Bạn hàng lớn nhất của Việt Nam

(VOV) Thương mại và đầu tư phát triển có thể được coi là những gì dễ nhìn thấy nhất trong quá trình thắt chặt quan hệ hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ. Từ chỗ hầu như không có mối quan hệ thương mại nào, Hoa Kỳ đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam và cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Hai nước đều là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và đang trong quá trình tiếp tục mở rộng hợp tác kinh tế song phương trong khuôn khổ các hiệp định liên khu vực. Việc Hoa Kỳ ký kết Hiệp định thương mại song phương năm 2001 và áp dụng quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn năm 2006 đối với Việt Nam đã mở ra những cơ hội to lớn cho cả hai bên. Bà Tôn Nữ Thị Ninh, một nhà ngoại giao từng tham dự vào nhiều hoạt động ngoại giao của Việt Nam ở Hoa Kỳ nói "Các doanh nghiệp tập hợp trong liên minh Mỹ ủng hộ Việt Nam ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO đã hoạt động lúc chuẩn bị cho Hiệp định thương mại song phương và tiếp tục vận động về PNTR cho VN…Đối với cộng đồng người Việt phần lớn mong muốn như vậy để tạo điều kiện cho họ, khi về quê hương làm ăn thuận lợi hơn…"


Ngay sau khi Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ có hiệu lực năm 2001, nhiều tập đoàn hàng đầu của Mỹ đã bắt đầu hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam. Hiện nay, họ có một hệ thống nhà cung cấp Việt Namđáng tin cậy, ổn định và có chất lượng cao. Việt Nam cũng đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng đóng góp cho tăng trưởng như sản phẩm dệt may, đồ gỗ, giày dép, cà phê, thuỷ sản...Là người trực tiếp tham gia đàm phán thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam- Hoa Kỳ cách đây 16 năm, cũng như từng có hơn 7 năm làm trưởng phái đoàn đại diện của Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc tại New York, ông Ngô Quang Xuân cho rằng, kinh tế - thương mại giống như chiếc cầu nối thắt chặt thêm quan hệ Việt - Mỹ "Nếu như năm 2000, thương mại hai chiều Việt - Mỹ mới ở mức 1 tỷ USD, thì năm nay đã là hơn 15 tỷ USD. Đầu tư của Mỹ vào VN cũng tăng rất mạnh. Mỹ đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, với số tiền đầu tư trực tiếp 14,5 tỷ đô la Mỹ vào Việt Nam ".

Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về việc mở cửa một số lĩnh vực dịch vụ quan trọng như viễn thông, phân phối, tài chính, năng lượng...cũng mở ra cơ hội cho các công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Về phần mình, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng tin rằng quá trình thúc đẩy đàm phán các hiệp định tự do thương mại với Mỹ đã và đang tạo những chuyển biến có lợi cho cả hai phía. Ông Trần Hưng Quốc, tổnggiám đốc VISTA Logistics- một doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu và vận tải thương mại trong nước, cho rằng "Theo tôi cơ hội cũng như thuận lợi thì nhiều hơn khó khăn.. đó là tạo hành lang pháp lý ổn định, lâu dài cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Thông qua các hoạt động chuyên môn, tiếp xúc với các doanh nghiệp Mỹ, các tập đoàn Mỹ tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh ở đây, tôi thấy xu hướng là tích cực."
Với nguồn hàng hoá phong phú từ Việt Nam, người tiêu dùng Mỹ được tiếp cận dễ dàng hơn với những sản phẩm giá rẻ, chất lượng tốt như thủy sản, nông lâm sản, đồ gỗ, hàng may mặc, da giày...Quá trình thúc đẩy quan hệ Mỹ- Việt đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nghị sĩ, giới doanh nghiệp, công nhân, nông dân và đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt là cộng đồng người Việt Nam ở Hoa Kỳ. Bởi quá trình phát triển của quan hệ Việt Nam- Hoa Kỳ đã tạo cơ hội rất lớn để cộng đồng doanh nhân người Việt ở Mỹ xích lại gần hơn với quê hương. Ông Trịnh Việt Trung là một trong những doanh nhân Việt kiều sớm về nước làm ăn ngay từ năm 1994, khi Hoa Kỳ bỏ cấm vận đối với Việt Nam. Đầu tiên, ông mở một trung tâm trưng bày sản phẩm của Mỹ tại thành phố HCM. Sau đó, ông Trung mở hướng khác với việc thành lập Công ty Nhóm tài nguyên Việt Nam- chuyên về tư vấn thương mại và đầu tư cho các công ty Mỹ nhỏ và vừa muốn tìm hiểu và làm ăn với Việt Nam. Sau hơn chục năm hoạt động, ông Trung khó nhớ hếtCông ty của mình đã đưa được bao nhiêu đoàn doanh nhân Mỹ sang Việt Nam và ngược lại. Ông Trung cho biết "Là một người Việt ở nước ngoài về nước thường xuyên, tôi thấy có sự thay đổi nhiều lắm so với 10 năm trước. Khi làm việc với các doanh nghiệp VN, tôi thấy cái nhạy bén, sự nắm vững vấn đề khi thương thuyết với các công ty Hoa Kỳ. Vai trò của tôi làm làm sao tìm ra những đề án, những công việc mà hai bên có thể làm việc được với nhau."

Hơn ai hết, chính các doanh nghiệp Mỹ nhận thức sâu sắc rằng: với hơn 80 triệu dân, lực lượng lao động dồi dào, lại luôn ở trong 10 nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, Việt Nam không chỉ là một thị trường đầy tiềm năng ở châu Á cho các sản phẩm của Mỹ, mà còn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước này. Khoảng 3/4 sản phẩm nông nghiệp và hơn 90% sản phẩm công nghiệp của Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam được hưởng mức thuế suất từ 15% trở xuống từ khi Việt Nam gia nhập WTO. Đây là điều kiện lý tưởng cho các sản phẩm nông nghiệp và nhiều mặt hàng công nghiệp thế mạnh của Mỹ như thiết bị xây dựng, hóa chất, dược phẩm, thiết bị y tế... thâm nhập thị trường Việt Nam./.

Thành Đức

Phản hồi

Các tin/bài khác