Huyện Cao Phong – Huy động sức mạnh toàn dân xây dựng nông thôn mới

(VOV5) -Với cách làm hay "lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho nhân dân”,Cao Phong đang là huyện đi đầu trong phong trào này ở tỉnh Hòa Bình.

Là huyện miền núi của tỉnh Hòa Bình, những năm qua, diện mạo của Cao Phong đã có nhiều đổi thay, đời sống người dân ngày một nâng cao. Thành công đó đến từ hiệu quả của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Với cách làm hay "lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho nhân dân”,Cao Phong đang là huyện đi đầu trong phong trào này ở tỉnh Hòa Bình.

Nghe âm thanh chương trình tại đây:

Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện Cao Phong gặp rất nhiều khó khăn bởi năm 2002 huyện mới được thành lập, đời sống của đồng bào 3 dân tộc sinh sống trên địa bàn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, đến nay việc xây dựng NTM trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả đáng tự hào. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, góp phần không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội cũng như nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân.

Huyện Cao Phong – Huy động sức mạnh toàn dân xây dựng nông thôn mới - ảnh 1Nhân dân xóm Pheo A, xã Yên Thượng (Cao Phong) đóng góp ngày công, vật liệu làm sân nhà văn hoá, góp phần đạt tiêu chí Nông thôn mới. Báo Hòa Bình 

Xã Dũng Phong, huyện Cao Phong, là một trong những xã cán đích nông thôn mới (NTM) sớm nhất của tỉnh Hòa Bình năm 2014. Trên địa bàn xã, những ngôi cao tầng mọc lên san sát, con đường bê tông kéo dài ra tận những cánh đồng mía, đến chân những đồi cam trĩu quả, bộ mặt nông thôn của Dũng Phong thay đổi rõ rệt từ lúc bà con bắt tay vào xây dựng nông thôn mới.

Ông Bùi Văn Hưởng, Phó Bí thư thường trực xã Dũng Phong, cho biết: Sở dĩ xây dựng NTM ở Dũng Phong thành công là do sự đồng thuận của người dân, từ đó huy động tối đa sự ủng hộ của các cấp chính quyền, người dân. Dân được họp bàn, công khai các chủ trương, chính sách, quy hoạch NTM, quy hoạch đường làng, ngõ xóm... Ở xã Dũng Phong, tất cả người dân đều hăng hái tham gia, với mong muốn góp công sức cho xây dựng NTM.

"Nông thôn mới thành công, bà con rất hăng hái trong xây dựng, phát triển sản xuất. Sau khi tập trung vào hai loại cây mía và cam, chúng tôi đã đầu tư xây dựng đường giao thông và xây dựng hàng chục km đường nội đồng, từ đó bà con có điều kiện canh tác thuận lợi hơn, thu nhập cao hơn."

Ông Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong, cho biết: Năm 2010, khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, huyện không có xã nào đạt được bảy tiêu chí, chỉ có hai xã đạt từ 5 đến 6 tiêu chí, còn lại 10 xã đạt dưới năm tiêu chí. Chính vì vậy, lãnh đạo huyện Cao Phong đã xây dựng kế hoạch, lộ trình và hướng dẫn, hỗ trợ từng xã hoàn thiện từng các tiêu chí phù hợp.

"Thuận lợi nhất của Cao Phong trong xây dựng Nông thôn mới chính là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của người dân trong quá trình phát động xây dựng phong trào. Chúng tôi đã huy động những già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia và họ là những người tiên phong trong phong trào… nhất là việc tự nguyện hiến đất đai. Những già làng, trưởng bản, có uy tín tham gia và gướng mấu đi đầu, từ đó mọi người dân hưởng ứng theo. Như tại xã Đông Phong, khi chúng tôi huy động việc xóa nhà tạm cho người dân, thì có sự tham gia của rất nhiều các tổ chức, doanh nghiệp, đoàn thể và giúp cho xã hoàn thành tiêu chí đảm bảo nhà ở cho họ nghèo.

Đến nay, trên địa bàn huyện Cao Phong đã có 4 xã đạt chuẩn Nông thôn mới; bình quân các xã trong huyện đạt trên 13 tiêu chí nông thôn mới. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,6 triệu đồng/người. Huyện đã đầu tư gần 276 tỷ đồng để phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế… theo các tiêu chí xây dựng NTM giúp bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Ông Võ Ngọc Kiên, Bí thư huyện ủy Cao Phong, cho biết:

"Để thành công thì phải phát huy được tinh thần đoàn kết trong nhân dân và các dân tộc cùng chung sống trên địa bàn là Mường, Kinh và Dao. Chúng tôi cũng phát huy vai trò của người đứng đầu, lãnh đạo huyện, ngành, xã phải tổ chức các cuộc đối thoại với người dân; giải quyết những vướng mắc, khó khăn của nhân dân và tìm ra những điều kiện, tiềm năng, thế mạnh của địa phương để khơi dậy và phát huy. Trong những năm qua, mỗi năm thì huyện có một xã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới và trong năm 2018, Cao Phong phấn đấu có thêm 1 xã về đích và đưa bình quân tiêu chí mà các xã đạt được lên 14.

Tròn 15 năm thành lập, Cao Phong từ một huyện khó khăn đã vươn lên trở thành một trong những huyện phát triển nhất của tỉnh Hòa Bình. Xác định rõ những khó khăn, thuận lợi cùng với sự đoàn kết, sự nỗ lực phấn đấu của người dân của cả hệ thống chính trị, huyện Cao Phong không chỉ đang hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới mà còn góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác