(VOV5) - Trong bối cảnh Việt Nam đang rất cần nguồn lực trí thức trẻ trở về giúp đất nước.Hữu Linh và Beetsoft cũng mong muốn được tham gia nhiều hơn vào quá trình phát triển 4.0 đó.
Sau nhiều năm học tập, làm việc tại Nhật Bản,Nguyễn Hữu Linh, chàng trai quê gốc Thanh Hóa đãquyết định trở về quê hương để phát triển sự nghiệp. Hiện anh đang là Giám đốc điều hành (CEO) của công ty Beetsoft - có khách hàng ở nhiều quốc gia. Bằng nhiệt huyết và tài năng tuổi trẻ, Hữu Linh và Beetsoft đang tự tin đi từng bước vững chắc nhưng cũng đầy táo bạo với khát vọng chinh phục những thử thách mới.
CEO Nguyễn Hữu Linh, vị thuyền trưởng của Beetsoft. |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tại một seminar chuyên đề “Kỹ sư Việt tại Nhật, hướng đi nào để thành công”,CEO Beetsoft Nguyễn Hữu Linh cùng 2 diễn giả đã chia sẻ nhiều trải nghiệm thú vị, những kỹ năng trau dồi cần thiết để các IT Việt thêm động lực, định hướng tiếp tục chinh phục lĩnh vực công nghệ thông tin sáng tạo này. Sự thể hiện ngẫu hứng và hài hước đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới các bạn trẻ. Lê Bình, Sinh viên năm cuối Học viện bưu chính viễn thông, chuyên ngành trí tuệ nhân tạo (AI) cho biết: “Qua sự chia sẻ của các anh chị, em có được cái nhìn tổng quan về thị trường Nhật Bản cũng như cơ hội rộng mở thé nào với kỹ sư IT Việt, rồi là những kỹ năng cơ bản mà bất cứ một IT nào cần phải có khi ra nước ngoài. Qua đó giúp em tự tin hơn và suy nghĩ nhiều hơn về định hướng sắp tới của mình. Em học hỏi được tinh thần không ngại thất bại, sự nhạy bén của anh Xuân Phong, chị Kiều Linh và anh Hữu Linh".
Tại một seminar chia sẻ kinh nghiệm và truyền cảm hứng tại Beetsoft |
Cơ duyên với Nhật Bản và sự ra đời của công ty Beetsoft
Nói về cơ duyên với đất nước Nhật Bản, Hữu Linh kể từ bé cậu đã mê truyện tranh Nhật Bản, qua báo đài biết về sự phát triển kinh tế thần kỳ ở đất nước Mặt trời mọc. Đặc biệt, Linh rất ngưỡng mộ tinh thần võ hiệp Samurai và lối sống nghiêm túc, kỷ cương của người Nhật. May mắn đến với Linh khi trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức cuộc thi về công nghệ thông tin và tiếng Nhật…Và, trong quá trình học tập, làm việc tại Nhật Bản đã làm lớn dần ước mơ mở công ty về CNTT của sinh viên IT Hữu Linh.
"Sang Nhật học rồi làm cho một công ty IT ở vị trí Sales và quản lý về bán hàng, Tôi phát hiện rằng, kỹ sư IT Việt nam rất giỏi, chỉ có điều họ không có nhiều cơ hội để thể hiện. Ví dụ như những dự án đưa sang Việt Nam làm chỉ là giai đoan coding hoặc ở lập trình cấp thấp chứ không được làm ở giai đoạn thiết kế, viết tài liệu hoặc tư vấn .Vì thế, tôi quyết định thành lập Beetsoft để làm về tư vấn, đưa các giải pháp IT" Linh chia sẻ,
Quyết định trở về Việt Nam lập nghiệp, như bao start-up ban đầu Hữu Linh cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng với anh rào cản lớn nhất mà các kỹ sư IT Việt Nam đang gặp phải lại chính là vấn đề về cách nghĩ: "Những kỹ sư IT Việt Nam luôn nghĩ rằng, chúng ta thể không làm được những việc cao siêu như vậy. Hoặc không nghĩ đến nhu cầu khách hàng cần gì mà chỉ quan tâm đến những gì mình làm được mà thôi. Vì thế, khi thành lập Beetsoft, tôi đặt ra 3 tiêu chí hoạt động. Thứ nhất là phải thay đổi ngay cách suy nghĩ đóng đó. Thứ hai, tạo ra môi trường để mọi người có thể phát huy được khả năng sáng tạo kể cả sức mạnh tiềm ẩn và thứ 3 là cải thiện "level" của tất cả mọi người. Hiện tại, chúng tôi đang làm đúng những tôn chỉ đó’".
Nhân viên Beetsoft là những người trẻ luôn tràn đầy đam mê và nhiệt huyết |
Thành lập được hơn 4 năm - trụ sở ở Hà Nội, công ty Beetsoft do Hữu Linh làm giám đốc hiện có khoảng 150 nhân viên, có Văn phòng đại diện ở Đà Nẵng và Tokyo (Nhật Bản). Beetsoft làm về 3 mảng: sản phẩm, dịch vụ chính như phát triển các app nghiệp vụ, app mobile, web và gia công phần mềm bao gồm cả tư vấn - thiết kế- vận hành - bảo trì. Phần lớn khách hàng của Beetsoft là các doanh nghiệp ở Nhật Bản. Ngoài ra, công ty còn có đối tác tại Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nước khác.
Tuy vậy, mục tiêu chiến lược mà Beetsoft muốn hướng tới còn là giúp các doanh nghiệp Việt Nam tự tin hội nhập xu thế thời đại mới: "Theo kế hoạch năm 2019, chúng tôi sẽ mở thêm một công ty chuyên làm về mảng thị trường Việt Nam. Trong đó, bao gồm công nghệ hóa các mảng nghiệp vụ và áp dụng công nghệ mới nhất như về 4.0, công nghệ về robot, về trí tuệ nhân tạo để giúp gia tăng giá trị cho các công ty, doanh nghiệp Việt Nam cũng như làm cho họ hoạt động hiệu quả hơn."
Trong bối cảnh Việt Nam đang rất cần nguồn lực trí thức trẻ trở về giúp đất nước phát triển các lĩnh vực như AI, Big Data, Smart City, Block Chain...Hữu Linh và Beetsoft cũng mong muốn được tham gia nhiều hơn vào quá trình 4.0 đó:
"Chúng tôi đang cố gắng tạo ra những công nghệ mới phù hợp với người Việt Nam để dần dần họ hiểu rồi ứng dụng vào thực tế. Từ đó, hi vọng Việt Nam sẽ xây dựng một hệ thống hoạt động cho cả đất nước để có thể tiến xa hơn. Đó là mong muốn đóng góp của chúng tôi cho đất nước. Về tầm vĩ mô, tôi cho rằng, Việt Nam cần phải có một hệ thống đồng bộ về cơ sở hạ tầng vật chất, cơ sở dữ liệu và chính sách. Nếu chính phủ có sự chuẩn bị một phần trong đó thì những công ty như Beetsoft có thể thêm vào những phần chúng tôi làm được." Hữu Linh khẳng định,
Công ty Beetsoft có khoảng 150 nhân viên ở Hà Nội, Đà Nẵng, Tookyo( Nhật Bản) |
Tạo nhịp cầu kết nối thương mại và hợp tác khoa học công nghệ với Nhật Bản
Cùng với đó, nhận thấy thị trường Nhật Bản đang thiếu nguồn nhân lực cao về công nghệ thông tin, Hữu Linh vànhiều trí thức việt kiều khác đang tạo nhịp cầu kết nối, giúp các kỹ sư IT Việt ra nước ngoài làm việc để lĩnh hội những công nghệ tiến tiến nhất: "So với những IT quốc tế đang làm việc tại Nhật Bản như Trung Quốc, Mianma, Nepal, Bangladesh…,các IT Việt Nam được đánh giá cao bởi khả năng và có nền văn hóa tương đồng. Sự cần cù chăm chỉ của người Việt Nam rất hợp với người Nhật. Bên cạnh đó, càng ngày có nhiều kỹ sư học và biết tiếng Nhật. Thêm nữa, mối quan hệ giữa 2 chính phủ đang phát triển tốt đẹp. Vì thế, cơ hội cho IT Việt sang Nhật Bản học tập, làm việc cũng mở rộng rất nhiều bởi chính sách nới lỏng thị thực của chính phủ Nhật Bản."
Với Hữu Linh, luôn cần phải có quyết tâm và dám đối đầu với thứ thách. |
Thông điệp truyền cảm hứng
Dẫn câu nói “Ếch ngồi đáy giếng nào đâu biết biển cả mênh mông”, CEO Hữu Linh muốn các bạn trẻ hiểu rằng, ngay cả những cường quốc như Nhật Bản hay Mỹ phát triển như thế nhưng họ vẫn đam mê đi khắp nơi để học hỏi thì cớ gì người trẻ Việt không thể làm vậy. Và, trong mọi việc đôi khi “Giỏi leo trèo như Khỉ nhưng vẫn có lần bị ngã từ trên cây” - nghĩa là ngay cả với những người biêt tạo ra thành công cũng gặp phải những tình huống không thể xử lý được. Vì vậy, hãy đừng quá tự hào về bản thân hay sợ sai, sợ thất bại mà phải luôn có tâm thế bình tĩnh đối mặt với mọi thử thách.