Cinematographer Kevin Phạm: Tôi về Việt Nam vì bố tôi mê phim Việt...

(VOV5) - Quay phim Kevin Phạm về Việt Nam cho biết lý do anh nhận lời về Việt Nam làm việc: Vì bố tôi là big fan của phim Việt.

Bộ phim Siêu trộm của đạo diễn Việt kiều Ham Tran đang tiếp tục được công chiếu tại các rạp ở Việt Nam và nhận được phản hồi khá tốt từ khán giả. Ê kíp làm phim đã mang đến cho công chúng một bộ phim hành động- hài thú vị. 


Phim được quay trong thời gian gần hai tháng. Trong ê kíp này có một đạo diễn hình ảnh là Kevin Pham, chàng trai Việt kiều lần đầu tiên về Việt Nam làm việc.

Kevin Pham sinh ra và lớn lên ở California, Hoa Kỳ, có cha mẹ người Việt. Anh năm nay 26 tuổi, tốt nghiệp cử nhân ngành đạo diễn hình ảnh (cinematography) tại Khoa Điện ảnh và truyền hình của Đại học California.

cinematographer kevin pham: toi ve viet nam vi bo toi me phim viet... hinh 0
Kevin Phạm. Ảnh: bản quyền NAG Lee Starnes

Kevin Pham trò chuyện với phóng viên VOV về chuyến làm việc ở Việt Nam năm 2015, anh có cơ hội làm việc với các phim của đạo diễn Lê Văn Kiệt và Hàm Trần. 

PV: Năm 2015 Kevin ở Việt Nam trong bao lâu và đã tham gia quay những bộ phim nào?

Tôi đã làm việc ở Sài Gòn trong 4 tháng. Ban đầu tôi được đạo diễn Lê Văn Kiệt mời làm đạo diễn hình ảnh phim “Nữ đại gia”, với nhiệm vụ phụ trách các nhóm quay phim và chiếu sáng; thảo luận và cùng đạo diễn lên kế hoạch về các cảnh quay. Khi đó, lịch làm việc của bộ phim đã bị kéo dài và  một trong những diễn viên chính phải tạm rời đoàn để lo công việc đã dự định trước, chúng tôi buộc phải nghỉ 1 tháng. Đạo diễn Lê Văn Kiệt lúc đó giới thiệu tôi với Hàm Trần để giúp Hàm Trần hoàn thành phim “Siêu trộm”; vì đạo diễn hình ảnh của Hàm Trần là Minh Ku cũng bận cho một dự án khác. Tôi làm việc với Hàm Trần khoảng 10,11 ngày. Các cảnh quay trong phim của Hàm Trần cần rất nhiều hiệu ứng, kỹ xảo đặc biệt, vì vậy tôi phải tạo ra ánh sáng phù hợp để các cảnh quay này trông rất thật. Đó là công việc mà tôi đã làm.

PV: Năm 2015 là năm đầu tiên Kevin về Việt Nam làm việc. Nghe nói Kevin nhận lời mời về Việt Nam làm là do lời khuyên của cha mẹ. Vậy anh cảm thấy thế nào, làm việc ở Việt Nam có điều gì dễ chịu? (vì thật khó mà so sánh với điều kiện làm việc ở Việt Nam với sự chuyên nghiệp như ở Mỹ, vậy thì anh còn có dự định tiếp tục làm việc ở Việt Nam nữa hay thôi?)

Tôi về Việt Nam làm việc bởi vì bố tôi có lẽ là fan hâm mộ lớn nhất của điện ảnh Việt Nam hiện đại mà tôi biết.

Tôi biết đạo diễn Lê Văn Kiệt thông qua người bạn của tôi là Tonaci Trần, người đầu tiên mang máy quay phim điện ảnh kỹ thuật số vào Việt Nam năm 2007. Anh chắc chắn là một trong những người có ảnh hưởng nhất tới điện ảnh Việt Nam trong vòng 10 năm qua.

Tôi đã được  các nhà quay phim và đạo diễn từng làm việc ở Việt Nam cảnh báo về điều kiện làm việc tại đây: Lịch làm việc mệt mỏi 24/24 giờ, các khó khăn về thiết bị, về bảo đảm an toàn… Nên tôi đã dự trù mọi tình huống phải đối mặt.

Tôi khâm phục ý chí của những người quay phim trong đoàn và vô cùng biết ơn họ vì đã làm việc thật cần cù.

Có một điều khá ngộ là vì tôi cao 1,83m, tôi có thể  tự điều chỉnh đèn nhanh chóng hơn chờ họ đi lấy thang. Tôi thích những câu chuyện cười của các đồng nghiệp Việt Nam. Tôi muốn quay trở lại Việt Nam làm việc, nếu có kịch bản phù hợp và vai trò cho tôi, vì hiện ở Mỹ tôi cũng đang rất nhiều việc. Ngoài ra, khi rời Việt Nam, tôi nhớ  cây đàn guitar, nó là “liều thuốc số 1” làm giảm căng thẳng cho tôi. Trải qua tất cả những điều kiện làm việc khó khăn ở Việt Nam khiến tôi dày dạn hơn khi làm việc ở đây tại Hollywood.

cinematographer kevin pham: toi ve viet nam vi bo toi me phim viet... hinh 1
Môi trường Holywood dạy Kevin thói quen tập trung tuyệt đối khi làm việc.
 Ảnh: bản quyền NAG Lee Starnes

PV: Các đạo diễn Hàm Trần và Lê Văn Kiệt đều đánh giá tốt về Kevin. Vậy anh nghĩ thế nào về họ?

Tôi đánh giá rất cao cả hai đạo diễn Lê Văn Kiệt và Hàm Trần. Làm việc với đạo diễn Lê Văn Kiệt, tôi đã học được cách làm thế nào để phối hợp 2 camera và ánh sáng đi theo. Anh đã tin tưởng tôi trong việc xây dựng các phối màu của bộ phim. Và tôi đã học được rất nhiều rằng khi nào thì kiên định với quan điểm của mình và khi nào thì thuyết phục người khác. Lê Văn Kiệt là một người rất điềm tĩnh và ưa sự hoàn hảo đến từng chi tiết. Tôi thích điểm đó ở anh.

Với Hàm Trần, tôi đã học được từ Hàm Trần tầm quan trọng của việc lập kế hoạch chính xác. Anh đã vẽ ra sơ đồ của tất cả các cảnh quay, từ đó tôi đã sắp xếp bố trí ánh sáng phù hợp. Hàm Trầm cũng là một người cầu toàn, và… rất đáng sợ trong khi quay. Bên ngoài công việc, có khi anh pha trò làm tôi cười ná thở!

cinematographer kevin pham: toi ve viet nam vi bo toi me phim viet... hinh 2
Lịch trình làm việc ở Việt Nam rất bận rộn, thường 18-24h mỗi ngày.
Ảnh: bản quyền NAG Lee Starnes


PV: Kevin  có thể kể một vài kỷ niệm khi làm việc tại Việt Nam trong năm 2015?

Một trong những cảm nhận là… cách các công ty thiết bị điện ảnh hoạt động không giống như ở Hollywood. Chắc chắn có rất nhiều sự cạnh tranh nhưng các công ty về ánh sáng và quay phim không bao giờ ép bạn phải thuê trọn gói tất cả mọi thiết bị và nhân viên vận hành của họ. Tôi nghĩ lẽ ra các công ty nên liên kết và phối hợp với nhau trong việc cho thuê thiết bị, dịch vụ; như vậy thì tất cả đều có lợi.

4 tháng làm việc cùng ê kíp đã tạo nên một sự liên kết chặt chẽ giữa mọi người với nhau, như trong một gia đình lớn.

Một trong những kinh nghiệm làm tôi thấy kỳ quặc nhất trong đời là trong một buổi ăn tối ở Hồ Tràm trong thời gian quay phim “Nữ đại gia”. Tôi uống một chút sau một ngày làm việc dài dưới ánh nắng thiêu đốt. Tôi không nhớ tôi đã cười vì cái gì nhưng sau đó một người khác đã chỉ vào tôi rồi tất thảy hơn 60 người trong đoàn nhìn vào tôi và cười phá lên. Tôi thấy hơi kỳ lạ và ngượng nên đứng dậy, bỏ chạy. Họ trêu tôi vì thường ngày chỉ chứng kiến lúc tôi làm việc, rất nghiêm túc. Bởi vì có cực kỳ nhiều chi tiết mà tôi phải chú ý đến, phải bận tâm. Khi làm việc, tôi thấy chẳng có lúc nào để mà đùa cợt hoặc tán gẫu. Nếu tôi làm vậy, sẽ bị ảnh hưởng tới công việc và làm khó cho đạo diễn.

Làm việc ở Hollywood, bạn phải học được rằng tuyệt đối không nói chuyện với các diễn viên hoặc làm điều gì khiến họ phân tâm, để họ có thể tập trung vào diễn xuất của họ. Bạn báo cho họ rằng bạn sẵn sàng vào việc, sau đó hãy biến khỏi đó để không khiến họ mất tập trung.

Vì vậy, tôi đoán mọi người cười cũng như kiểu một lời khen. Họ chỉ nhìn thấy tôi khi làm việc và khi tôi không làm việc, họ thấy lạ rằng tôi cũng có cá tính bộc lộ ra bên ngoài. Thành thật mà nói, tôi thậm chí không chắc rằng có diễn viên nào làm việc với tôi mà lại nhớ rằng tôi tồn tại.

Ít người biết Hàm Trần là người có thể nhái giọng người khác cực giống. Tôi cũng không nhớ là anh đã từng giả giọng những ai nữa!

Một khoảnh khắc vui vẻ khác khi thực hiện phim “Nữ đại gia” là khi chúng tôi quay cảnh cao trào của bộ phim, trong cảnh đó có bắn súng và phải có phối hợp liên quan đến vật liệu nổ. Một trong những cascadeur (người đóng thế) chạy vào phòng quá nhanh nên bị đập đầu vào cửa, ngã xuống đất. Chúng tôi quay phim slow-motion (chuyển động chậm), tất cả mọi người tụ tập xung quanh để xem. Khi xem lại, chúng tôi bò ra mà cười mất đến 5 phút. Tôi cười quá nhiều đến nỗi bị đổ máu cam. Những khoảnh khắc như thế không nhiều, trong lịch trình làm việc từ 18-24 giờ mỗi ngày.

Mặc dù tôi chỉ sống và làm việc ở Việt Nam 4 tháng, tôi cảm thấy như tôi đã trải qua một năm ở đây với tất cả những tình cảm thân thiết mà tôi có được. Tôi thường nhận được lời mời trở lại, nhưng tôi đang chờ đợi các dự án phù hợp với mình. Những nhà quay phim khác ở tuổi của tôi có lẽ sẽ nhận hầu hết các phim mà họ được mời. Tôi không muốn vậy. Tôi đã ghi điểm nhất định trong sự nghiệp của của mình, và tôi cần một dự án giúp tôi đào sâu hơn trong nghề nghiệp. Nếu không tôi sẽ tiếp tục làm việc ở Hollywood như hiện nay và viết nhạc. Với dự án tiếp theo nếu có, khi bạn nhìn thấy tên tôi ở cuối bộ phim trong nhóm những người làm phim, bạn hãy tin rằng tôi đã đặt cả trái tim và tâm hồn mình vào công việc đó!

Đạo diễn Hàm Trần: Tôi rất thích làm việc với Kevin...

"Khi chúng tôi đang quay cảnh quầy bar ở khách sạn The Grand Ho Tram, Vũng Tàu (phim Siêu Trộm) thì người quay phim (Minh) bảo tôi anh ấy không thể hoãn được lịch quay cho một phim khác mà anh đã ký hợp đồng trước đó. Tôi hỏi: "Khi nào anh đi?", thì anh trả lời luôn "Ngày mai". 


Đúng lúc ấy tôi thấy đồng nghiệp của mình, đạo diễn Lê Văn Kiệt, cùng giám đốc sản xuất của anh đi khảo sát địa điểm quay cho phim điện ảnh mới. Thật tình cờ là anh Kiệt đang trong quãng thời gian tạm nghỉ 2 tuần trong dự án phim điện ảnh của anh ấy. Tôi bèn nhờ anh giới thiệu cho mình một người quay phim giỏi, và anh đáp: "Kevin Phạm. Chắc chắn anh sẽ thích làm việc với Kevin".

Tôi gọi Kevin, và thế là: Bùm! Ngay ngày hôm sau, Kevin xuất hiện ở trường quay với cái máy đo sáng của mình và cái "gối lười" - bảo bối chuyên dụng mà anh dùng để quay những cảnh cầm tay.


Thật quả là duyên số, vì sở trường của Kevin là những cảnh quay hiệu ứng đặc biệt, và hầu hết những phân cảnh chúng tôi phải quay trong hai tuần cuối cùng đều là những cảnh quay trong studio: phòng máy chủ, những phân cảnh trong hành lang dẫn đến phòng máy chủ, và những cảnh quay trên nền xanh đoạn bé Linh đang đột nhập vào tòa biệt thự.

Kiệt đã đúng, tôi rất thích làm việc với Kevin. Nhiệm vụ của anh không hề dễ dàng chút nào. Anh phải quay sao cho khớp với tất cả những đoạn trước mà Minh đã quay, đồng thời phải đem lại cho những cảnh quay mới vẻ đẹp riêng của chúng. Với sự giúp đỡ của anh Bảy - "Mr.7" - của PS, Kevin đã hoàn thành xuất sắc công việc của mình!


Phần ánh sáng trong phòng máy chủ và trong nhà trú ẩn ở cuối phim là hai trong số những phân cảnh mà tôi rất thích. Cảm ơn anh rất nhiều, Kevin, vì đã mang đến cho Siêu trộm nguồn năng lượng tích cực tuyệt vời và con mắt làm nghề tinh tế của mình!". 

Phản hồi

Các tin/bài khác