(VOV5) - "Cha tôi mất khi tôi còn nhỏ, đến bây giờ rất nhiều chuyện về cha tôi, tôi không nhớ được nhiều, cho nên các tài liệu này làm tôi nhớ lại và hiểu thêm cuộc đời cha tôi”.
Đó là tâm sự của ông Trần Gia Kỳ, kiều bào Mỹ khi tìm thấy tư liệu về cha mình tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Hà Nội.
Trong hành trình đến nhiều nước nhằm tìm kiếm thông tin để viết truyện ký về cha - người từng mở ngôi trường tiểu học cho Hoa kiều tại Hải Phòng những năm 1930, ông Trần Gia Kỳ, người Việt tại Mỹ đã đến nhiều nước như Trung Quốc, Pháp… trước khi đến với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ở Hà Nội.
Ông Trần Gia Kỳ, kiều bào Mỹ khi tìm thấy tư liệu về cha mình tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I |
Ông Kỳ cho biết, gia đình ông gốc ở Quảng Châu, Trung Quốc. Đầu thế kỷ XX, gia đình ông sang sinh sống tại Việt Nam. Cha ông tên là Trần Khánh Trù, sau hàng chục năm sống ở Việt Nam, đầu những năm 1930, cha ông mở công xưởng làm gạch hoa ở Hải Phòng, lúc đó làm ăn khá tốt. Vào cuối những năm 1930, cha ông bắt đầu làm vận chuyển xi măng từ Quảng Châu Loan sang Hải Phòng để bán.
Ông Trần Gia Kỳ sinh năm 1939, vào thời điểm gia đình làm ăn phát đạt. Thời điểm ấy, cùng với việc sản xuất gạch hoa và kinh doanh xi măng, bố ông, cụ Trần Khánh Trù còn mở một trường tiểu học dành cho người Hoa tại Hải Phòng mang tên Tong On. Đến đầu những năm 1940, ông bị bệnh, sau đó về Quảng Châu và mấy năm sau qua đời tại đó.
Do khi lớn lên, gia đình chuyển sang Mỹ, ông học ngành kiến trúc, thành nghề kiến trúc sư và hiện đã nghỉ hưu, sinh sống tại New York. Ông không giữ được những hình ảnh, tư liệu về gia đình cũng như người cha của mình. Vì vậy, trong hai năm gần đây, ông đã đi khắp 10 thành phố, chủ yếu ở 3 quốc gia: Trung Quốc, Pháp và Việt Nam, để tìm lại tài liệu về cha.
Ở Trung Quốc, ông đã đến Lưu trữ Thượng Hải, Quảng Châu, Trạm Giang... Ở Pháp, ông đã đi tìm tài liệu tại Paris, Marseille...Ở Việt Nam, ông chủ yếu tìm kiếm thông tin ở Hải Phòng và Hà Nội.
Ông cho biết, ở Trung Quốc, ông đã hết sức vui mừng khi tìm được một số ảnh và các mẩu quảng cáo liên quan đến cha mình và công xưởng của cụ ngày xưa: “Quá trình tìm kiếm tư liệu, tôi gặp khá nhiều thuận lợi, nhờ các cơ quan nghiên cứu, lưu trữ ở cả 3 nước tương đối cởi mở, nhiều tài liệu đã mở cửa cho độc giả. Còn các khó khăn chủ yếu là các tài liệu về cha tôi không tập trung. Ngoài ra, do tuổi tác, việc tìm những tài liệu đó rất mất thời gian”.
Và rồi một cơ may đến với ông Kỳ, khi ông được cô Vương Thục Hội, người Trung Quốc, hiện là nghiên cứu sinh trường Đại học Sư phạm Hà Nội, giới thiệu đến với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Ngay sau đó, ông đã tìm tới Trung tâm, với hy vọng tìm tên của cha, thông tin về công xưởng của ông, trường tiểu học Tong On ở Hải Phòng mà ông đã làm hiệu trưởng và các thông tin khác liên quan. Vô cùng may mắn là những thông tin này đều có ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ở Hà Nội, trong đó có cả tên đăng ký đánh thuế vào những năm 1930 của cha ông do Phủ Thống sứ Bắc kỳ xưa quản lý.
Theo ông Kỳ, những tài liệu đó rất quý đối với cá nhân ông: “Trước đây, tôi chỉ nghe người thân nói về cha tôi, qua quá trình sưu tập này, tôi đã tìm được một số chứng cứ về sự nghiệp cha tôi đã làm, và cũng chứng minh một số chuyện tôi biết mà trước đây chưa kiểm chứng được. Tìm được những thông tin này, tôi rất cảm động. Cha tôi mất khi tôi còn nhỏ, đến bây giờ rất nhiều chuyện về cha tôi, tôi không nhớ được nhiều, cho nên các tài liệu này làm tôi nhớ lại và hiểu thêm cuộc đời cha tôi”.
Trung tâm Lưu trữ quốc gia I là đơn vị trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ, hiện bảo quản tài liệu lưu trữ hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trước năm 1945, trong đó chủ yếu là tài liệu của triều Nguyễn và chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương, các sở chuyên môn của chính quyền thuộc địa Pháp ở Bắc kỳ.
Ông Kỳ tâm sự rằng các anh chị làm việc ở phòng Đọc của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I rất nhiệt tình và phục vụ rất chuyên nghiệp. Mỗi khi ông có vấn đề gì không hiểu, các anh chị đều giải thích rất rõ ràng. Không chỉ vậy, trong thời gian ông nghiên cứu tài liệu tại đây, lãnh đạo Trung tâm cũng luôn quan tâm hỏi han xem ông tìm được thông tin mình cần không, có vướng mắc gì hay cần hỗ trợ gì thêm không. “Tài liệu đã được chỉnh lý sắp xếp khoa học và việc tra tìm tài liệu trên hệ thống mạng nội bộ tại phòng Đọc rất thuận tiện. Các thủ tục hành chính cũng nhanh gọn, không có vướng mắc gì. Nói chung tôi rất hài lòng khi nghiên cứu tài liệu tại đây”, ông Kỳ nhận xét.
Ông Kỳ cũng chia sẻ, năm sau, ông dự định sẽ quay lại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I một lần nữa để rà soát thông tin và hoàn thành bản thảo cuốn truyện ký về người cha của mình mà ông đang ấp ủ.