Sau chương trình thơ nhạc Tôi đã quên mình chỉ để nghĩ về em (tháng 11/2013), Anh không muốn lạc em thêm lần nữa (tháng 9/2015) tại Hà Nội và Trở về thương nhau lấy tôi thôi (tháng 1/2015 ở tại Quảng Bình), Còn điều chi em mải miết đi tìm? (tháng 3/2017), nhà thơ Hồng Thanh Quang lại tiếp tục thực hiện đêm thơ nhạc với tên gọi Người đàn ông mùa thu.
Tham gia biểu diễn trong chương trình là nhiều nghệ sĩ tên tuổi như nhạc sĩ – NSND Phạm Ngọc Khôi, NSND Thanh Hoài, NSND Thúy Mùi, NSND Quốc Anh, NSƯT Minh Vượng, NSƯT Ngọc Khang, NSƯT Ploong Thiết, ca sĩ Tuấn Hiệp, nhạc sĩ Đỗ An, nghệ nhân hát văn Lương Trọng Quỳnh, nhóm xẩm Hà Thành, ca sĩ Thanh Cường, Hữu Duy, Tuấn Long… Đảm nhận vai trò dẫn chương trình là nhà báo Phan Đăng, Tổng đạo diễn chương trình là nhạc sĩ Nguyễn Quang Long.
Trong đêm thơ nhạc, nhà thơ Hồng Thanh Quang sẽ tự mình đọc những bài thơ đã đi vào lòng người của anh với phần đệm đàn của NSND Phạm Ngọc Khôi như Lối ta đi, Ủ câu thơ cũ vào men lá, Anh sẽ không nhường em cho ai cả, Rồi có ngày con trở thành thiếu nữ, Đau đớn nhất là khi bạn cũ, Anh buồn lắm vì em không hạnh phúc… Bên cạnh đó, các bài thơ của Hồng Thanh Quang cũng sẽ được ngâm bởi các nghệ sĩ nổi tiếng: NSND Thúy Mùi, NSND Quốc Anh, Ploong Thiết. Đặc biệt, NSƯT Minh Vượng cũng xuất hiện trên sân khấu Nhà hát Lớn sau một thời gian dài vắng bóng qua phần trình bày thơ với tư cách một người bạn của nhà thơ Hồng Thanh Quang.
Phú Quang từng đệm đàn cho Hồng Thanh Quang đọc thơ. |
Về phần âm nhạc, chủ đạo là những bài thơ được thể hiện trên nền các nghệ thuật hát văn, hát xẩm, ngâm thơ cổ, ca Huế, Quan họ… Đồng thời, nhiều bài hát phổ thơ Hồng Thanh Quang nổi tiếng cũng sẽ được trình diễn trên sân khấu như Mẹ (nhạc sĩ Phú Quang), Khúc hát vào thu (Quang Sơn), Sớm thu (Quỳnh Hợp), Khúc mùa thu (Phú Quang)…
Một bất ngờ thú vị là Hồng Thanh Quang còn xuất hiện không chỉ với tư cách nhà thơ mà còn là một nhạc sĩ. Bài hát Noel buồn do anh phổ thơ Triệu Ngọc Lâm sẽ được trình bày bởi ca sĩ Tuấn Hiệp.
Chia sẻ về Người đàn ông mùa thu, nhà thơ Hồng Thanh Quang cho biết: Đây thực ra chỉ là một cuộc gặp gỡ giữa những người tri kỷ, giữa nhà thơ với các nghệ sĩ biểu diễn theo dòng nhạc dân gian để cùng tạo nên một đêm hội truyền thống ở chính trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Và cũng là để dựng nên chân dung nghệ thuật của một người thơ ở độ tuổi sang chiều.
“Với những chiêm nghiệm, trăn trở, xúc cảm và hồi tưởng, tôi muốn được chia sẻ cùng với khán giả như những liều trợ dưỡng tinh thần. Những tác phẩm được lựa chọn từ nhiều giai đoạn sáng tác khác nhau của tôi nhưng rất nhất quán ở mạch cảm xúc, góc nhìn và cách cảm…”, nhà thơ Hồng Thanh Quang nói thêm.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang bên bức chân dung của họa sĩ Vũ Công Khương. Ảnh: Mỹ Trà |
Tổng đạo diễn chương trình – nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho biết: “Có thể người đời nhìn vào Hồng Thanh Quang là một người thành đạt ở cả công việc và gia đình, nhưng tôi không quan tâm đến chi tiết ấy. Tôi nhìn thấy ở anh vẫn luôn có những suy tư còn ẩn nấp đâu đó trong tâm hồn. Ở đấy, tôi nhìn thấy một thi sĩ có phần gì đó thân phận, có gì đó luôn thiếu, luôn khao khát được lấp đầy nhưng chắc có lẽ cả đời này, sẽ chẳng bao giờ anh có thể lấp đầy được điều đấy cho tâm hồn mình.
Dưới góc độ một người làm âm nhạc có liên quan mật thiết tới thơ ca, tôi cảm nhận thơ của Hồng Thanh Quang một màu tình yêu thiết tha, da diết, là những nhớ nhung những hạnh phúc hay chia xa của tình yêu đôi lứa, nó luôn là đề tài bất tận đối với anh.
Thơ của Hồng Thanh Quang với câu từ thiên về đời, từ vựng anh sử dụng không đánh đố người đọc mà luôn gần gũi, dễ hiểu. Dễ hiểu nhưng lại có gì đó rất Tràng An. Và có lẽ điều đó khiến cho tôi, một người đã tiếp xúc thơ Hồng Thanh Quang từ thời còn là một cậu bé ở vùng Kinh Bắc, cho đến khi trở thành một người hoạt động âm nhạc và gắn bó với Xẩm, Ca Trù, Quan họ, Hát Văn… đã nhìn thấy những giai điệu âm nhạc truyền thống nhảy múa trên những ca từ ấy.
Trong chương trình Người đàn ông mùa thu, tôi muốn mọi người cũng nhìn thấy một Hồng Thanh Quang như vậy: Lãng mạn, đa tình, luôn vịn vào những câu thơ như điểm tựa cho tâm hồn và luôn cảm thấy thiếu, và sẽ mãi mãi như cát dã tràng, anh vẫn ngày ngày dệt nên những câu thơ cho cuộc đời.
Bên cạnh đó, còn là một Hồng Thanh Quang của gia đình và của bạn bè, một Hồng Thanh Quang với những góc suy tư về con người và cuộc sống.
Về phần âm nhạc, chủ đạo là những bài thơ được thể hiện trên các nghệ thuật hát văn, hát xẩm, ngâm thơ cổ… đây cũng là lần đầu tiên tôi khai thác âm nhạc của Ca Huế, Quan họ để lồng vào hát thơ Hồng Thanh Quang, hy vọng sẽ mang đến cho khán giả những thú vị mới khi thưởng thức thơ Hồng Thanh Quang.
Cũng trong phần âm nhạc, còn nhiều ca khúc được sáng tác trên lời thơ của Hồng Thanh Quang vốn đã là một trong những đặc trưng tạo nên diện mạo nghệ thuật Hồng Thanh Quang đến với công chúng sẽ được chúng tôi tiếp tục giới thiệu.
Nói chung, tôi hy vọng rằng, việc khai thác thêm nhiều thể loại, làn điệu âm nhạc dân tộc cổ truyền kết hợp cùng những ca khúc sẽ tạo bức tranh đa màu sắc nghệ thuật, tạo thêm nhiều không gian âm nhạc góp phần dệt nên những giai điệu nâng cánh cho lời thơ bay vào thế giới tinh thần của công chúng”./.