(VOV5) - Sự đổi thay của quê hương đất nước và tình cảm thân thiết ở quê nhà là cảm nhận chung của kiều bào khi trở về.
Sự đổi thay của quê hương đất nước và tình cảm thân thiết ở quê nhà là cảm nhận chung của kiều bào khi trở về. Phóng viên Đài TNVN cùng chia sẻ những cảm xúc này của những người con xa quê:
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cảm xúc đan xen khi trở về thăm quê, về lại thủ đô Hà Nội, mảnh đất nơi được sinh ra và lớn lên khiến cho ông Nguyễn Tiến An, người Việt tại Slovakia không khỏi bồi hồi. Còn gì thiêng liêng hơn là được về lại mái nhà, nơi có cha mẹ, người thân yêu, được nhớ tới những điệu hát, lời ru quen thuộc từ tấm bé. Tất cả đã theo ông suốt những năm tháng ở nước ngoài và đó cũng chính là nét văn hóa truyền thống mà mỗi người Việt xa quê mong giữ được: Đi đâu khắp 4 phương trời cũng vẫn nhớ về Hà Nội. Quê hương mình và quan trọng nhất là lời ru của mẹ. Nhớ nhất là tình cảm của người Việt Nam rất gắn bó, thứ hai là những nét đặc trưng, quê hương mình rất là ấm cúng...
CÁc bạn trẻ kiều bào bên ao cá Bác Hồ trong ngày trở về thăm quê.Ảnh: quehuongonline
|
Được về Thủ đô, trái tim của cả nước là mong ước của rất nhiều người Việt xa quê, nhất là đối với những người con sống ở phương Nam. Câu hát: Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác dường như rất phù hợp và đúng với tâm trạng của bà Phùng Ngọc Anh, một người con sống ở phương Nam khi được ra thăm Hà Nội mỗi khi bà từ quê hương thứ hai Đài Loan( Trung Quốc) trở về. Hình ảnh của Hồ Chủ Tịch luôn ở trong trái tim của mỗi người con đất Việt, đúng như bà chia sẻ: Lần nào đi cảm xúc nhớ nhất là đi thăm Lăng Bác. Phía miền nam có cơ hội ra miền bắc thăm Lăng Bác rất khó khăn, không có cơ hội nên lần nào tôi cũng thực sự bồi hồi khi được vào lăng. Khi về Đài Loan sẽ nói cho các cháu về điều này và kể về những phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ.
Mong muốn được trở về và kể lại cho con em mình về quê hương, về một Việt Nam với nhiều danh thắng lịch sử lâu đời, con người thân thiện và đang phát triển đổi thay hàng ngày, hàng giờ là chia sẻ của hầu hết những người Việt xa xứ. Bà Nguyễn Lan Hương, một việt kiều tại Đức cũng luôn tâm niệm: cho dù sống ở đâu cũng không bao giờ được quên nguồn cội. Nhắc tới quê hương nơi mình sinh ra và lớn lên, bà không khỏi nghẹn ngào xúc động:Rất vui khi được trở về tổ quốc, thăm danh lam thắng cảnh. Lần đầu tiên được đến Tràng An, cố đô Hoa Lư, quê hương Ninh Bình của tôi 50 năm, khi ông bà tôi còn sống tôi được về khi tôi 6 tuổi. Ấn tượng, kỷ niệm quê hương không bao giờ phai mờ. Trở về tâm trạng vừa vui vừa buồn khó tả. Mình đến nhiều địa danh chỉ biết qua sách vở bây giờ được đặt chân tới không khỏi bồi hồi xúc động.
Giáo sư Võ Văn Tới từ nước ngoài trở về tham gia giảng dạy tại Đại học quốc tế TPHCM. Ảnh:nhandan.com.vn
|
Tình cảm với nơi mình được sinh ra đã khiến nhiều kiều bào khi trở về luôn muốn được cống hiến, được đóng góp nhiều ý tưởng để xây dựng đất nước. Hội nhập với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 càng đòi hỏi thu hút nhiều hơn nguồn lực của kiều bào. Đó cũng là lý do mà nhiều trí thức việt kiều như ông Denis Duy Nguyễn, một kỹ sư người Việt tại Mỹ suy nghĩ cần có sự góp sức của người Việt ở khắp nơi:Thời điểm này xây dựng đất nước thì lựa chọn công nghệ đúng thì sau này con cháu sẽ được hưởng nhiều. Người nước ngoài có kiến thức khá, trong nước có nhiều người giỏi, nhưng như người ta nói đi môt ngày đàng học một sàng khôn, việt kiều ở mỗi nơi có những cái hay, có đặc thù riêng, người ta phải mang về đóng góp cho đất nước này.
Khát vọng được cống hiến của những người con xa quê, mong muốn được đồng hành cùng sự phát triển của đất nước, mỗi người con đất Việt luôn cảm nhận được sự ấm áp từ trong nước, chính sách ngày càng cởi mở với phương châm: cộng đồng người Việt ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tình cảm đó mỗi người Việt đều cảm nhận được khi họ ở xa và rõ, gần hơn khi trở về.