(VOV5) - Triển lãm “Mẹ” của Đại tá, NSNA Trần Hồng là điểm nhấn thu hút công chúng tham dự chuỗi sự kiện “Mẹ và trái tim người lính”
90 bức ảnh về các bà mẹ Việt Nam anh hùng trong thời chiến và cả thời bình của Đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Trần Hồng đang được giới thiệu tới công chúng trong triển lãm “Mẹ” tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội).
Triển lãm “Mẹ” của Đại tá Trần Hồng là điểm nhấn thu hút công chúng tham dự chuỗi sự kiện “Mẹ và trái tim người lính”, khai mạc ngày 16/10 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam và 90 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Cắt băng khai mạc chuỗi sự kiện "Mẹ và Trái tim người lính". - Ảnh: MH/baoquocte.vn
|
Đại tá, NSNA Trần Hồng từng là một người lính bước ra từ chiến trường. Ngay từ khi vào nghề, ông đã viết và chụp ảnh về các bà mẹ. Trong “gia tài” nghề nghiệp của mình, đại tá Trần Hồng có rất nhiều bức ảnh về đề tài này. “Tiêu đề của Triển lãm - “Mẹ” chính là mẫu số chung giúp tôi lột tả những mảnh ghép đa sắc về các Mẹ, tạo nên bức chân dung về người phụ nữ Việt Nam với đầy sự tự hào và tình yêu thương. Chân dung của các Mẹ tại triển lãm này đã nói lên tất cả những điều đó. Chúng ta hãy đến với những tác phẩm như đến với những giọt sữa, lời ru, đến với chiếc nôi và cánh võng của Mẹ”, đại tá Trần Hồng xúc động.
|
Tình yêu thương chân thành của người lính đã thôi thúc NSNA Trần Hồng miệt mài suốt nhiều năm qua đến khắp mọi vùng miền để chụp về Mẹ. 90 bức ảnh tại triển lãm vẽ nên hình ảnh vĩ đại của Mẹ ở ba góc độ: Mẹ - hằn sâu nỗi nhớ, Mẹ - khoảnh khắc đời thường và Tự hào những người Mẹ Việt Nam. Đầy đủ những cung bậc cảm xúc của tác giả về Mẹ Việt Nam với sự bình dị, chân thật và đầy rung cảm.
Mẹ Thứ với mâm cơm cúng có 9 đôi bát đũa dành cho 9 người con liệt sĩ.
|
Gây xúc động mạnh là hình ảnh mẹ Thứ, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam với mâm cơm cúng có 9 đôi bát đũa dành cho 9 người con liệt sĩ. Nỗi đau của Mẹ đã được Tổ quốc tạc thành tượng đài. Mẹ có chồng, chín người con ruột, một con rể và hai cháu ngoại là liệt sĩ. Hình ảnh NSNA Trần Hồng chụp Mẹ ngồi lặng lẽ, khuôn mặt kiên định và vẫn ánh lên những tia hy vọng cuối cùng. Mẹ bảo: “Tôi vẫn đợi nó về, chín thằng chắc chắn có một thằng nó về với tôi. Chắc chắn thế!”.
Bức ảnh nữ chiến sĩ bộ đội Trường Sơn vui mừng xúc động khi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
|
Mẹ Đỗ Thị Thoa, mẹ của Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã một mình tần tảo nuôi con sau khi chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
|
Khách tham quan triển lãm "Mẹ" của NSNA Trần Hồng. |
Một đồng nghiệp ghi lại những góc chụp về mẹ của NSNA Trần Hồng. |
Trong khuôn khổ sự kiện, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn tổ chức Lễ tiếp nhận hàng trăm kỷ vật của các cá nhân là những người lính năm xưa nơi chiến trường, bao gồm: Nhật ký, ảnh, bưu thiếp, đồ dùng cá nhân… cùng với rất nhiều những lá thư tay về tình yêu do chính họ hoặc người thân lưu giữ lại.
Những kỷ vật ấy không chỉ mang dấu ấn cá nhân, mà còn giúp khắc họa và gợi nhớ về một thời kỳ thanh xuân của những con người với lý tưởng cách mạng và lòng yêu nước, gắn với những câu chuyện về tình yêu gia đình, tình đồng đội và tình cảm đôi lứa trong thời kỳ tuy khó khăn, gian khổ nhưng vẫn chan chứa sự gắn kết và đầy ắp tình yêu thương.
Đại tá Trần Hồng cùng phu nhân trao tặng những bức ảnh vể Mẹ cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. - Ảnh: Ý Dịu |
Dịp này, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với CLB "Trái tim người lính". Hai bên sẽ phối hợp tổ chức cuộc thi viết và sưu tầm kỷ vật mang tên "Tình yêu đi qua chiến tranh", chuẩn bị xuất bản những cuốn sách cùng tên "Trái tim người lính", đồng thời tổ chức các sự kiện gặp mặt đồng đội, chiến sĩ trên chiến trường xưa.