Áo dài: góc nhìn về vẻ đẹp văn hóa Việt

(VOV5) - Đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, áo dài luôn được tôn vinh và giá trị của áo dài chính là để quảng bá hình ảnh Việt Nam. 

Cùng với những phong tục truyền thống,  với ẩm thực dân tộc, áo dài là một phần không thể thiếu trong đời sống của người Việt. Đặc biệt, đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, áo dài luôn được tôn vinh và giá trị của áo dài chính là để quảng bá hình ảnh Việt Nam. Phóng sự sau đây sẽ giúp quý thính giả hiểu về tình cảm của những người con Việt luôn nỗ lực quảng bá vẻ đẹp của áo dài ra thế giới:

Nghe âm thanh tại đây:

Sang định cư tại Áo, theo đuổi ngành thời trang, nhà thiết kế La Hồng tâm niệm trong các sản phẩm của mình phải luôn luôn có áo dài Việt. Vì thế, trong những thiết kế của ông, ngoài những sản phẩm hiện đại, áo dài vẫn không thể thiếu và luôn có mặt trong các phòng triển lãm. Nhà thiết kế La Hồng chia sẻ: Mình có thiết kế đồ thời trang kiểu gì đi nữa, trong tâm của mình, mình luôn muốn phải có một chiếc áo dài. Đó là nền tảng trong thiết kế của mình. Chiếc áo dài luôn thông hành với mình trong nhiều bước. Chiếc áo dài luôn được tôn vinh và trình bày cho mọi người xem.
Áo dài: góc nhìn về vẻ đẹp văn hóa Việt - ảnh 1Nhà thiết kế La Hồng với những sản phẩm do ông thiết kế 

Đam mê sáng tạo, nhà thiết kế La Hồng đã tạo ra nhiều sản phẩm hiện đại, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng nước ngoài. Và áo dài cũng được ông suy nghĩ làm sao phải vừa giữ được vẻ đẹp truyền thống, nhưng cũng pha trộn được sự mới mẻ, để không chỉ là người Việt Nam mà còn cả bạn bè nước ngoài có thể mặc và hiểu được giá  trị của sản phẩm này: Hôm nay mình nhận thấy bổn phận rõ ràng, không những chỉ thiết kế áo dài mà còn làm mẫu áo dài hôm nay phải đẹp hơn, thời trang hơn, để trên toàn cầu mọi người yêu nó, hiểu nó và tất cả mọi người đều có thể sử dụng được và có ít nhất 1 chiếc áo dài trong ngăn tủ. 

Áo dài: góc nhìn về vẻ đẹp văn hóa Việt - ảnh 2Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN

Mong muốn mang áo dài quảng bá ở nước ngoài, để bạn bè quốc tế biết về Việt Nam qua trang phục truyền thống, mỗi người Việt có cách tiếp cận khác nhau. Chị Minh Hạnh, người Việt tại Pháp luôn mặc áo dài Việt trong các sự kiện ở nước ngoài. Chị cũng sưu tầm khá nhiều áo dài của các nhà thiết kế Việt Nam để cung cấp cho các bạn thanh niên người Việt mặc tại các lễ hội truyền thống. Những chiếc áo dài với những hình ảnh Việt Nam và Pháp đã mang đến nhiều thông điệp, khiến bạn bè quốc tế rất thú vị: Người ta nghĩ tới Việt Nam hay nghĩ đến áo dài. Các bạn sinh viên trình diễn áo dài màu sắc khác nhau, hình ảnh khác nhau. Tà áo dài mang tới nhiều thông điệp, từ chất liệu, hình ảnh. Điều đặc biệt là khi mình nói với mọi người là áo dài của mình có thể mặc hàng ngày thì các bạn cũng nói, không phải đất nước nào cũng giữ được điều đó.

Áo dài: góc nhìn về vẻ đẹp văn hóa Việt - ảnh 3

Từ suy nghĩ thiết kế áo dài cách tân phù hợp với cuộc sống đương đại, nhà thiết kế La Hồng mong muốn, bạn bè quốc tế hiểu được áo dài truyền thống qua các trang phục cách tân. Đồng thời, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam, đất nước Việt Nam: Tại sao mình cắt chiếc áo dài cho bạn bè nước ngoài mới mẻ hơn, hiện đại hơn, để hợp thời thì họ dễ tiếp nhận hơn, dễ thưởng lãm hơn và họ yêu thích thời trang Việt. Khi họ biết đến thời trang của mình rồi, thì mình mới có thời gian để giới thiệu cho họ hiểu được áo dài là thế nào, áo dài truyền thống là như thế nào. Từ đó, các bạn sẽ hiểu được Việt Nam, qua một góc thôi, giúp cho các bạn hiểu được đất nước Việt Nam.

Áo dài: góc nhìn về vẻ đẹp văn hóa Việt - ảnh 4Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm câu lạc bộ di sản áo dài Việt Nam

Áo dài với giá trị to lớn luôn được tôn vinh trong cộng đồng người Việt ở các nước ngoài. Đó cũng là thể hiện niềm tự hào của người Việt, nhất là với phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài. Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Chủ nhiệm câu lạc bộ di sản áo dài Việt Nam cho rằng: Chúng ta cứ ra nước ngoài, khi nhìn thấy một người phụ nữ mặc áo dài là họ luôn tự hào tôi là người Việt Nam. Chúng tôi đang có kế hoạch để các câu lạc bộ chị em phụ nữ việt kiều ở các nước sẽ có hoạt động của câu lạc bộ di sản áo dài, tôn vinh văn hóa Việt Nam qua áo dài Việt Nam để trở thành di sản văn hóa phi vật thể.Vì đời sốngvăn hóa thông qua trang phục là hiện hữu và đồng hành cùng quảng bá khác. Vì từ chính khách đến người dân bình thường đều mặc áo dài.

Áo dài: góc nhìn về vẻ đẹp văn hóa Việt - ảnh 5Chị Nguyễn Minh Hạnh và các bạn trẻ người Việt tại Pháp trong một sự kiện văn hóa

Với niềm tự hào về văn hóa dân tộc, tự hào về trang phục truyền thống mà điển hình là áo dài Việt, mỗi người con Việt Nam dù sống ở bất kỳ đâu vẫn luôn trân trọng và gìn giữ những giá trị cội nguồn. Trong hành trình đưa áo dài trở thành di sản văn hóa, luôn có sự nỗ lực và đồng hành của những người con xa xứ. Họ luôn hiểu được giá trị từ vẻ đẹp của áo dài để quảng bá hình ảnh về Việt Nam tại nước ngoài.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác