(VOV5) -Một “canh hát” trống quân thường có đủ bốn đôi nam nữ, có thể diễn ra vài đêm...
Dạ Trạch là địa danh nổi tiếng, nằm giữa châu thổ Bắc Bộ. Nay là tên gọi của một xã của huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Nơi đây có đầm Dạ Trạch nổi tiếng, là căn cứ địa hiểm yếu của Triệu Việt Vương (524-571) đánh đuổi quân nhà Lương về phương Bắc, dựng lại nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế. Cổ tích kể lại rằng vài ngàn năm trước, vào thời Hùng Vương, nơi đây có mối tình thơ mộng giữa công chúa Tiên Dung và Chử Đồng Tử, bắt nguồn từ một bãi lau sậy ven bờ sông Hồng.
Về Dạ Trạch hôm nay, được nghe các lão làng kể chuyện đánh giặc và câu chuyện Chử Đồng Tử, lại được thưởng thức điệu hát Trống Quân. Có lẽ tên gọi Trống Quân xuất phát từ các chiến tích của đội quân đánh giặc năm nào, đánh trống để hát mừng công chăng?
Một “canh hát” trống quân thường có đủ bốn đôi nam nữ, có thể diễn ra vài đêm và gồm các trường đoạn: hát chào, hát mời trầu, hát giao duyên, hát họa (hát đố), hát thách cưới, hát chia tay. Đáng chú ý là nhiều câu hát đối đáp, sáng tác ứng phó tại chỗ nên khá sinh động, hấp dẫn. Điệu hát thường gần với nói lối, ngâm thơ, hát ru theo vần điệu lục bát. Ngày nay, đôi khi nghệ nhân còn đệm thêm các điệu Cò lả, Sa mạc để cho làn điệu thêm mượt mà. Có lúc, họ sử dụng kỹ thuật đảo câu chữ, luyến láy độc đáo của riêng cách hát trống quân Dạ Trạch.
|
Dạ Trạch hôm nay đã có Câu Lạc Bộ hát trống quân được những người hát giỏi tự nguyện thành lập. Họ góp phần đào tạo thế hệ trẻ nối nghề hát. Trong xã có 6 nghệ nhân ưu tú và họ là những người tham gia giảng dạy làn điệu trống quân cho nhiều trường học ở tỉnh Hưng Yên. Với cuộc sống hiện đại ngày nay, hát trống quân Dạ Trạch có phần biến đổi, cải biên và giao hòa với các làn điệu dân ca Bắc bộ khác. Chính các điệu hát mộc mạc, trữ tình này như nguồn gen quý hiếm để bảo tồn cái căn cước của người Việt mãi mãi. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà điệu hát này được xếp hạng “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” theo Quyết định số 4036/QĐ-BVHTTDL ngày 21/11/2016.
Một “canh hát” trống quân thường có đủ bốn đôi nam nữ. |
Âm thanh của trống quân khá độc đáo, ấm áp và dứt khoát, vì thế mà trống quân thường dùng để giữ nhịp cho bài hát và gần với nhịp điệu đơn giản của trống trận. |
Chiếc trống được người Dạ Trạch chế tạo khá đơn giản: trước tiên, họ đào một cái hố, sâu khoảng 20-30cm đổ vỏ ốc xuống. |
Trên miệng hố được bắc 4 thanh gỗ mỏng để khi đặt miệng thùng sẽ được cách đất để tạo khe thoát âm... |
... rồi úp một cái thùng gỗ (cao khoảng 45-50cm, đường kính khoảng 35-45cm) lên trên hố đào. Tiếp theo, người ta căng sợi mây ra và đóng lút 2 đầu cọc xuống nền đất rắn. Họ phải tính toán làm sao để khi kéo sợi dây mây gác lên nạng gỗ đặt trên cái thùng, nó phải đạt một độ căng tối đa để đảm bảo tiếng vang của trống quân. |
Cách đánh nhạc cụ này khá đặc biệt: dùng dùi đánh vào dây mây. Dây mây rung lên chạm vào mặt thùng gỗ phát ra âm thanh. Âm thanh lại được khuếch đại qua cái hố đất. Vì thế, dân địa phương cũng gọi trống quân là “trống đất”. |
Để điệu hát trống quân gần gũi hơn với đời sống, không bị mai một, các nghệ nhân trong CLB Trống quân Dạ Trạch đã tích cực mở lớp truyền dạy, bồi dưỡng, kết nạp thêm các hội viên, trong đó tập trung vào thế hệ trẻ. |