(VOV5) - Hơn 45 năm làm nghề, hiện nay, gia đình ông Nguyễn Văn Hòa (64 tuổi) cùng vợ Đặng Hương Lan (60 tuổi) là gia đình duy nhất ở phố cổ Hà Nội còn giữ bí kíp tạo hình thù nhân vật dân gian bằng giấy báo cũ và bột sắn.
Trên căn gác chưa đầy 15 m2 ở ngôi nhà cổ cuối phố Hàng Than (Ba Đình, Hà Nội), vợ chồng ông Hòa, bà Lan tất bật hơn với những chiếc mặt nạ giấy bồi.
Khoảng không gian chật hẹp của căn gác nhỏ tràn ngập mặt nạ giấy bồi. Còn chỗ ngồi làm ra những chiếc mặt nạ của vợ chồng ông Hòa chỉ là hành lang bé xíu.
Hai ông bà cần mẫn làm từ sáng đến chiều. Các công đoạn được thực hiện lần lượt một cách khéo léo.
Ông Hòa cho biết, nghề này phải tỉ mỉ từng công đoạn mới đẹp được, nếu làm ẩu thì mặt nhăn nhó, không còn cái hồn cần có. Mặt nạ phơi khô thì vẽ nhưng không được vội vàng vì nếu nét vẽ không chuẩn sẽ xấu ngay.
Công việc này được ông bà làm quanh năm, tranh thủ ngày có nắng thì làm nhiều hơn vì mặt nạ cần được phơi khô. Để làm xong một chiếc mặt nạ tính ra cũng phải mất một tiếng đồng hồ.
Một chiếc mặt nạ hoàn chỉnh trải qua nhiều công đoạn, từ chọn bột sắn nấu hồ đến chọn giấy báo cũ. Giấy báo xé nhỏ sẽ được xếp chồng 5-6 lớp vào khuôn đúc để tạo hình. Khi hình phôi cứng, sắc nét mới đem phơi khô rồi vẽ, sơn trang trí cho từng mẫu.
Mặt nạ giấy bồi là sản phẩm an toàn, thân thiện. Hơn 45 năm nay, vợ chồng ông Hòa đã cho ra đời những khuôn mặt nhân vật đẹp mắt, mang thần thái riêng biệt.
Để làm ra chiếc mặt nạ vừa đẹp, vừa có hồn, đôi bàn tay khéo léo thôi không đủ, mà còn cần cả tình yêu nghề của người thợ tài hoa. Và vợ chồng ông bà Hòa là những người thợ cuối cùng ở phố cổ Hà Nội vẫn tiếp tục ngọn lửa đam mê nghề mặt nạ giấy bồi đến tận bây giờ.