụng các sản phẩm để tạo thành chuỗi sản xuất, rồi thu hồi các sản phẩm khi thải ra... Đầu tư các máy móc phục vụ cho những công đoạn này rất tốn kém. Tỉnh sẽ hỗ trợ về hạ tầng, mặt bằng để sản xuất, giảm thuế phí, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ giống lên tới 50-70% tùy theo từng vùng, từng địa phương để kích thích người nông dân có động lực và tham gia vào các hợp tác xã để sản xuất hàng hóa tập trung theo quy trình hữu cơ. Tỉnh cam kết đồng hành trong các trường hợp rủi ro như thiên tai, bão lụt, dịch bệnh để doanh nghiệp và người nông dân tin tưởng đầu tư, sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
PV: Vâng xin cảm ơn ông!