Tối 2/11, tại quảng trường đường Hùng Vương, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, diễn ra lễ khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI với chủ đề văn hóa vùng Đông Bắc - Bản sắc hội nhập và vươn xa.
Năm 2024, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI diễn ra tại tỉnh Lạng Sơn với sự tham gia của 8 tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Thái Nguyên. Ảnh: VOV |
Tham dự lễ khai mạc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: VOV |
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định việc tổ chức Ngày hội lần này là minh chứng cụ thể trong việc triển khai, thực hiện các quan điểm, nhiệm vụ, Nghị quyết của Đảng đã đề ra. Trong đó tập trung bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa đặc sắc của các dân tộc nói chung, đồng bào dân tộc vùng Đông Bắc nói riêng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tạo nên sức mạnh nội sinh cho dân tộc nhằm hiện thực hóa khát vọng vì một Việt Nam hùng cường.
Lễ khai mạc Ngày hội có sự tham gia của hơn 600 nghệ sĩ, diễn viên, các nghệ nhân. Điểm nhấn của lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: "Sắc màu Đông Bắc"; “Đông Bắc - Bản trường ca quang vinh”; “Đông Bắc - Tự hào và toả sáng". Các tiết mục được trình diễn thể hiện Đông Bắc là vùng đất tươi đẹp, nơi sinh sống của nhiều đồng bào các dân tộc khác nhau với nhiều đặc trưng văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng. Ảnh: VOV |
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến tặng bằng khen của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho các đoàn tham gia Ngày hội. Ảnh: VOV |
Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc là hoạt động định kỳ tổ chức 3 năm/lần, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc vùng Đông Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
55 tác phẩm đạt giải thưởng Văn học nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh lần thứ 3
Tối 7/11, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Lễ Công bố và trao tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 5 năm – lần thứ 3 – cho 55 tác phẩm xuất sắc.
55 tác phẩm xuất sắc trong giai đoạn 2018 - 2022 được vinh danh ở 9 lĩnh vực gồm: kiến trúc, mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh, múa, âm nhạc, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, điện ảnh và văn học.
Tác giả đạt Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 5 năm – lần thứ 3 lĩnh vực âm nhạc. Ảnh: VOV |
Các tác giả đạt lĩnh vực văn học. Ảnh: VOV |
Tác phẩm “Dâng Người ngàn hoa chiến công” của tác giả Chẩm Hoàng Giang đạt giải ba lĩnh vực âm nhạc. Ảnh: VOV |
Ra đời từ năm 1995 nhân kỷ niệm 20 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975 - 1995), Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh do UBND TP.HCM tổ chức hai năm một lần; từ sau năm 2005 được tổ chức 5 năm một lần. Đây là giải thưởng nhằm ghi nhận, tôn vinh nỗ lực và thành quả lao động sáng tạo của giới văn nghệ sĩ thành phố ở các lĩnh vực như văn học, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc, múa...
Ra mắt sách “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger”
Ngày 5/11, tại thành phố Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tọa đàm, giới thiệu ấn phẩm “Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” vừa được xuất bản bằng tiếng Việt vào tháng 10/2024.
Tác phẩm "Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger” do Tiến sĩ Amandine Dabat - hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi - nghiên cứu và biên soạn, được Nhà xuất bản Khoa học xã hội dịch và xuất bản từ bản gốc tiếng Pháp “Hàm Nghi - Empereur en exil, artiste à Alger” do Nhà xuất bản Sorbonne ấn hành năm 2019.
Cuốn sách là một công trình nghiên cứu tâm huyết của Amandine Dabat về cuộc đời của vua Hàm Nghi trong vai trò một vị vua yêu nước và là một họa sĩ tài hoa trong thời gian ông lưu vong tại Pháp và Alger. Sách dày hơn 500 trang, trong đó có 71 trang tác phẩm mỹ thuật, 12 trang tác phẩm điêu khắc, 68 trang ảnh tư liệu, thư từ… Ảnh: Lê Hiếu/VOV |
TS. Amandine Dabat (ngồi giữa) chia sẻ về cuộc đời và di sản nghệ thuật của vua Hàm Nghi. Ảnh: Lê Hiếu/VOV |
“Đôi đũa cung đình bằng ngà hải mã” được các hậu duệ của vua Hàm Nghi trao tặng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ảnh: Lê Hiếu/VOV |
Ngày 7/11, tại Di tích quốc gia Căn cứ Thành Tân Sở, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ khai trương không gian trưng bày hiện vật, tư liệu về vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương.
Tiến sĩ Amandine Dabat (áo dài đỏ) đã trao một số hiện vật của vua Hàm Nghi tặng huyện Cam Lộ. Các hiện vật này trước đó được Tiến sĩ Amandine Dabat bảo quản tại Pháp, dịp này đưa về Việt Nam để trao tặng, phục vụ công tác trưng bày tại Đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sỹ Cần Vương. Ngoài các hiện vật này còn có 29 bức tranh (bản sao) do vua Hàm Nghi vẽ khi ở Pháp và trong thời gian bị lưu đày ở Alger cũng được đưa về và trưng bày tại đền thờ. Ảnh: Lê Hiếu/VOV |
Ống điếu của Vua Hàm Nghi. Ảnh: Lê Hiếu/VOV |
Các hiện vật sau khi tiếp nhận được trưng bày tại Đền thờ vua Hàm Nghi thuộc Căn cứ Thành Tân Sở, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Lê Hiếu/VOV |
Ấn tượng ẩm thực Việt tại Hội chợ Bazar ASEAN 2024 ở Venezuela
Ngày 2/11 (theo giờ địa phương), Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela phối hợp với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Thủ đô Caracas tổ chức hội chợ Bazar thường niên. Sự kiện nhằm tăng cường giao lưu văn hóa và quảng bá hình ảnh đất nước, con người của các quốc gia thành viên, đồng thời tăng cường sự hiểu biết và quan hệ hữu nghị, hợp tác với sở tại.
Gian hàng của Đại sứ quán Việt Nam. Ảnh: VOV |
Tham dự sự kiện, được tổ chức tại Công viên Francisco Miranda ở trung tâm Thủ đô Caracas, có đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao cùng đại diện các bộ, ban ngành, tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp Venezuela và Đại sứ quán các nước Ấn Độ, Cuba, Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ai Cập…
Đại sứ Vũ Trung Mỹ cùng các đại biểu khai mạc Bazar ASEAN 2024 với nhạc cụ truyền thống Indonesia, ANGKLUNG. Ảnh: CTV Bảo Trung/VOV |
Trong khuôn khổ Hội chợ Bazar ASEAN 2024, Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela đã mang đến một không gian văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang phục truyền thống như áo dài, nón lá và đặc biệt, các món ăn đặc trưng như phở, nem đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với đông đảo du khách sở tại và quốc tế.
Đại sứ Vũ Trung Mỹ và khách tham quan gian hàng Việt Nam. Ảnh: CTV Bảo Trung/VOV |
Đến thăm gian hàng Việt Nam và sau khi được thưởng thức café và các món ăn Việt, Đại sứ Ấn Độ tại Venezuela, Ashok Babu và phu nhân bày tỏ thích thú: “Chúng tôi đã được nghe nhiều về ẩm thực Việt và hôm nay rất vui vì đã được thưởng thức”.
Du khách tham quan thưởng thức cà phê Việt Nam. Ảnh: CTV Bảo Trung/VOV |