Những kết quả bước đầu của hoạt động khuyến công

(VOV5)- Đẩy mạnh phát triển công nghiệp khu vực nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững ở Việt Nam. Theo thông tin từ “Hội nghị sơ kết công tác khuyến công trên địa bàn cả nước” vừa được Bộ Công thương tổ chức tuần qua, hoạt động khuyến công đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng giá trị sản xuất của công nghiệp nông thôn trong toàn ngành công nghiệp. 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Những kết quả bước đầu của hoạt động khuyến công - ảnh 1
Khuyến công ở Yên Bái. Ảnh: Báo Công thương

Theo Cục Công nghiệp địa phương- Bộ Công thương, hoạt động khuyến công mới đi vào triển khai hơn 5 năm nhưng đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng được các Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp.


Nhiều địa phương thực hiện chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp sản xuất sản phẩm sử dụng nguyên liệu tại chỗ, sử dụng nhiều lao động; sản xuất sản phẩm mới, hàng thay thế nhập khẩu; sử dụng chủ yếu nguyên liệu trong nước. Giá trị sản xuất công nghiệp của khối dân doanh khu vực nông thôn liên tục trong năm năm qua tăng 24%, cao hơn so với mức tăng bình quân công nghiệp cả nước. Có thể thấy, hiệu quả thực tế của hoạt động khuyến công đã chứng tỏ Nghị định 134/2004/NĐ-CP của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn là một chủ trương đúng, phù hợp, kịp thời và nhanh chóng đi vào cuộc sống.


Phát triển công nghiệp nông thôn đóng góp vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, có tác động trực tiếp đến hơn 70% dân số cả nước, mang đến cho nền kinh tế nông thôn sự thay đổi đáng kể. Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang cho biết: Kể từ khi nghị định 134 được ban hành, hoạt động khuyến công ngày càng phát triển. Bình quân phát triển ở mức cao hơn mức phát triển công nghiệp chung của toàn ngành công nghiệp. Mỗi năm có hàng chục nghìn lao động nông thôn được đào tạo có nghề…80 % sau đó tìm được việc làm. Số doanh nghiệp công nghiệp nông thôn có quy mô ngày càng mở rộng, có cả đóng tàu,cơ khí…


Để góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế-lao động theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, hoạt động khuyến công hiện đang tập trung ưu tiên vào 3 lĩnh vực chính là cơ khí - hóa chất phục vụ nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và ngành chế biến nông-lâm sản-thực phẩm; sản xuất sản phẩm, phụ tùng, lắp ráp và sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp; sản xuất, gia công chi tiết, bán thành phẩm cho các cơ sở sản xuất.


Nhiều địa phương xây dựng được mô hình trình diễn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ; tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp ở nông thôn tham gia hội chợ triển lãm trong nước và nước ngoài, đăng ký thương hiệu, mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Ông Vũ Hùng Cường, giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Bình Định cho biết: Công tác giới thiệu, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp được chúng tôi đưa đến hàng tháng,hàng quý, nhất là đưa đến những cơ sở sản xuất nhỏ và vừa của tỉnh, giúp cho các doanh nghiệp hiểu được tình hình giá cả, thị trường…Bình Định cũng tổ chức nhiều đoàn DN đi hội chợ trong nước và nước ngoài, để cùng nhau đẩy mạnh xuất khẩu.


Ở nhiều tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp khu vực nông thôn đã và đang phát triển theo chiều sâu, tăng vốn điều lệ, đầu tư đổi mới công nghệ, kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Chính vì thế, có những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ như các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp cũng dần chiếm lĩnh được những thị trường khó tính như châu Âu hay Nhật Bản.  Hoạt động khuyến công thời gian qua không những góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh tại các địa phương, mà còn tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.


Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang nói về những công viêc sẽ thực hiện để đẩy mạnh phát triển công nghiệp nông thôn: Chúng tôi nhận thức rằng để phát triển công nghiệp nông thôn, sẽ cần hỗ trợ cho việc ra đời của rất nhiều doanh nghiệp ở nông thôn. Lĩnh vực thứ hai chúng tôi quan tâm là nâng cao năng lực quản lý, sức cạnh tranh, năng suất lao động…Lĩnh vực thứ ba là ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất công nghiệp nông thôn…


Chương trình khuyến công quốc gia được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 136/QĐ-TTg. Theo đó, hoạt động khuyến công cả nước tập trung vào đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề; nâng cao năng lực quản lý; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; phát triển hoạt động tư vấn, cung cấp thông tin; hỗ trợ liên doanh, liên kết, hợp tác kinh tế và phát triển các cụm - điểm công nghiệp. Cục Công nghiệp địa phương- Bộ Công thương cũng đang xây dựng danh mục dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để hỗ trợ phát triển các lĩnh vực công nghiệp ở nông thôn./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác