Đầu tư hơn 210 triệu USD phát triển thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long

(VOV5) - Theo báo cáo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những năm gần đây, hệ thống thủy lợi cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn như: vốn ODA, trái phiếu chính phủ, vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn đóng góp của người dân… Trong đó, nhiều công trình, dự án quy mô lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của vùng...

Đầu tư hơn 210 triệu USD phát triển thủy lợi vùng Đồng bằng sông Cửu Long - ảnh 1
Cống thủy lợi tại Cà Mau. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Trong giai đoạn 2006-2012, tổng vốn đầu tư cho thủy lợi vùng ĐBSCL là trên 14 ngàn 800 tỉ đồng. Tính bình quân mỗi năm có gần 2.200 tỉ đồng đầu tư cho thủy lợi ĐBSCL. 

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, để quản lý thủy lợi phục vụ phát triển nông thôn vùng ĐBSCL giai đoạn 2011 - 2016, tổng vốn đầu tư trên 210 triệu USD, trong đó có 160 triệu USD vay Ngân hàng thế giới và 50,3 triệu USD là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Tại hội thảo với chủ đề “Giải pháp nạo vét trong vận hành, bảo dưỡng công trình thủy lợi”, diễn ra sáng 10/6, tại thành phố Cần Thơ,  Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng, cho biết thời gian qua nhiều công trình thủy lợi lớn tại vùng đã phát huy hiệu quả nhưng chưa cao do việc nạo vét còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, việc xây dựng một tầm nhìn dài hạn về công tác nạo vét cho ĐBSCL phải được đặt ra.

Theo Thứ trưởng Hoàng văn Thắng: “Hội thảo này đặt ra những bước đi đầu tiên để chúng ta xây những thí điểm, từ đó hoàn thiện thể chế, xây dựng một khung chiến lược, một quy hoạch cho vấn đề vận hành các công trình thủy lợi vùng. Về công nghệ và kỹ thuật thì thông qua những hợp tác thúc đẩy giữa các khu vực tư nhân, các doanh nghiệp của Việt Nam và Hà Lan, hướng tới thành lập các hệ thống doanh nghiệp, có tính chất chuyên nghiệp hoá để giả quyết vấn đề lớn cho khu vực ĐBSCL”./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác