(VOV5) - Các thành viên của Collectif Vietnam Dioxine với tinh thần “can đảm, kiên nhẫn và hy vọng”, sẽ vẫn tiếp tục cuộc chiến giành công lý và ủng hộ giúp đỡ các nạn nhân da cam.
Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp sẽ luôn sát cánh cùng Collectif Vietnam Dioxine trong cuộc đấu tranh đòi công lý và quyền lợi cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
Đây là khẳng định của Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng khi tiếp các thành viên của tổ chức Collectif Vietnam Dioxine, ngày 02/10 tại thủ đô Paris.
Bà Trần Tố Nga bày tỏ quyết tâm theo đuổi cuộc đấu tranh giành công lý cho các nạn nhân da cam, trong đó có bà. Ảnh: Nguyễn Thu Hà/TTXVN |
Tại buổi gặp mặt, Đại sứ Đinh Toàn Thắng thông báo về những nỗ lực mà Nhà nước đang thực hiện để làm dịu bớt nỗi đau về thể xác và tinh thần của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Theo đó, hàng năm Nhà nước dành khoảng 400 triệu euro để chi cho các hoạt động chăm sóc, trợ giúp và đào tạo nghề cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Hoạt động khử độc tại các địa điểm bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi dioxine như sân bay Biên Hòa và Đà Nẵng cũng đã và đang được triển khai với sự phối hợp của chính phủ Hoa Kỳ. Với Collectif Vietnam Dioxine, Đại sứ kêu gọi các thành viên tiếp tục có những hành động thiết thực và cụ thể để giúp đỡ và ủng hộ các nạn nhân da cam trong thời gian tới.
Ông Võ Định Kim, điều phối viên của Collectif Vietnam Dioxine, khẳng định sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chất độc da cam, kêu gọi giúp đỡ các nạn nhân, cũng như ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga. Về phần mình, bà Trần Tố Nga mong muốn ngay cả sau này, khi bà không còn có thể chiến đấu được nữa, các thành viên của Collectif Vietnam Dioxine với tinh thần “can đảm, kiên nhẫn và hy vọng”, sẽ vẫn tiếp tục cuộc chiến giành công lý và ủng hộ giúp đỡ các nạn nhân da cam.
Thành lập từ năm 2004, Collectif Vietnam Dioxine là tổ chức phi chính phủ, tập hợp gần 20 hội, đoàn của người Việt Nam tại Pháp và bạn bè Pháp, trong đó có Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), Hội thanh niên Việt Nam tại Pháp (UJVF), Hội hữu nghị Pháp - Viêt (AAFV), Hội cựu chiến binh cộng hòa của Pháp (ARAC), Quỹ cảnh báo về chất độc da cam (FaAOD), Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF)... Tổ chức này đã thực hiện nhiều đợt thông tin, tuyên truyền, triển lãm, cũng như kêu gọi sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè Pháp và cộng đồng quốc tế đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.