(VOV5) - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nên xây dựng được quy trình giám sát, phản biện, và trao cho các thành viên ủy viên MTTQ Việt Nam những trách nhiệm cụ thể
Nghe âm thanh tại đây:
Trong những năm qua, Việt Nam ngày càng thực hiện tốt hơn việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc thông qua hoạt động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam, đặc biệt với người Việt Nam ở nước ngoài qua đại diện là các Ủy viên Trung ương của mặt trận ở ngoài nước. Tăng cường ngoại giao nhân dân, và giám sát phản biện, là hai vấn đề mà các ủy viên trung ương mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam ở nước ngoài nhắc tới trong việc đóng góp ý kiến, nội dung cho các chương trình hành động của nhiệm kỳ Mặt trận tổ quốc Việt Nam khóa 9.
Kỹ sư Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam, người sưu tập và công bố nhiều bản đồ quý về chủ quyền biển đảo Việt Nam, đã được bầu hai kỳ ủy viên trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam. - Ảnh: Anh Trần Thắng giới thiệu với khách về bản đồ chứng minh Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam. |
Đây là lần thứ 2 được bầu là ủy viên Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, tham gia MTTQ Việt Nam khóa 9, anh Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa – giáo dục Việt Nam tại Hoa kỳ cũng rất trăn trở về những mặt cần phát triển của ngoại giao nhân dân trong công tác của mặt trận tổ quốc: “Những giải pháp, những công việc cụ thể thì có nhiều. Đối với cá nhân tôi hoạt động về mảng giáo dục và văn hóa 20 năm tại Mỹ, tôi thấy vấn đề tiếp xúc với những trường Đại học, những trung tâm văn hóa trên hai lĩnh vực là giáo dục và văn hóa rất hiệu quả, được nhiều trường đại học, nhiều tổ chức tại Mỹ ủng hộ. Đó là cái nguồn để mình có những công việc cụ thể, tạo giải pháp cụ thể cho vấn đề ngoại giao nhân dân.”
Chị Phan Bích Thiện, Chủ tịch Quỹ Vì quan hệ Hungary - Việt Nam, là Ủy viên Trung ương MTTQ Việt Nam 3 nhiệm kỳ. |
Nhưng muốn hoạt động ngoại giao nhân dân hiệu quả, theo chị Phan Bích Thiện, người đã tham gia Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam ba nhiệm kỳ, thì ngày càng thấy vai trò quan trọng của các hội đoàn, thường là nơi có vị trí pháp lý trong các mối quan hệ chính thức với chính quyền sở tại, cũng như là nơi tập hợp cộng đồng, định hướng hoạt động chung để cộng đồng tích cực hòa nhập với nước sở tại.
Khi người Việt ở nước ngoài đã có tới thế hệ thứ hai, thứ ba, thậm chí thứ tư, và những người Việt trẻ trong nước sang lao động, học tập, thì hoạt động cộng đồng có vững mạnh mới giúp cho hoạt động đối ngoại nhân dân trường sức, lâu bền: “Đấy là vấn đề mấu chốt. Tôi nghĩ bây giờ các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài phần lớn bao gồm thế hệ thứ nhất chúng tôi, nhưng dần dần chúng tôi cũng lớn tuổi, già đi. Làm sao để cộng đồng đó vẫn được hoạt động tốt, nghĩa là phải thu hút được thế hệ trẻ; cũng phải thay đổi để làm sao phù hợp với tư duy của các bạn trẻ nhưng vẫn giũ được bản sắc của Việt Nam.” – Chị Phan Bích Thiện khẳng định.
Một gian trưng bày nón lá Việt trong Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc - Ảnh: TTXVN |
Đồng tình với vấn đề này, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam ở Oxtraylia chia sẻ, hoạt động của Mặt trận tổ quốc Việt Nam được Hội doanh nhân phổ biến trong các thông tin thiết thực, cần thiết về chính sách, pháp luật: “Thông báo, truyền đạt những công tác đối ngoại nhân dân, hoặc thông báo cả các nghị quyết cho người Việt Nam hiểu được là chính sách nhà nước Việt Nam có những điều khoản tạo điểu kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài sinh sống cũng giống như người Việt Nam đang ở trong nước”
Về một chức năng quan trọng khác của Mặt trận tổ quốc, là giám sát phản biện xã hội, theo anh Trần Thắng, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nên xây dựng được quy trình giám sát, phản biện, và trao cho các thành viên ủy viên MTTQ Việt Nam những trách nhiệm cụ thể:: “Thực tế với khóa 8 trong 5 năm qua, với vai trò là một Ủy viên trung ương thì tôi không có hoạt động giám sát phản biện mặc dù tôi có chuyên môn về giáo dục và khoa học kỹ thuật, làm công việc này giám sát phản biện rất tốt. Tôi có kỳ vọng Mặt trận tổ quốc Việt Nam xây dựng quy trình giám sát phản biện để cho tất cả các ủy viên có chuyên môn tham gia. Hai nữa là mặt trận tổ quốc Việt Nam phải xây dựng được một khung pháp lý song song với giám sát phản biện, để các công việc giám sát phản biện có hiệu quả hơn.”
Muốn tăng cường giám sát phản biện, theo anh Trần Thắng, MTTQ Việt Nam nên xây dựng các ủy ban chuyên trách để phân công, theo dõi sát sao: “Ví dụ ủy ban về giáo dục, ủy ban về khoa học giáo dục, ủy ban về môi trường, về những vấn đề xã hội vv…Trong mỗi ủy ban như vậy phải có những người chuyên trách, có những người chuyên môn riêng, để có thể giám sát, phản biện được. Trong MTTQ Việt Nam có 380 vị ủy viên, mỗi người có những chuyên môn khác nhau. Nếu MTTQ Việt Nam thành lập những ủy ban như vậy, thì số lượng ủy viên trung ương tham gia có thể đóng góp nhiều cho việc giám sát và phản biện”.