(VOV5) - Nguyễn Xuân Sanh - thi sĩ cuối cùng của phong trào Thơ Mới - qua đời sáng 22/11, thọ 100 tuổi.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân - đồng nghiệp của cố thi sĩ - cho biết ông mất tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô vì tuổi cao, sức yếu. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói ba ngày trước, ông kịp đến thăm đàn anh lần cuối ở phòng cấp cứu. Ông viết trên trang cá nhân: "Nhà thơ Mới cuối cùng đã vĩnh biệt chúng ta".
Hôm 9/11, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức chúc thọ nhà thơ tròn 100 tuổi. Dịp này, trong bài báo Nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh tròn 100 tuổi: Người bắc nhịp cầu từ Thơ mới sang thơ hiện đại, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng cho biết Nguyễn Xuân Sanh vốn được các bạn đồng niên như Chế Lan Viên, Huy Cận trân quý bởi bản tính lành hiền, nhỏ nhẹ, chân chất, phong thái sống khoan thai, nhẩn nha, chậm rãi... Ông đôn hậu, hồn nhiên, thành thật với lòng mình không kiêng dè, giấu giữ và cũng không ngại làm mếch lòng ai.
Sách Chuyện vui các nhà văn Việt Nam hiện đại, NXB Thanh niên, 1990, từng trích mẩu chuyện về ông. Tại lễ tổng kết một khóa học tại Trường Bồi dưỡng những người viết văn trẻ ở Quảng Bá, với cương vị hiệu trưởng, Nguyễn Xuân Sanh phát biểu, nhắc nhở học viên cần trau dồi đạo đức, đừng sa đà vào lối sống tự do, bê tha... như một số nhà văn trước Cách mạng. Câu nói đó chạm lòng tự ái của một số nhà văn cùng dự như: Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng... Nhà văn Nguyên Hồng nói "mát": "Như tôi và anh Nguyễn Tuân thì nhiều cái xấu xa lắm, các bạn trẻ đừng nên bắt chước. Có bắt chước thì bắt chước ông Nguyễn Xuân Sanh, cũng là lớp nhà văn cũ đấy nhưng toàn điểm tốt chứ không có điểm gì xấu đâu". Nghe thế, Nguyễn Xuân Sanh không thanh minh, vẫn bình thản đọc tiếp.
Nguyễn Xuân Sanh sinh năm 1920 tại Đà Lạt. Từ nhỏ, ông theo học ở trường Quốc học Quy Nhơn (cũ), sau đó chuyển ra Hà Nội. Ở tuổi 15, ông ra mắt trường ca Lạc loài, được nhà phê bình Lê Tràng Kiều - chủ bút Hà Nội báo giới thiệu, cho đăng liên tiếp 13 số báo. Tác phẩm đầu tay của ông phá vỡ những chuẩn mực thơ truyền thống, với những câu như: "Gió trắng se mùa thơm dáng liễu/ Xa vời nẻo nhạt xanh buồn xanh...". Một năm sau, ông viết bài Xây mơ tặng Chế Lan Viên - người bạn hàng xóm thuở ấu thơ, được Nguyễn Xuân Khoát phổ nhạc thành ca khúc cùng tên.
Năm 1939, khi đã thành danh trên văn đàn, Nguyễn Xuân Sanh cùng năm văn nghệ sĩ (Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung và Nguyễn Xuân Khoát) thành lập nhóm Xuân Thu Nhã tập. Với đông đảo đồng nghiệp, ông là người bắc nhịp cầu đầu tiên từ Thơ Mới sang thơ hiện đại. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy, cố thi sĩ là người khởi động cuộc chạy tiếp sức của thơ Việt vào hiện đại với tác phẩm Buồn xưa: "Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi/ Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y/ Rượu hát bầu vàng cung ướp hương/ Ngón hường say tóc nhạc trầm mi...". Nhà thơ Hữu Thỉnh đánh giá Nguyễn Xuân Sanh đóng góp lớn trong việc cách tân thơ, đào tạo nhiều nhà văn, dịch giả trẻ, giới thiệu nhiều tác giả văn học lớn của thế giới với bạn đọc trong nước.
Gần 80 năm cầm bút, Nguyễn Xuân Sanh để lại gia tài thơ ca đồ sộ. Xuân Thu nhã tập là cuốn sách xuất bản đầu tiên của của nhóm năm 1942. Ngoài tác phẩm văn xuôi Anh hùng Trần Đại Nghĩa (1953), ông là tác giả của nhiều tập thơ: Chiếc bong bóng hồng (1957), Tiếng hát quê ta (1958), Nghe bước xuân về (1961), Quê biển (1966), Đảo dưa đỏ (1974), Đất nước và Lời ca (1978), Tuyển tập Nguyễn Xuân Sanh (1991), Một vườn thơ năm châu (1997), thơ văn xuôi Đất thơm (viết 1940-1945, in 1995). Ông là dịch giả thơ cho nhiều nhà thơ các nước (Ba Lan, Nga, Luxembourg, Pháp, Canada, Israel, Sénégal, Rumani, Bungary, Đức...) qua các tập thơ dịch: Thơ Victor Hugo (1986), Tuyển tập thơ Pháp (ba tập, 1989-1994), Toàn tập 11 tác phẩm của nhà thơ Thụy Điển Tomas Tranströmer (1995)...
Năm 1951, ông nhận giải thưởng ngoại hạng Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm Anh hùng Trần Đại Nghĩa. Năm 2001, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Nguyễn Xuân Sanh có cuộc hôn nhân hạnh phúc cùng vợ - nhà văn Cẩm Thạnh. Ông từng viết bài thơ Trước xuân, thăm chùa Hương tặng người vợ hiền thục luôn sát cánh bên chồng. Ông bà có hai người con, trong đó, con trai đầu Nguyễn Việt Lưu đã hy sinh tại chiến trường Phú Yên năm 1968. Những năm về già, vợ chồng ông được con gái - PGS-TS Nguyễn Việt Triều - nguyên cán bộ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, phụng dưỡng./.