(VOV5) Từ hơn 20 năm qua, chùa Trúc lâm là nơi giao lưu, chỗ dựa tinh thần giúp bà con kiều bào sống xa Tổ quốc vượt qua những lúc khó khăn trong cuộc sống.
Tượng Phật trong khuôn viên chùa Trúc Lâm
Thành phố cảng Marseille miền Nam nước Pháp là một trong những địa điểm đầu tiên có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, do trước đây, phương tiện đi lại từ Việt Nam tới Pháp là bằng tàu thủy. Hơn nữa, thời tiết ấm nóng ở Bắc Địa Trung Hải cũng rất hợp với cuộc sống của người Việt. Hiện nay, tại Marseille, có trên dưới 10.000 người Việt. Hội nhập với xã hội bản địa, nhưng bà con kiều bào vẫn duy trì những lề thói đã ăn sâu vào nếp nghĩ và thói quen của mình, trong đó có thói quen đi chùa.
Theo bà Trần Thị Sâm Vandeau, Việt kiều lâu năm ở thành phố Marseille, từ cuối năm 1976, 5 thương gia ở thành phố Marseille đã góp tiền mua một ngôi nhà ở thành phố Marseille để sửa chữa thành chùa. Ngày đi làm, buổi tối và ngày nghỉ, các ông đến ngôi nhà này tự xây dựng và sắp xếp để có được một mái chúa đầu tiên dành cho bà con người Việt ở Marseille.
Bà Trần Thị Sâm xúc động nhớ lại: “Lần đầu tiên thành phố Marseille có một mái chùa, bà con đến rất đông, không đủ chỗ. Chúng tôi mời thầy Thiện Châu về làm lễ, do chùa nhỏ nên những người đến trước phải làm lễ rất nhanh để nhường chỗ cho những người khác đến sau. Vì thế, bà con Việt kiều ở Marseille lại bàn nhau đóng góp xây dựng một ngôi chùa khác lớn hơn.”
Phật tử lên chùa giúp làm cơm chay
Ý tưởng này trở thành hiện thực khi ngôi chùa Trúc Lâm tại thành phố Marseille ra đời năm 1987. Ngôi chùa nằm trên sườn một ngọn núi đá, nên thơ và yên tĩnh, xa tiếng ồn của xe cộ và không khí náo nhiệt của thành phố. Từ một khu nhà cũ với cảnh vật hoang sơ, sau hơn 20 năm, chùa Trúc Lâm dần dần thay đổi diện mạo với sự đóng góp công sức của nhiều thế hệ bà con người Việt.
Dù ít dù nhiều, mỗi người đóng góp theo cách riêng của mình, như tâm sự của một phật tử đến chùa Trúc Lâm: “Ở đây phật tử rất đoàn kết. Nhà chùa có việc, mọi người gọi nhau lên chùa giúp ngay. Ít của đóng góp, nhưng đều là những người có tâm, góp công rất nhiều công sức.”
Hiện nay, tuy chùa Trúc Lâm vẫn chưa hoàn tất việc sửa sang, xây dựng, nhưng những nét cơ bản của một ngôi chùa thuần Việt đã thành hình. Chùa có một điện thờ Phật và điện thờ Mẫu theo đúng truyền thống văn hóa Việt Nam. Tuy không lớn, nhưng các điện thờ có đủ các ban thờ, tượng Phật, tượng Mẫu sơn. Trong khuôn viên chùa, có tháp nhỏ treo quả chuông đồng lớn do Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tặng, có tượng Quan thế âm, tượng Phật nằm, bể hoa sen từ trong nước chuyển sang...
Từ khi được kiến lập tới nay, chùa Trúc Lâm ở Marseille đã trở thành địa chỉ sinh hoạt tâm linh cho bà con kiều bào và quy tụ những tâm hồn người Việt trong các hoạt động xây dựng cộng đồng và hướng về đất nước.
Gian thờ Phật là điểm tựa tâm linh
Cô Mỹ Dung, một phật tử lên chùa Trúc Lâm cho biết: “Chúng tôi ở đây cần cái tình người, ở đâu có cộng đồng người Việt thì chúng tôi đến. Đến để giúp nhà Chùa và cũng là để gặp lại người đồng hương, gặp bà con đẻ nói đôi điều cho ấm lòng người xa xứ. Khi chúng tôi đi xa, lúc nào chúng tôi cũng khao khát tiếng nói Việt Nam.”
Trụ trì chùa Trúc Lâm hiện nay là Đại đức Thích Nhuận Trí. Trụ trì ngôi chùa trong bối cảnh chùa vẫn cần sửa chữa nhiều, nhưng Đại đức Thích Nhuận Trí không quản nắng mưa, hàng ngày vẫn dậy sớm chuyển vật liệu và tham gia xây dựng các hạng mục trong khuôn viên chùa. Đại đức Thích Nhuận Trí cũng chăm lo dạy tiếng Việt, dạy võ cổ truyền và tổ chức các hoạt động từ thiện...
Đối với đông đảo bà con kiều bào ở Marseille, chùa Trúc Lâm giờ đây đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, giúp sưởi ấm lòng những người con xa xứ luôn hướng về quê hương./.
Quang Hưng - Thùy Vân
(Từ Marseille)