(VOV5) - Tôi chào đời trên đất khách quê người, nhưng không biết rằng đó không phải là nơi chôn rau cắt rốn của tôi. Mùa thu vàng qua đi, rồi đến mùa tuyết sương lạnh giá, và cả những mùa hoa nở rộ dưới nắng vàng chói chang, tôi cứ lớn lên trên đất lạ nhưng lại thân quen. Tôi những tưởng khung cảnh ấy là của tôi, ngày tháng ấy, mùa hoa ấy và tiếng nói thân thương ấy là của tôi.
Rồi đến một ngày, tôi nhận ra rằng cái tên của tôi mang một âm hưởng xa xôi, không hòa quện với cái âm hưởng rung lên từng giây từng phút quanh tôi. Cái tên tôi đón nhận từ khi khóc chào đời, thế mà mãi đến ngày khôn lớn tôi mới da diết muốn rằng ai đó hãy nói cho tôi về cái tên của tôi.
Cái tên này gắn với một miền đất xa xôi, mà giờ đây tôi mới biết rằng dòng máu của miền đất ấy đang chảy trong tôi. Việt Nam! Cái tên Việt Nam tôi chỉ biết qua những hình ảnh chiến tranh trong những bộ phim Coppola, với những chiếc trực thăng gầm rú trên bãi chiến trường.
Không! Đất nước tôi không phải đầy sự dã man, dày xéo và chết chóc. Các cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt, sẽ chỉ còn lại tấm lòng dịu dàng, trìu mến và đầy tình thương. Tôi muốn biết, muốn trở về để được nhìn mảnh đất ấy, được cảm tâm hồn ấy. Đôi mắt tôi lúc nào cũng bừng lên những bóng hình mà tôi chưa từng biết. Đôi tai tôi lúc nào cũng khao khát với những câu chuyện quê hương, một thời hoàng kim, một thời lãng mạn, và một thời gian khổ. Tôi muốn nghe về cố hương Mắt tôi ánh lên một tấm lòng mà không ai thấy nổi
Và một ngày, trong một góc yên tĩnh của chiếc bản đồ xanh, tôi đã nhìn thấy quê hương tôi. Tôi hỏi mẹ về màu xanh quê hương, về những ngày ấu thơ của mẹ. Tôi đã lớn lên qua những ngày cắp sách tới trường vào mùa thu, đi qua vườn Lúc-xăm-bua rụng lá. Còn mẹ tôi, mẹ tôi bảo bước chân thời thơ ấu của mẹ dẫm trên thảm cỏ xanh đầu làng, trên bờ ao cuối xóm, trong những ngày đi học.
Tôi đã tỉnh ra rằng, quê hương tôi là một thế giới khác hẳn với những gì tôi từng thấy. Quê hương! Tôi chỉ thấy trong mơ. Và khi vừa khôn lớn tôi đã mang nặng cảm xúc muốn trở về.
Thời gian lặng lẽ trôi đi, tôi lớn dần lên với những Mùa Giáng Sinh đầy hoa trắng trên bàu trời giá lạnh, như một cô gái Phương Tây. Ngày ngày tôi đi học với những chiếc kẹo sô-cô-la hấp dẫn. Nhưng chợt giờ đây tôi hỏi mẹ: Trẻ con Việt Nam có ăn nhiều sô-cô-la không mẹ. Mẹ dịu dàng nhìn tôi nói: Không con ạ. Thường những khi đi học về, nhìn mâm cơm đầy món lạ, tôi ngồi ăn vô tư trong đôi mắt trìu mến của ba mẹ. Nhưng hôm nay tôi lại hỏi mẹ rằng: "Những món ăn này có giống Việt Nam không mẹ?" Mẹ tôi lại nhẹ nhàng mỉm cười, chỉ cho tôi những món ăn Việt Nam trên bàn. Con có muốn gọi tên không? Nào hãy nói: nem ... nem ... Mẹ khen giọng tôi đầy chất Việt. Tôi vui lắm.
Đã nhiều năm qua, cứ khi mùa no-en qua đi, nhà tôi lại thêm một lần rực rỡ màu hoa. Mẹ tôi bảo đó là ngày Tết ở quê nhà. Mỗi lần Tết đến trong nhà, tôi lại biết thêm một chút về cái ngày mà mẹ tôi bảo là ngày đoàn tụ gia đình và thăm viếng họ hàng. Tôi biết bánh chưng xanh, được nhìn câu đối đỏ trong một bức tranh cũ kỹ, biết hoa đào ngày Tết, và biết trẻ con được tiền mừng tuổi. Ở tuổi còn thơ, trẻ con Anh chỉ được tặng quà vào Đêm Giáng Sinh, nhưng giờ đây tôi cảm thấy hân hoan muốn được chiếc phòng bì đỏ nho nhỏ đựng tiền mừng tuổi. Tôi hỏi mẹ lệ mừng tuổi trên quê hương có giống ngày tặng quà Boxing day không mẹ. Việt Nam không có ngày mừng tuổi con ạ. Bây giờ khi Tết đến, tôi không hỏi mẹ những điều ấy nữa. Tôi chỉ ngồi trầm ngâm.
Tôi cứ lớn lên như vậy trong lòng nước Anh như bất cứ người con gái Anh nào khác, thích đi bộ dưới nắng vàng chói chang hay ngắm nhìn bông tuyết trắng ngần, ăn theo cách ăn của người Anh, thích fish and chips, mặc theo cách mặc của giới trẻ Anh, quấn quýt yêu thương chú puppy, chỉ thích khi đi học về, ôm lấy đầu nó cho nó nhìn thẳng vào mắt tôi, thích những buổi đi picnic cùng bạn bè, nằm trải dài trên bãi cỏ. Tôi chẳng bao giờ cảm nhận sự khác biệt của mái tóc đen, làn da trắng vàng và khuôn mặt Châu Á của mình. Tôi chỉ hơi cảm nhận điều này vào những buổi tối khi ngồi với mẹ.
Vào những buổi tối mà người Anh gọi là "buổi tối êm đềm" tôi thường ngồi nghe mẹ kể về quê hương. Những lần đầu tôi không có cảm xúc gì lắm vì mẹ kể bằng thứ tiếng Anh ngoại quốc. Sinh ra trên đất Anh, ngôn ngữ Anh đã thấm vào da thịt tôi. Tôi nghĩ theo cách người Anh nghĩ. Tôi nói theo cách người Anh nói. Tôi khóc và cười với những tác phẩm văn học Anh, với những vần thơ Anh. Tâm hồn tôi và sự nhậy bén gắn với cái nhịp đập thân thương của từng câu nói. Mẹ nói với tôi rằng nếu kể cho tôi bằng tiếng Việt thì câu chuyện sẽ đậm đà hơn, nhưng tôi không hiểu tiếng Việt. Cái đậm đà của mẹ không truyền được sang tôi.
Nhưng rồi tôi và mẹ gặp nhau. Tôi yêu âm nhạc. Mẹ cho tôi học hát và học đàn từ nhỏ. Tôi có giọng hát và hay tham gia vào các cuộc thi học trò. Tôi không thích những dòng nhạc mạnh, như pop, rock, còn hip-hop thì làm tôi tức ngực. Tôi thích những bản tình ca êm dịu, ngọt ngào. Mẹ bảo tôi có tính cách của người con gái phương đông. Tôi vui lắm. Mẹ có một quyển sách chép nhạc đã cũ, ghi lại những bài mẹ thích, những bản dân ca và nhạc trữ tình Việt Nam. Thỉnh thoảng mẹ lại hát cho tôi nghe, dạy tôi hát. Có lẽ nhờ những bản nhạc này, tôi đã lại gần với mẹ, lại gần với quê hương.
Và thế là ... tôi phải trở về đất mẹ thôi. Tôi phải đặt chân lên đất mẹ, để chào đất mẹ quê tôi. .
Rồi ngày đó, tôi đã đứng trên phố Tràng Tiền cổ kính. Cuộc sống hiện đại trên quê tôi với những dòng xe không ngớt, với những cửa hàng sáng choang, với những quảng cáo xanh đỏ đầy trời. Tôi không có cảm xúc gì mấy vì hơn hai mươi năm sống trên đất phương Tây tôi đã quá quen với những khung cảnh hào nhoáng này.
Tôi nghĩ đến nước Anh. Tôi nghĩ đến tác phẩm "Mãi mãi nước Anh" của Stuart Millson. Quê hương của nước Anh hiện đại vẫn là những vùng quê rộng lớn, với những thảm cỏ xanh trải dài vô tận vì trong lòng nó là cả một đất nước. Tình cảm thân thương cũng từ đó mà ra.
Tôi tìm đến một miền quê yên tĩnh.
Và ngày ấy tôi đã về khu chợ quê, chợ Đông Hồ. Tôi trở về đây vì có lần mẹ cho tôi xem mấy bức tranh Đông Hồ về cô gái hái dừa, về đám cưới chuột và về đàn lợn âm dương. Mẹ tôi bảo hàng năm Làng Hồ có hội làng vào rằm tháng ba âm lịch. Trong hội làng có những nghi thức truyền thống như tế thần, thi tranh, rất vui vẻ.
Mẹ tôi kể cho tôi về đàn lợn âm dương, con lợn nào cũng có xoáy âm dương được trang trí trên mình để thể hiện sự sinh
sôi, phát triển. Mẹ kể cho tôi về đám cưới chuột. Mẹ nói rằng tranh "Đám cưới chuột " thể hiện triết lí âm dương. Chuột là âm, tượng trưng cho sự phồn thực, đẻ nhiều và có đủ thức ăn. Mèo là dương, tuy xung khắc với chuột nhưng trong niềm vui này mèo chuột giao hòa. Và chuột không quên có lễ trình mèo.
Thực tình tôi chẳng hiểu gì mấy lời mẹ. Tôi chỉ thấy có điều gì đó mơ màng về lễ tiết của con người đất Việt. Giờ đây tôi còn văng vẳng nghe tiếng mẹ tôi ngâm mấy dòng thơ mà mẹ nhớ được về sông Đuống cho tôi nghe hồi nào.
Bụt chùa tĩnh lặng ngắm nhìn tôi. Những giấc mơ dẫn tôi qua những cánh đồng lúa chín. Trong lời nguyện cầu, trong ánh sáng linh tiêng ... tôi nhận biết màu da, tôi tìm thấy linh hồn tôi trong cội nguồn, Tôi lắng nghe cuộc đời tôi bắt đầu từ nơi đây.
Thời gian cứ trôi theo dòng tuế nguyệt. Lại gần 20 năm sống chuân triên nơi đất khách quê người. Tôi chợt nhớ đến cái tên của tôi
Lớn lên em mới hiểu
Sao tên mình là mây
Có phải lòng mẹ muốn
Cho đời con bay bay.
Nhưng rồi cũng như bao lần trước, tôi lại trở về thăm quê hương. Tôi lại muốn đi giữa dòng đời nơi quê nhà.
Tôi đứng bên dòng xe cuồn cuộn chảy quanh tôi, hối hả và chen chúc. Đất nước, quê hương đầy sự đổi thay. Lại như bao lần xưa cũ, tôi muốn dạo quanh những phố Hàng ... Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Hàng Quạt, để lại được rưng rưng bóng hình của những buổi đầu đô thị hóa ngàn xưa.
Tôi đi qua phố Hàng Thiếc. Nhìn quanh những bàn tay đang gõ đập trên vỉa hè, tôi cảm nhận rằng những máy dập của các nhà máy khổng lồ không có được những nét thô sơ mà nghệ thuật của các bàn tay kia mang lại.
Lúc này mùa xuân đã trở lại. Tôi muốn xa lánh cảnh phồn hoa để đến với những giá trị cuộc đời mà tôi hằng ôm ấp. Tôi rẽ vào ngõ nhỏ, tìm lại nhà người thày giáo năm xưa đã dạy tôi tiếng Việt vào những ngày hè tôi về nước, người thày đã mang đến cho tôi khả năng cảm xúc bằng tiếng mẹ đẻ của tôi. Vẫn là ngõ nhỏ, vẫn ngôi nhà đơn sơ. Tôi rất hiểu người thày đất Việt. Nếu những người thày phương tây dành cả tinh thần trách nhiệm cho người trò của mình thì người thày đất Việt còn có thêm tấm lòng và một tâm hồn đáng kính. Và cũng chính nhờ tấm lòng ấy mà cái văn hóa phong bì tôi đã từng nghe thấy không khoét sâu vào được tâm hồn ấy. Những cuộc hội ngộ đơn sơ với thày lần nào cũng làm tôi cảm động lắm. Cứ khi ngồi với thày tôi lại thấy lại màu da của mình, thấy lại nhành cây đã lớn, cảm nhận lại cội nguồn và trong lòng lại bừng lên lòng tin vào sự bắt đầu của một cuộc đời. Tết đã gần kề. Tôi đi ra phố, tìm đến khu Văn Miếu.
Năm nào trở lại quê hương tôi cũng mang một chữ về nơi đất khách. Nhìn bàn tay ông đồ viết chữ, hình như nó đang mang lại hồn Việt mà những tháng ngày còn trẻ tôi đã từng mơ tìm thấy trên đất quê hương.
Nhìn bàn tay ông đồ viết chữ, hình như bàn tay ấy nổi lên nét tài hoa mà tôi không thể nào nói ra được.
Cũng như những họa sĩ tài hoa phương tây có một thời ngồi trên phố đông người qua, vẽ xuống lòng đường tâm hồn mình, cũng như những danh tài âm nhạc đã từng ôm cây đàn trước phố để được lén nhìn khuôn mặt đắm đuối của người nghe, họ như có vẻ là những người muôn năm cũ mà tâm hồn của họ thấm vào lòng đất mẹ, không bao giờ phai. Tôi thích những giây phút lắng đọng này lắm.
Hôm nay tôi lại được nhìn hoa đào nở. Cứ khi ở lâu một chút trên đất Việt, tôi lại nhớ cuộc sống tha hương. Nhưng khi xa đất Việt tôi lại muốn trở về. Tôi không thể nào quên được mảnh trăng mùa thu và mùi hương cốm mới. Tôi luôn muốn trở về làm điều gì đó cho quê hương./.