(VOV5) - Việt Nam đang đứng trước những ngã rẽ quan trọng ở thế kỷ 21, như thời kỳ Đổi mới năm 1986 và năm 1945, 1954 và 1975 trước đây.
Sau gần 4 thập kỷ Đổi mới, mở cửa, Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn về xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thành tựu đã qua cũng đang đặt Việt Nam trước ngưỡng cửa rất quan trọng để nâng tầm sự phát triển tự thân của mình.
Nguyên Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra trong cuộc trò chuyện với phóng viên Đài TNVN. Ảnh: Phan Tùng/VOV-New Delhi |
Trả lời phỏng vấn Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Kamal Malhotra, nguyên Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho rằng những lợi ích và cả nguy cơ do Trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến trong vài năm tới, vừa tạo ra nhiều công nghệ mới nhưng cũng sẽ mang tới những thách thức về kinh tế và chính trị cho Việt Nam.
Do đó, Việt Nam đang đứng trước những ngã rẽ quan trọng ở thế kỷ 21, như thời kỳ Đổi mới năm 1986 và năm 1945, 1954 và 1975 trước đây. Để làm được điều này, Việt Nam cần Đổi mới 2.0 với tham vọng phát triển mạnh mẽ hơn hơn so với Đổi mới 1.0 năm 1986, giai đoạn Việt Nam chủ yếu tập trung vào "đổi mới kinh tế".
Đổi mới 2.0 cần nhấn mạnh đến một chiến lược kinh tế dài hơi cho phép Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn: "Việt Nam muốn trở thành một quốc gia có “thu nhập cao” vào năm 2045. Để trở thành một quốc gia “phát triển”, tất nhiên sẽ đòi hỏi Việt Nam nỗ lực hơn. Trên thực tế, tiêu chí để trở thành một nước phát triển (theo Ngân hàng Thế giới – WB) là mỗi quốc gia phải đạt thu nhập bình quân đầu người hàng năm tối thiểu là 14.000 USD. Điều đó có nghĩa là Việt Nam phải đặt ra nhiều mục tiêu phấn đấu trong 20 năm tới. Nhưng đó mới chỉ là một yếu tố. Việt Nam sẽ phải có những cải cách mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn, chẳng hạn như cải cách hệ thống tư pháp, đầu tư cho nguồn nhân lực, trí lực và bồi dưỡng xây dựng các thế hệ lãnh đạo mới có năng lực dẫn dắt quốc gia trên mọi phương diện."
Ông Kamal Malhotra cho rằng Việt Nam cần có nguồn nhân lực trình độ cao, công nghệ cao. Ngoài ra, Việt Nam cần phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở những lĩnh vực mang tính chiến lược và ở quy mô quốc tế để có thể đẩy mạnh cạnh tranh quốc tế.