Cuộc trưng bày ảnh của 4 nhà báo, từng là Tổng Biên tập một số tờ báo, nay đã “rửa tay gác kiếm”, chính là thể hiện sự cái “chất” lãng mạn nhưng cũng đầy trải nghiệm về cuộc sống.
Từ phải sang: nhà báo Phạm Tiến Dũng, NSNA Vũ Huyến,Nhà báo Nguyễn Phong Doanh, nhà báo Nguyễn Như Phong, KTS Nguyễn Tuấn Anh. |
Đó là nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến; nhà báo Phạm Tiến Dũng, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh; nhà báo chuyên viết phóng sự Nguyễn Như Phong và nhà báo Nguyễn Phong Doanh, nguyên Tổng Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong và Hoa học trò.
Nghệ sĩ Vũ Huyến là nhà nghiên cứu lý luận phê bình nhiếp ảnh; được phong tặng Nghệ sĩ nhiếp ảnh có cống hiến xuất sắc. Ông đã được nhiều giải thưởng lớn về nhiếp ảnh như Giải thưởng ảnh báo chí OIJ (các nước xã hội chủ nghĩa); Giải thưởng ảnh xuất sắc các nước Châu Á - Thái Bình Dương; Giải thưởng xuất sắc về sách của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam VAPA.
NSNA Vũ Huyến trả lời phỏng vấn báo chí. |
Ông là một nhà báo đa năng: Viết báo, chụp ảnh báo chí và nghệ thuật, người biên tập sách và bình luận nhiếp ảnh, là giám khảo nhiều cuộc thi quốc gia, tham gia giám khảo ảnh quốc tế.
Là người chuyên chụp ảnh đời thường, chú ý khai thác tâm lý số phận những người lao động bình thường. Ông chụp theo lối tự nhiên, không bố trí, sắp đặt và đằng sau mỗi bức ảnh là những câu chuyện, sự chia sẻ và thật sự gần gũi với số phận những người lao động bình thường.
Nhà báo Phạm Tiến Dũng gần như cả cuộc đời gắn với nhiếp ảnh. Trưởng thành từ một phóng viên ảnh của TTXVN, ông đã đảm nhiệm các chức vụ Phó Tổng biên tập Phụ trách Báo Ảnh Việt Nam, Trưởng ban Biên tập ảnh TTXVN, rồi Tổng Biên tập Tập chí Nhiếp ảnh. Dù ở cương vị nào thì chiếc máy ảnh luôn là vật bất ly thân của ông, bởi với ông, máy ảnh là cây bút, là phương tiện để ghi lại những khoảnh khắc trong dòng chảy của cuộc sống.
Những hình ảnh rất độc đáo về bộ tộc Maasai của nhà báo Phạm Tiến Dũng thu hút người xem. |
Nhà báo Phạm Tiến Dũng đi rất nhiều và chụp rất nhiều, qua ống kính, ông kể lại những câu chuyện về những nơi mình đã đi, những người mình đã gặp, những buồn vui của cuộc đời… Tại cuộc trò chuyện bằng ảnh này, ông mang tới cho người xem những hình ảnh rất độc đáo về bộ tộc Maasai, những người sống gần như nguyên thủy trên thảo nguyên rộng lớn ở Kenya và Tanzania mà ông ghi lại được trong chuyến đi thám hiểm Phi châu gần đây.
Nhà báo Nguyễn Phong Doanh rất mê chụp ảnh. Và xem ra, khi tuổi càng cao thì ông càng “nghiện chụp ảnh” hơn. Ảnh của ông giản dị, rất đời thường và ảnh của ông là phục hồi và tạo dựng ký ức.
Nhà báo Phong Doanh không tạo ra những góc chụp lạ, không tạo ra một thứ ánh sáng lạ và không “dàn dựng” không gian cũng như bố cục những bức ảnh của mình. Ông nhìn thẳng vào hiện thực và lưu giữ hiện thực ấy.
Nhà báo Nguyễn Phong Doanh chụp hình lưu niệm cùng gia đình bên những bức ảnh quê nhà giản dị của mình. |
Nhà báo Phong Doanh đã dựng lên những trang hồ sơ trung thực nhất và vô cùng xúc động về đời sống thôn quê Bắc bộ Việt Nam thông qua chính gia đình mình.
Với một ý thức và cách diễn đạt trong những bức ảnh của mình, Nhà báo Phong Doanh đang lập ra một hồ sơ chính xác nhất về gia đình mình, làng quê mình. Và bộ hồ sơ ấy có chức năng phục hồi ký ức cho những người đã sống trong một gia đình, trong một làng quê như vậy và tạo dựng ký ức cho những thế hệ sau về một đời sống của các gia đình và làng quê Bắc bộ mà họ chưa từng được biết.
Nhà văn Nguyễn Như Phong, ông biết chụp ảnh trước khi biết viết phóng sự. Sau này, khi bước vào nghiệp viết văn, viết báo, chiếc máy ảnh cũng luôn theo sát ông như cây bút. Ống kính của ông cũng đã có hình ảnh của gần 40 quốc gia mà ông đã đến, trong đó có những địa danh không mấy người đã tới như sa mạc Sahara, vùng cực Bắc nước Nga, vùng hoang mạc Venezuela, rừng rậm Amazon…
Trong cuộc trưng bày ảnh lần này, ông tập trung vào chủ đề về các công trình và người lao động Dầu khí - Một lĩnh vực mà ông gắn bó từ khi còn là phóng viên báo Công an nhân dân. Vào năm 1986, ở thời điểm đó phóng viên được ra giàn khoan chỉ có vài ba người.
Bốn người “chơi ảnh” với bốn phong cách khác nhau… chắc chắn sẽ mang đến với độc giả một cảm giác về một cuộc đối thoại thị giác đầy thú vị.