Ngày Di sản văn hóa Việt Nam: Con nghê - biểu tượng tạo hình truyền thống của người Việt

(VOV5) - Sau 3 năm Công văn 2662 của Bộ VHTT&DL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam đi vào đời sống, việc sử dụng, trưng bày, sản xuất, cung tiến các biểu tượng, linh vật đã được mọi người nhìn nhận lại một cách cẩn trọng, nghiêm túc, khoa học.
Ngày Di sản văn hóa Việt Nam: Con nghê - biểu tượng tạo hình truyền thống của người Việt - ảnh 1 Nghê thế kỷ XVII - XVIII ở đền Đồng Lư (Nam Định). Ảnh: Hà Phương

Nhân Ngày di sản văn hóa Việt Nam 23/11, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đã có cuộc trò chuyện với VOV5 về hình tượng con nghê Việt và tầm quan trọng của sự ra đời công văn 2662. Ông cho rằng:  “Công văn 2662 có vai trò rất quan trọng trong việc chấn hưng lại văn hóa, giá trị, tinh hoa của văn hóa nghệ thuật Việt và đặc biệt khuyến cáo sử dụng các hệ thống biểu tượng truyền thống dân tộc. Công văn 2662 như một hồi chuông cảnh tỉnh nhận thức chung của cả cộng đồng, tác động của báo chí truyền thông làm cho rất nhiều nơi người dân tự di dời những tượng thú không phù hợp, có những tổ chức, nhóm hoạt động xã hội như nhóm Đình Làng Việt đã bỏ kinh phí để di dời cặp đôi sư tử có kiểu dáng không phù hợp ở đình Hồi Quan. Cần tiếp tục duy trì việc thực hiện Công văn 2662.”

Theo Cục Mỹ thuât, Nhiếp ảnh và Triển lãm, một trong những trọng tâm cho việc thực hiện Công văn 2662 trong giai đoạn mới là phổ cập những biểu tượng linh vật đã từng bị quên lãng, trong đó có hình tượng con nghê. Trước đây, có một thời gian người dân nhầm lẫn giữa sư tử kiểu Trung Quốc thành nghê Việt.

Ngày Di sản văn hóa Việt Nam: Con nghê - biểu tượng tạo hình truyền thống của người Việt - ảnh 2Sư tử đá kiểu Trung Quốc. Ảnh: Trà Xanh

“Tấm bia Minh Tịnh tự bi văn thời Lý năm1090 đã nhắc đến nghê trong các không gian chùa chiền. Bản thân trán bia này có hình đôi nghê chầu lá đề. Đôi nghê này có thân hình gọn gần với thân con chó. Đầu thì đầu rồng và cái bờm vuốt bay mạnh ra đằng sau, móng chim ưng. Với một đặc điểm như thế, thì đối chiếu với các hệ thống hiện vật còn lại thì rõ ràng là con nghê đã có nhiều những phát triển, thay đổi và nó vẫn giữ lại được những đặc điểm kiểu thức đầu rồng thân chó. Ở mỗi công năng thì nó những đặc trưng khác nhau. Ví dụ như có những con nghê thiên về tưởng niệm, kính cẩn, ai oán thì sẽ có vẻ buồn rầu. Thế còn ở trên tấm bia Minh văn ở chùa Thầy thì có nhắc đến một hình thức gọi là hỷ khánh năng nghê do vậy là các nơi đình chùa, đền miều chúng ta còn thấy những con nghê có biểu cảm rất náo hoạt vui tươi. Như vậy, từ thời Lý là ta có thể thấy có hai hình thức là Nghê chầu và Nghê vờn” – nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho biết.

  Về các mẫu sư tử và nghê trong hệ thống biểu tượng truyền thống của Việt Nam, ông Trần Hậu Yên Thế cho biết: “Ở thời Lý đã có hình thức pha trộn giữa sư tử và nghê. Nghê thì mình gầy, thanh mảnh hơn. Còn sư tử nghê thì mình mập và thường là loại kim nghê đội tòa sen. Do vậy như là nghe ở chùa Bà Tấm, Hương Lãng, rồi ở Thanh Hóa cũng đều ở dạng thức sư tử nghê. Mình nó mập căng – đây cũng là một sự đặc sắc của linh vật Đại Việt. Tức là nó có những cái biểu tượng pha trộn, có sự chắt lọc và kế thừa và đặc biệt là có sự sáng tạo riêng của người Việt. Về tổng thể, ở thời Trần, nghê bắt đầu mập hơn, thế nhưng đến thời Lê Trung Hưng thì muôn hình vạn trạng. Biểu tượng  nghê Việt gắn với đời sống của dân gian, với sự sáng tạo của các nghệ nhân. Vì vậy, nghê ở mỗi vùng miền có những tạo hình khác nhau”.

 
Ngày Di sản văn hóa Việt Nam: Con nghê - biểu tượng tạo hình truyền thống của người Việt - ảnh 3Sư tử chùa Bà Tấm (Hà Nội) thế kỷ XI 

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cũng cho rằng thời gian tới nên khuyến khích, ủng hộ nghệ nhân có thêm sáng tạo về tạo hình nghê Việt dựa trên các mẫu nghê truyền thống để có sự tiếp thu và đa dạng hóa biểu tượng nghê Việt cho phù hợp với thẩm mĩ đương đại.

Phản hồi

Các tin/bài khác