Hơn 2.380 tỷ đồng hỗ trợ BHYT cận nghèo mỗi năm

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, năm 2012, ngân sách nhà nước sẽ dành khoảng 2.381 tỷ đồng để hỗ trợ hơn 6 triệu người cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế.

Hơn 2.380 tỷ đồng hỗ trợ BHYT cận nghèo mỗi năm - ảnh 1

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng
ban Thực hiện chính sách BHYT,
Bảo hiểm xã hội Việt Nam

PV: Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 797/QĐ-TTg nâng mức hỗ trợ tối thiểu đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo từ 50% lên mức 70%. Việc nâng mức hộ trợ này có ý nghĩa như thế nào đối với các hộ cận nghèo, thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định nâng mức hỗ trợ tối thiểu đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo từ 50% lên mức 70% có một ý nghĩa rất quan trọng giúp cho người cận nghèo bớt đi những khó khăn trong việc tham gia BHYT, trên cơ sở đó thực hiện công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Với mức hỗ trợ thêm 20% so với trước đây, tôi cho rằng chắc chắn tỷ lệ hộ gia đình cận nghèo trên toàn quốc tham gia BHYT sẽ ngày một nhiều hơn.

PV: Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải phấn đấu thực hiện bằng được BHYT toàn dân. Với việc nâng mức hỗ trợ này có nằm trong lộ trình hướng đến BHYT toàn dân không, thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: Theo quy định của Luật BHYT thì tới năm 2014, toàn dân phải có trách nhiệm tham gia BHYT. Để thực hiện đúng lộ trình đề ra, Bộ Y tế đã chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án phát triển BHYT toàn dân giai đoạn 2012- 2015 và 2020.

Tại đề án này có đưa ra các giải pháp cụ thể để tăng tỷ lệ tham gia BHYT đối với một số nhóm đối tượng trong đó có nhóm người thuộc hộ gia đình cận nghèo là một trong các nhóm đối tượng được ưu tiên phát triển.

Do đó việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 797/QĐ-TTg ngày 26/6/2012 về việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo năm 2012 là cơ sở để thực hiện chính sách an sinh xã hội nhằm tiến tới việc vận động người dân tham gia BHYT toàn dân trong những năm tới.

Hơn 6 triệu người được hưởng ưu đãi BHYT

Hơn 2.380 tỷ đồng hỗ trợ BHYT cận nghèo mỗi năm - ảnh 2

Năm 2012 hơn 6 triệu người được hưởng ưu đãi BHYT

PV: Với quyết định trên, sẽ có bao nhiêu người thuộc hộ cận nghèo được hưởng ưu đãi này, thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2011 đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố tại Quyết định số 375/QĐ-LĐTBXH ngày 28/3/2012 thì hiện nay cả nước có 1.530.295 hộ cận nghèo (hơn 6 triệu người) được hưởng ưu đãi chính sách này.

PV: Để hỗ trợ cho những đối tượng này thì Ngân sách nhà nước sẽ dành bao nhiêu kinh phí? Việc hỗ trợ này có ảnh hưởng đến nguồn quỹ BHYT?

Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ tối thiểu bằng 70% mức đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo (theo chuẩn nghèo quốc gia), kể từ ngày 1/1/2012.

Dự tính nếu trong năm 2012 hơn 6 triệu người cận nghèo tham gia BHYT thì Ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ khoảng 2.381 tỷ đồng/năm.

Việc nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo sẽ tăng khả năng cân đối quỹ BHYT vì theo nguyên lý càng nhiều người tham gia BHYT thì sự chia sẻ rủi ro càng hiệu quả.

PV: Tuy nhiên, nhiều thông tin cho rằng hiện mới chỉ có khoảng 26% trong tổng số khoảng 6 triệu người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT, còn lại 74% người cận nghèo chưa được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ từ BHYT. Con số này có chính xác không, thưa ông? Và ông có thể cho biết đâu là nguyên nhân khiến tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT còn thấp như vậy?

Ông Phạm Lương Sơn: Theo báo cáo của BHXH các tỉnh, thành phố cho thấy tính đến ngày 31/12/2011 cả nước mới có hơn 1,6 triệu người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT đạt 26% số người thuộc diện cận nghèo tham gia BHYT, còn lại 74% người cận nghèo chưa được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ từ BHYT. 

Nguyên nhân của thực trạng trên một phần là do sự phối hợp liên ngành ở các tỉnh, thành phố chưa chặt chẽ, công tác tổ chức thực hiện chính sách chưa kịp thời; đặc biệt việc xác định đối tượng để lập danh sách cấp thẻ BHYT, nhiều địa phương không lập được danh sách hộ cận nghèo mà chỉ tập trung bình xét và lập danh sách hộ nghèo.

Một trong những nguyên nhân khá quan trọng nữa là nhóm đối tượng này đa số là người có thu nhập thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn cho nên không có khả năng tham gia BHYT (theo mức hỗ trợ 50% như trước đây). Bên cạnh đó công tác thông tin, tuyên truyền phố biến chính sách về BHYT còn hạn chế dẫn đến người dân chưa hiểu được những lợi ích khi tham gia BHYT.  

Sẽ thu hẹp tỷ lệ người cận nghèo chưa tham gia BHYT

PV: Bằng chính sách nâng mức hỗ trợ này, theo ông tỷ lệ 74% người cận nghèo chưa tham gia BHYT có rút ngắn được không? Liệu bao giờ có thể rút ngắn được tỷ lệ này, thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: Sự hỗ trợ của Nhà nước đối với hộ cận nghèo khi tham gia mua BHYT là cụ thể hoá việc bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xoá đói, giảm nghèo. Với mức hỗ trợ của nhà nước như hiện nay chắc chắn sẽ thu hẹp được tỷ lệ người cận nghèo chưa tham gia BHYT.

Hiện tại Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang trình Chính phủ phương án cấp thẻ BHYT cho tất cả người cận nghèo theo mệnh giá 70%, trường hợp người cận nghèo đóng đủ 30% còn lại sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT theo quy định. 

Với việc tăng giá dịch vụ y tế như hiện nay nếu không có thẻ BHYT, người dân nghèo sẽ gặp nhiều khó khăn về tài chính khi đi khám chữa bệnh. Do vậy, đây cũng là một trong những động lực thúc đẩy người cận nghèo tham gia BHYT nhiều hơn.

PV: Vệc người bệnh cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh cũng sẽ là một gánh nặng đối với người bệnh là đối tượng cận nghèo. Vậy, các ngành chức năng đã tính đến việc xem xét lại mức cùng chi trả của người cận nghèo, nhất là đối với các trường hợp điều trị bệnh mãn tính dài ngày, bệnh nặng, chi phí lớn để có điều chỉnh phù hợp, khuyến khích nhóm đối tượng này tham gia BHYT không, thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: Theo quy định của Luật BHYT, người cận nghèo có trách nhiệm thực hiện cùng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh.

Nhằm giảm bớt khó khăn cho đối tượng này, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đang tổng hợp đề xuất trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, điều chỉnh giảm mức cùng chi trả cho nhóm đối tượng này.       

PV: Việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho hộ cận nghèo được thực hiện từ ngày 1/1/2012. Như vậy những trường hợp đã tham gia BHYT từ 1/1/2012 đến nay thì đều được hưởng mức hỗ trợ mới này phải không, thưa ông?

Ông Phạm Lương Sơn: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý nâng mức hỗ trợ cho người thuộc hộ cận nghèo tham gia BHYT lên 70% từ năm 2012. BHXH Việt Nam đã có hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai thực hiện nâng mức hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo.

Theo hướng dẫn này, các trường hợp tham gia BHYT được cấp thẻ BHYT từ ngày 1/1/2012 đến nay sẽ được hoàn trả phần chênh lệch mức đóng.

PV: Xin cảm ơn ông!

 Theo Trần Thơm - Minh Diễm/chinhphu

Phản hồi

Các tin/bài khác