“Bà mang bố mẹ về cho cháu rồi Tuấn Anh ơi”, vừa nói, nước mắt người bà vừa rơi, cậu bé 3 tuổi ngơ ngác mếu máo nhìn bà nội. Cháu đâu biết rằng bà nội vừa đi rước linh hồn bố mẹ của mình bị chết cháy nơi đất khách quê người.
Vượt quảng đường hơn 50km từ thành phố Thanh Hoá, chúng tôi tìm về gia đình bà Lê Thị Miên, thôn 2, xã Cán Khê, huyện Như Thanh - nơi gia đình có 2 trong số 14 nạn nhân xấu số bị chết cháy tại một xưởng may ở Yegoryevsk, cách thủ đô Moscow khoảng 100 km về phía Đông Nam nước Nga hôm 11/9. Trời về chiều, con đường đất ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi vào một làng quê nép mình sau những dãy núi cao ngút ngàn, càng thêm u ám. Hương khói vẫn còn nghi ngút trong ngôi nhà tuềnh toàng, nhỏ hẹp của hai bà cháu nằm chênh vênh bên sườn núi.
Bà Lê Thị Miên đau đớn không biết sẽ cùng cháu sống những ngày tiếp theo ra sao.
Bước vào căn nhà, không ai cầm được nước mắt khi bắt gặp hình ảnh người bà già nua héo úa ôm đứa cháu nội, giọt máu duy nhất của vợ chồng người con trai xấu số đã bỏ bà mà đi nơi đất khách quê người. Mấy ngày nay, bà Miên dường như đã khóc không còn một giọt nước mắt, người phụ nữ một đời tảo tần vẫn không tin đó là sự thật. Cùng một lúc, bà mất đi một đứa con trai ngoan hiền, một đứa con dâu hiếu thảo. Trong căn nhà gỗ cũ kỹ ọp ẹp theo năm tháng, mối mọt đã ăn mòn nhiều chỗ, tiếng nức nở của người mẹ, tiếng gió núi thổi vào khiến không khí càng thêm lạnh lẽo, tang thương.
Tội nghiệp hơn cả là cháu bé 3 tuổi Nguyễn Quang Tuấn Anh, bố mẹ đi làm ăn và để cháu lại cho bà nội từ khi cháu chưa đầy 1 tuổi. Chừng ấy tuổi, cháu chưa thể nhớ được khuôn mặt mẹ, nụ cười của cha. Nhưng từ trong thâm tâm con trẻ, Tuấn Anh vẫn nhắc bố mẹ mỗi ngày. Hôm chúng tôi đến, bà Miên vừa đi rước linh hồn hai con của mình về, bà ôm Tuấn Anh vào lòng rồi vừa khóc vừa nói “bà mang bố mẹ về cho cháu rồi đó Tuấn Anh ơi”, nghe thấy thế cậu bé chỉ ngơ ngác nhìn bà mà không hiểu chuyện gì đang xảy ra rồi bất giác cậu bé hỏi: “Bà ơi, bố mẹ cháu đâu rồi, bà bảo mang bố mẹ cháu về cơ mà”. Câu nói làm lòng người bà tan nát, sống mũi tôi cũng cay xè đau nhói. Cháu chưa đủ lớn để hiểu răng kể từ bây giờ cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ.
“Mây hôm nay cháu nó không hay vui cười như mọi ngày, mặt lúc nào cũng buồn rười rượi, nó cứ bảo tôi gọi điện sang cho bố mẹ nó để nó nói chuyện. Nó đâu biết rằng bố mẹ nó đã mãi mãi ra đi”.
Cháu Nguyễn Quang Tuấn Anh ngơ ngác khi nghe bà nói “bà mang bố mẹ về cho cháu rồi đó”.
“Cháu nó đi học, thấy bố mẹ đưa bạn đến lớp bằng xe máy, xe đạp còn tôi thì không đi được xe nên chỉ dắt cháu đi bộ mỗi ngày cả vài cây số. Có người đi đường qua thương thì chở hai bà cháu. Nhưng những ngày đó vẫn có niềm an ủi rằng các con của mình khỏe mạnh làm ăn còn giờ đây…”, nói đến đó bà Miên ôm đứa cháu nội vào lòng khóc nức nở.
Bố của Tuấn Anh là Nguyễn Quang Thể, sinh ra trong một gia đình nghèo có 6 anh chị em, anh Thể là con út trong gia đình. Cuộc sống khó khăn, bố Thể ốm nắng rồi bị bại liệt từ năm Thể đang học lớp 7, chỉ có mình mẹ anh tảo tần nuôi anh em Thể nên người.
Anh Thể là đứa ham học nhất nhà, mặc dù gia đình khó khăn nhưng Thể vẫn cố gắng theo đuổi giấc mơ giảng đường và đã thi đậu vào trường CĐ Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh. Nhà nghèo không có tiền, Thể phải làm đủ nghề để trang trải cuộc sống và lo cho việc học hành. Cũng trong thời gian học này, Thể có quen và yêu chị Nguyễn Thị Thoài (quê Quảng Bình), đang làm công nhân may, rồi 2 người nên nghĩa vợ chồng. Nhưng vì quá nghèo khó nên hai người đến với nhau mà chưa có tiền làm đám cưới, họ dự định sẽ đi làm thuê ở Nga về có tiền sẽ tổ chức đám cưới.
Để mong muốn có một tương lai tươi sáng, vợ chồng anh Thể đã gửi đứa con mới tròn một tuổi lại cho bà nội, rồi 2 vợ chồng sang Nga đi làm ăn, vì có vợ chồng chị gái Thoài cũng đang làm ăn tại đây giúp đỡ. Có ai ngờ đâu, sau 2 năm làm việc ở xứ người, tiền 2 vợ chồng lao động quần quật kiếm được vẫn chưa trả hết số nợ vay trước đó, thì đã phải bỏ mạng.
Những ngày qua, dù rau cháo nuôi nhau qua ngày, nhưng bà Miên vẫn hy vọng một ngày tương lai của các con mình sẽ sáng sủa hơn bà, rồi thằng cháu bà cũng sẽ được học hành đến nơi đến chốn, nhưng giờ đây bà không còn biết bấu víu vào đâu. Ngoài 70 tuổi với sức khỏe yếu, tiền sử của cả hai cánh tay bị gãy nên hiện giờ bà Miên không lao động được gì. Nhìn về những ngày sắp tới bà chỉ biết ôm cháu mà khóc, các con của bà cũng nghèo khó không biết có lo được cho hai bà cháu hay không.
Bà tâm sự: “Giờ vợ chồng nó mất rồi, số tiền nợ chưa trả hết tôi biết làm sao đây. Còn nuôi cháu tôi nữa. Có lẽ sắp tới, tôi phải đi ăn mày ăn xin nuôi cháu tôi, rồi hai bà cháu cứ sống được ngày nào hay ngày đó, khi tôi chết đi thì các bác không nuôi được cháu nữa thì phải gửi cháu vào trại trẻ mồ côi nhờ người ta nuôi giúp thôi”.
Tuấn Anh còn quá nhỏ để hiểu từ đây cháu sẽ mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Chỉ lên mái nhà, nơi có lỗ chỗ những ánh sáng rọi vào bà nói: “Căn nhà này dột nát hết rồi, hồi trước nhà nước bảo những hộ nghèo như nhà tôi sẽ cho làm lại nhà và hỗ trợ 15 triệu nhưng nhà tôi làm gì có tiền mà làm lại nhà nên họ lại dành số tiền đó cho nhà khác, thành thử hai bà cháu cứ sống trong căn nhà dột nát này”. Bà cứ nghĩ rằng để các con bà đi làm ăn rồi mai này căn nhà sẽ được sửa sang lại không còn dột nát nữa, ấy thế mà cái ước mơ nhỏ nhoi của người mẹ một đời lam lũ mãi mãi không bao giờ trở thành hiện thực. Đến bây giờ, miếng ăn từng bữa cho đứa cháu tội nghiệp cũng làm bà trăn trở không nguôi.
Chiều đầu thu, gió thốc mạnh từ phía núi vào căn nhà trống huơ trống hoác không cửa, mái nhà chưa kịp sửa sang lại, mưa dột lỗ chỗ nước. Trong ánh đèn nơi bàn thờ nghi ngút khói nhang, bóng hai bà cháu ngả nghiêng nương tựa vào nhau cầu xin nỗi đau nguôi ngoai…
Theo Dantri