Tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều

(VOV5) - Người dân tỉnh Bắc Giang đang bước vào chính vụ thu hoạch quả vải thiều. Để đảm bảo việc tiêu thủ sản phẩm, ổn định giá bán cho người dân, chính quyền địa phương áp dụng nhiều biện pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu vải Bắc Giang, hướng đến mục tiêu đẩy mạnh tiêu thụ quả vải thiều ra thị trường trong nước và quốc tế.

Tỉnh Bắc Giang đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ vải thiều - ảnh 1
Ảnh:internet


Nghe âm thanh tại đây:



Chiều ngày 23/6 vừa qua, hơn 2 tấn vải đầu tiên đã được Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội xử lý trước khi được xuất khẩu đi thị trường Austraila bằng đường hàng không và sau một ngày, những quả vải Việt Nam đã có mặt trong các siêu thị và đến tay người tiêu dùng. Năm 2016, tổng diện tích vải thiều ở Bắc Giang đạt 30 nghìn ha, sản lượng đạt 130 nghìn tấn, trong đó vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap (Tiêu chuẩn Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) chiếm hơn 1/3, sản lượng dự kiến đạt trên 53.000 tấn, đáp ứng tiêu chuẩn vải chất lượng cao để xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Dự kiến, sẽ có khoảng 1.000 tấn vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang các thị trường các nước như Mỹ, EU, Australia...

 

Riêng tại huyện Lục Ngạn, vùng vải nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang, đã cấp 15 mã vùng trồng vải cho hơn 200 hộ dân với 158 ha theo tiêu chuẩn Global G.A.P (Global Good Agricultural Practice - Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) với chất lượng đặc biệt, được trồng và chăm sóc dưới sự giám sát nghiêm ngặt về quy trình sản xuất của các cơ quan chức năng. Sản lượng dự kiến 1.000 tấn xuất khẩu sang các thị trường như Mỹ, Australia, EU… Ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lục Ngạn, cho biết: “Nhờ áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP nên chất lượng quả vải được nâng lên, sản lượng xuất khẩu đảm bảo.Năm 2016, diện tích vải thiều Lục Ngạn là hơn 16.000 ha, dự kiến sản lượng ước khoảng 70 đến 75 nghìn tấn. Trước sự giảm như vậy thì các cơ quan chuyên môn của phòng nông nghiệp tổ chức tập huấn để nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức bản tỉnh tại thôn bản để phòng trừ sâu bệnh và nâng cao chất lượng quả. Chất lưng vải thiều được tăng lên vì diện tích vải thiều VietGap 15 nghìn 500 ha, tăng trên 1 nghìn ha vải thiều VietGap so với năm 2015”.

 

Nhằm tạo thuận lợi cho người trồng vải, tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị nhân lực, vật lực và xây dựng hơn 3.000 điểm thu mua, tiêu thụ vải. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia tiêu thụ vải thiều. Để bảo đảm nguồn cung chất lượng, một số doanh nghiệp đã chủ động ký kết hợp đồng thu mua vải theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với các hộ sản xuất, hợp tác xã. Do vậy, dự kiến năm nay, 40% sản lượng vải thiều của tỉnh Bắc Giang sẽ được xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

 

Ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết: Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phảm, kiểu dáng bao bì, tem, nhãn hiệu hàng hóa, Bắc Giang phối hợp Bộ Công thương và một số tỉnh tổ chức xúc tiến tiêu thụ vải thiều; tổ chức các chương trình kết nối sản xuất tiêu thụ, xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp và hiệu quả nhằm tạo tính ổn định, bền vững trong chế biến, tiêu thụ vải thiều. Ông Dương Văn Thái cho biết thêm: “Tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Rút kinh nghiệm các năm trước tỉnh coi trọng tất cả các thị trường theo hướng để không lệ thuộc vào thị trường nào. Đặc biệt là đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước. Bắc Giang phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Lào Cai, Lạng Sơn để đẩy mạnh xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc, với Thành phố Hồ Chí Minh để xuất khẩu sang phía Nam. Có thể nói, Bắc Giang hướng đến tất cả các thị trường”.

 

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại đối với những mặt hàng nông sản cho bà con nông dân đã và đang được tỉnh Bắc Giang chú trọng. Đây là cách làm thiết thực nhằm từng bước giúp nông dân phát triển mô hình kinh tế tăng thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác