(VOV5) - Theo tiếng Hà Nhì, “Gạ Ma” là con lợn cái, “Do” là từ chỉ một vật có chiều cao và thẳng của một cái cây. Vậy khi ghép 3 từ này lại thì nó có nghĩa là rừng lợn cái, là khu rừng thiêng có vị trí hết sức quan trọng trong số 4 khu rừng khác nhau bắt buộc phải có trong mỗi thôn bản.
Dân tộc Hà Nhì ở Việt Nam hiện có hơn 21 nghìn người, với 2 nhóm ngành chính là Hà Nhì hoa, Hà Nhì đen, cư trú ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu và Điện Biên. Trong đó ở Lào Cai, người Hà Nhì thuộc nhóm Hà Nhì đen, dân số hơn 4.000 người, cư trú tập trung ở các xã Nậm Pung, Ý Tý, A Lù, A Mú Sung, Trịnh Tường của huyện Bát Xát.
Là tộc người có lịch sử cư trú lâu đời, có môi trường cư trú tương đối khép kín, địa hình cư trú cao và phức tạp, nên người Hà Nhì ở Lào Cai vẫn còn bảo lưu được nhiều các nghi lễ truyền thống của dân tộc mình. Trong đó có nghi lễ tạ ơn rừng thiêng “Gạ Ma Do”, đây là nghi lễ lớn và quan trọng nhất trong năm của người Hà Nhì.
Khu rừng thiêng của người Hà Nhì ở Choản Thèn - Y Tý. |
Rừng thiêng luôn nằm ở vị trí cao nhất của thôn và cao hơn các khu rừng cúng khác cần có trong thôn. Đây là nơi ngự của các thần linh tốt, luôn bảo vệ thôn bản tránh được cái xấu, đuổi đi con ma ác làm hại dân bản. Người Hà Nhì quan niệm: thôn, bản có bình yên, con người có mạnh khỏe, vật nuôi có sinh sôi phát triển, cây trồng có tươi tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào khu rừng thiêng này. Nếu ai vi phạm đến sự tôn nghiêm của khu rừng, người đó sẽ bị thần linh trừng phạt. Do đó, để cầu bình yên, phát triển, hàng năm, dân bản đều tổ chức nghi lễ cúng "Gạ Ma Do" thật chu đáo. Mọi người đều phải hết sức thành tâm, tuân thủ đúng những quy định từ ngàn xưa của cha ông để lại.
Ngày diễn ra ra lễ cấm bản và cúng rừng thường vào dịp đầu xuân. |
Theo tập quán của người Hà Nhì ở Lào Cai, trước ngày diễn ra Lễ cúng "Gạ Ma Do", người Hà Nhì phải tổ chức nghi lễ cấm bản “Ga Tu Tu”. Nghi lễ cấm bản được tổ chức vào ngày Dần đầu tiên của tháng Giêng. Mỗi gia đình người Hà Nhì cử một thành viên là nam giới tham gia vào lễ cấm bản.
Căng dây cấm bản. |
Lễ cấm bản được tổ chức hết sức tôn nghiêm. Lễ vật gồm 1 đôi gà trống mái, một con chó và các loại rượu, muối... Sau lễ cúng, mọi người cùng căng dây báo cấm trên các con đường chính dẫn vào bản. Họ cho rằng làm như vậy sẽ cấm được các loại ma xấu vào làm hại dân bản. Người bản khác, người ở nơi xa đến không được vào bản, bởi nếu vào bản, con ma xấu sẽ theo vào. Nếu ai cố tình vào sẽ bị cả bản phạt vạ theo quy định trong hương ước của thôn.
Gà sống được treo tại đầu làng để trừ ma tà vào bản. |
Gỗ được đẽo hình gươm dao treo tại đầu làng. |
Gỗ được đẽo hình khẩu súng treo tại đầu làng. |
Để chuẩn bị cho nghi lễ rước nước về làm lễ cúng "Gạ Ma Do", đại diện các gia đình trong bản mang lễ vật là 1 đôi gà, kẹp xôi màu vàng, rượu, hương…ra đầu nguồn nước của bản để làm lễ tạ ơn Thần nước đã cung cấp nước sinh hoạt và trồng cấy trong suốt một năm vừa qua, và cầu mong cho năm mới nước vẫn cứ đầy và chảy mãi không cạn trong thôn bản của họ. Sau nghi lễ này, những người phục vụ sẽ lấy ống bương xin nước thần về làm lễ cúng "Gạ Ma Do".
Chuẩn bị lễ vật cúng tại nguồn nước thiêng. |
Thầy cúng làm lễ cúng nguồn nước thiêng. |
Nghi lễ ở rừng thiêng "Gạ Ma Do" nhắc nhở các thế hệ người Hà Nhì trong cùng một thôn bản cần có ý thức trong việc bảo vệ khu rừng thiêng này, là nơi không được xâm phạm. Đồng thời, nghi lễ cúng rừng này cũng là dịp để dân bản thể hiện ước nguyện của mình trước các vị thần linh cao cả về một cuộc sống yên bình cho cả năm.
Đại diện các gia đình là nam giới chuẩn bị lễ vật dâng cúng. |
Duy nhất trong ngày cúng rừng người dân được mang củi khô về. |
Khi thực hành nghi lễ, lễ vật dâng cúng thường bao gồm: Một con lợn đực màu đen, một đôi gà; một kẹp xôi màu vàng có quả trứng gà luộc chín ở giữa, một ống rượu nếp ủ sống không qua chưng cất được đựng trong ống tre cũ kỹ, một ống hút rượu bằng cành trúc nhỏ, một ống nước được lấy từ nguồn nước thiêng, một đôi thớt gỗ, chín cái bát sứ và hai đôi đũa.
Hai thầy cúng chính sắp lễ vật dâng cúng thần rừng. |
Đun nấu thịt gà, thịt lợn để dâng cúng. |
Trong mỗi thôn bản người Hà Nhì đen ở Bát Xát đều có các khu rừng cấm, nguồn nước thiêng bao bọc, chở che. Trong đó, Rừng thiêng “Gạ Ma Do” luôn được coi là khu rừng quan trọng nhất, luôn nằm ở vị trí cao hơn thôn bản. Từ trên rừng thiêng này, các vị thần có thể quan sát được hết các hoạt động của mọi người trong thôn bản để bảo vệ thôn bản được tốt hơn.
Nơi đặt bàn thờ cũng phải là nơi trung tâm của khu rừng, có cây cối bao quanh, tỏa bóng mát cho khu vực thờ thần.
Dân bản đến vị trí bàn thờ thần rừng hành lễ cầu xin thần rừng che chở cho cả thôn bản. |
Khi mọi việc đã xong, lễ vật sẽ được hạ xuống và chia đều cho mọi người cùng hưởng lộc ban của thánh thần. Cuối cùng sẽ là bữa ăn đoàn kết của tất cả mọi người. Mọi lễ vật phải được ăn hết, không được mang thức ăn thừa về thôn bản. Sau khi kết thúc, mọi thứ vương vãi trên bãi ngồi sẽ được mọi người thu dọn vào trong hố đã có từ trước để không làm ô uế đến thần linh.
Khu vực dành riêng cho các thầy cúng và chủ lễ cùng nhau ăn sau khi đã cúng xong. |
Sau khi cúng xong, tất cả cùng ăn uống tại rừng và cùng chúc nhau một năm cả bản bình an, mùa màng tươi tốt. |
Phần thịt dành cho người có việc kiêng kỵ không đến dự được. |
Theo phong tục của người Hà Nhì, trước và sau lễ cúng “Gạ Ma Do” hai ngày,, người Hà Nhì tổ chức lễ “Dứ Dò Dò” tại nhà thầy cúng chính để làm lễ tạ ơn thần rừng và cảm ơn thầy cúng. Đây là một lễ cúng có sự tham gia đông đủ nhất gồm trẻ con, người lớn, người già không phân biệt kể cả người nơi khác tới cũng có thể tham gia chia vui cùng.
Nghi lễ tạ ơn thần linh "Dứ Dò Dò" của người Hà Nhì đen. |
Lễ cúng "Gạ Ma Do" của người Hà Nhì ở Lào Cai mang giá trị giáo dục sâu sắc, không chỉ là môi trường giữ gìn bản sắc văn hóa của tộc người, mà còn tạo sự cố kết bền chặt của cộng đồng, thể hiện sự tôn thờ các vị thần nước, thần rừng với ước nguyện của con người về cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc.