(VOV5) - Có thể dễ dàng nhận thấy nét Việt qua tà áo dài và tình yêu khi các chị chia sẻ những cảm nhận về quê hương mình.
Sống ở một quốc gia đa sắc tộc, với ba ngôn ngữ, nhưng những người Việt Nam tại Malaysia luôn ý thức việc gìn giữ văn hóa, nhất là cho thế hệ sinh ra và lớn lên ở nước sở tại. Chia sẻ của những phụ nữ Việt Nam tại Malaysia qua bài viết sau đây là một góc nhìn về việc gìn giữ bản sắc Việt Nam ở nước ngoài:
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Có thể dễ dàng nhận thấy nét Việt qua tà áo dài và tình yêu khi các chị chia sẻ những cảm nhận về quê hương mình. Với chị Trần Nguyệt Trân, nhớ và nói được tiếng Việt là nhờ nỗ lực trong nhiều năm gìn giữ bởi gia đình chị sống ở nước ngoài đã quá lâu. Lần đầu tiên trở về , chị Trân cảm thấy xúc động và đầy thương mến vì đây là quê hương của mình. Tình cảm đó chị luôn trân trọng và gìn giữ khi sống ở nước ngoài. Đặc biệt, chị tình nguyện dạy tiếng Việt cho những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở nước sở tại vì các em không biết tiếng Việt. Chị Trân chia sẻ:“ Tôi dạy tiếng Việt bên đó. Có một chiếc bàn cho mấy bé học. Tôi mua thêm vài chục chiếc ghế để cho các bé ngồi viết. Giúp cho mấy đứa bé không biết nói Tiếng Việt. Con tôi rất thích đồ Viêt Nam. Nấu cơm tấm là thích nhất. Tôi kể rất nhiều về Việt Nam, về cuôc sống và giáo dục gia đình. Khi trở về chỉ đi phát gạo cho người nghèo làm được gì thì sẽ tham gia”.
Chị Trần Nguyệt Trân và chị Phạm Thị Trinh trong khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt |
Ngược lại, chị Phạm Thị Trinh lại thường xuyên trở về Việt Nam. Khi các con còn nhỏ, hè nào, chị cũng đưa các con về thăm quê, thăm gia đình, họ hàng, để các con có cơ hội giao tiếp tiếng Việt và hiểu về quê hương.. Tham gia Câu lạc bộ Phụ nữ Việt Nam ở Malaysia, chị Trinh có điều kiện gặp gỡ, giao lưu và tổ chức nhiều hoạt động với các chị em khác. Chị Trinh cho biết:“ Bão lụt hay anh chị em có ốm đau đưa mạng fb để thông báo. Khi mà Câu lạc bộ phụ nữ tổ chức, cử một số đại diện đi. Nhiều hoạt động lắm, lễ tết có, ca nhạc, nấu nướng, chị em xa nhà tập hợp, rồi các em lao động gặp gỡ, trẻ em trình diễn văn nghệ”
Là người phụ nữ Việt lấy chồng Malaysia, không vì thế, chị Trinh quên đi những phong tục, tập quán của dân tộc mình. Đối với chị, gia đình rất quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa nên cho dù sống ở nước ngoài đã lâu, nơi ngôn ngữ Việt không được coi trọng nhưng các con chị, sinh ra và lớn lên tại đây vẫn giữ được tiếng Việt vì chị vẫn cố gắng nói chuyện với các con hàng ngày.
Không chỉ giúp các con nói tiếng Việt, mà còn giúp người Việt nhớ đến văn hóa dân tộc là mong muốn của chị Thanh Vân. Kinh doanh nhà hàng món Huế, rồi tham gia các tổ chức Hội người Việt đã tao cho chị có điều kiện hỗ trợ phụ nữ Việt Nam tai Malaysia gìn giữ bản sắc dân tộc:“ Tiếng Việt rất khó vì con cái đi học cả ngày. Nhưng cố gắng nói với các cháu tiếng Việt và dịch ra tiếng Anh để các cháu có thể nói. Đối với Malaysia phải có thời gian rất dài, có sự quan tâm của sứ quán và của các anh chị bên văn hóa thông tin để đẩy phong trào, kêu gọi và gợi được về nền văn hóa Việt. Mình cũng hay về Việt nam để tìm những món ăn miền bắc”.
Luôn tự hào về nguồn cội, những người Việt Nam tại Malaysia hàng ngày, hàng giờ hướng về Tổ quốc bằng những việc làm cụ thể: đóng góp ủng hộ đồng bào trong nước, tham gia các chương trình kết nối việc làm hoặc trở về để dự các lớp tập huấn giảng dạy tiếng Việt. Những người Việt tại Malaysia cũng luôn ý thức giáo dục cho con em của mình về việc gìn giữ những giá trị của văn hóa Việt.