(VOV5) - Khí thế hùng tráng của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông được tái hiện sống động trong màn diễn xướng "Hội quân trên sông Lục Đầu".
Trong khuôn khổ Lễ hội mùa thu 2019 tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, lễ Khai mạc, tưởng niệm 719 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo đã diễn ra trong không khí thành kính, trang nghiêm.
Các vị lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành trung ương và tỉnh Hải Dương dâng hương tưởng niệm.
Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong Lễ hội mùa thu năm nay là màn diễn xướng hội quân trên sông Lục Đầu quy mô lớn nhất từ trước đến nay. "Hùng khí Lục Đầu giang" có sự tham gia của 50 thuyền quân cùng hàng ngàn diễn viên, quần chúng.
Sông Lục Đầu tại Chí Linh (Hải Dương) là con đường thuỷ chiến lược, tạo thành hệ thống liên hoàn với sông Hồng, sông Bạch Đằng. Chính vì vậy, các đời vua Trần đã xây dựng nhiều căn cứ Lục Đầu, Đại Than, Trần Xá, Vạn Kiếp để luyện quân đội.
Trong tiếng trống trận vang lừng, cả một vùng sông nước rộng lớn tấp nập thuyền bè, rực rỡ cờ bay. Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng cùng các tướng lĩnh Yết Kiêu, Dã Tượng vâng lệnh về An Sinh, Vạn Kiếp để luyện dân binh thủy bộ, mời Hưng Đạo Vương về duyệt binh.
Yết Kiêu thao luyện binh thuyền, Dã Tượng cho quân bộ diễn võ. Các đội quân võ tay không, đao kiếm, cung nỏ, giáo mác, quân thủy... đều hừng hực khí thế "Sát Thát".
Màn diễn xướng "Hội quân trên sông Lục Đầu" đưa người xem trở về những thời điểm lịch sử trọng đại của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông...
Nghe lời hiệu triệu đánh giặc giữ nước, hàng vạn thiếu niên yêu nước đã theo gương Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản giương cao ngọn cờ "Phá cường địch báo Hoàng ân".
Không chỉ các tráng đinh, các lão trượng cũng tự nguyện xung quân, bừng bừng hào khí Đông A trong huyết quản.
Tướng sĩ hô vang "Sát Thát", cùng thề trước giang sơn xã tắc quyết xả thân vì nước, đánh cho giặc phải tan.
Dưới sự chỉ huy của Hưng Đạo Vương, quân binh thao luyện tinh thông, sẵn sàng đánh giặc, lúc xông trận ào lên như nước vỡ bờ.
Trận chiến chống giặc Nguyên năm 1285, tướng giặc là Thoát Hoan thất kinh trước sự tiến công của quân Đại Việt, sợ hãi chui vào ống đồng cướp đường tháo chạy. Năm 1288, tướng giặc Ô Mã Nhi bị bắt sống, thủy quân giặc Nguyên bị xóa sổ trên sông Bạch Đằng.
Giặc tan, người dân Vạn Kiếp ca khúc khải hoàn, trở về quê hương trồng dâu nuôi tằm, cày cấy, chài lưới trên sông Lục Đầu. Từ đó, những người con Đại Việt hôm nay trở về cội nguồn để chiêm bái tri ân Hưng Đạo Đại Vương, cầu mong quốc thái dân an, giang sơn bền vững, biển đảo bình yên.
Lễ hội thu hút hàng vạn du khách và người dân địa phương. Cùng với nhiều hoạt động diễn xướng, trò chơi dân gian đặc sắc, lễ hội Mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc ngày càng trở thành điểm đến ý nghĩa, tôn vinh những giá trị di sản văn hóa dân tộc của Khu Di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc.