Đời sống của bà con Việt kiều trên nước bạn Campuchia tuy còn nhiều khó khăn, nhưng việc chăm lo cho con em được học chữ là vấn đề được cộng đồng người Việt quan tâm hàng đầu. Những năm qua, Hội người Campuchia gốc Việt Nam, được sự hỗ trợ từ các tổ chức và nhà hảo tâm tại Việt Nam, đã xây dựng thêm được một số lớp học dành cho con em Việt kiều. Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer – Việt Nam tỉnh Siem Reap là một điển hình.
Cô giáo tận tình dạy dỗ các em học sinh Việt nam
Khánh thành cuối năm 2012, Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer – Việt Nam tỉnh Siem Reap có 2 phòng học rộng rãi, thoáng mát với diện tích gần 130m2. Nhà trường dạy cả tiếng Việt và tiếng Khmer cho học sinh để con em Việt kiều giữ được tiếng nói và bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng thời hiểu biết về văn hóa, pháp luật Campuchia để hòa nhập với xã hội nước sở tại .
Hiện nay, nhà trường có khoảng gần 100 học sinh đến học hai ca sáng, chiều. Các em học môn tiếng Việt, toán, tự nhiên, xã hội, vẽ, hát và thủ công. Do gia đình khó khăn, không được cha mẹ cho đi học đúng tuổi nên học sinh trong lớp có những em sáu tuổi ngồi học chung với các anh chị 12 – 13 tuổi.
Một buổi học của các em học sinh Việt Nam tại tỉnh Siem Reap
Trong hoàn cảnh ấy, Hội người Campuchia gốc Việt Nam tỉnh Siem Reap đã động viên các cô giáo cố gắng hết sức kèm cặp dạy dỗ để giúp các em vượt qua những khó khăn ban đầu.
Cô giáo Hà Mỹ Tuyền, dạy môn tiếng Việt và toán chia sẻ: “Các em rất là năng động và rất là ham học. Em dạy điều gì là các em tiếp thu rất là tốt. Được học hỏi thêm nhiều điều là mai mốt lớn lên có thể ra ngoài đời, ra ngoài xã hội các em có thể thành công, khi về lại quê hương Việt Nam các em có thể giúp ích cho đất nước mình. Em cảm thấy rất là vui mừng vì mình giúp đỡ được cho các em ở bên Campuchia này có thể biết được nhiều tiếng và chữ của Việt Nam mình hơn’’.
Các học sinh chăm chí học tập
Em Nguyễn Văn Út, 14 tuổi sau mấy tháng được đi học đã đọc được chữ Việt và biết làm toán. Út nói mới đầu đến trường cũng ngại, nhưng dần dần được cô giáo chỉ bảo tận tình nên em thực sự đã gắn bó với các bạn và thầy cô. Út ham học và mong muốn học giỏi để sau này giúp đỡ cha mẹ.
Em tâm sự: “Con học tiếng Việt với toán. Dạ vui, con thích đi học. Bởi vì con muốn biết chữ, mai mốt lớn lên phụ mẹ’’.
Học sinh xếp hàng ra về
Từ khi thành lập và đi vào hoạt động, Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer – Việt Nam tỉnh Siem Reap là điểm tựa về tinh thần cho nhiều gia đình người Việt. Con em được đi học, biết chữ, là ước mơ bấy lâu nay của bà con Việt kiều trên đất nước Campuchia.
Nhà đa năng cộng đồng Campuchia gốc Việt tỉnh Xiêm Riệp
Ông Nguyễn Quốc Lợi, một phụ huynh đưa con đến trường phấn khởi nói: "Nhờ cô giáo chu đáo, các em cũng ngoan được phần nhiều. Nhân dân ở quanh trụ sở Hội cũng nhờ có được cái trường như vậy các em ở xung quanh đây cũng tập trung đến học. Cô giáo quan tâm lắm. Cô giáo siêng năng dạy cho các em hết sức tận tình cho nên hiện giờ chúng tôi yên tâm được phần nhiều’’.
Phụ huynh vui mừng vì con em đến trường
Cũng như Hội người Campuchia gốc Việt Nam các tỉnh khác trên đất nước Chùa Tháp, tỉnh Hội Siem Reap xác định phải duy trì và nhân rộng các lớp học cho con em. Bằng nhiều biện pháp, lãnh đạo Hội tạo mọi điều kiện giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đưa con em tới trường.
Ông Hoàng Xuân Khoa, Chủ tịch Hội người Campuchia gốc Việt Nam tỉnh Siem Reap cho biết: “Nói chung là hội cũng động viên đến hỗ trợ cho phụ huynh học sinh, khuyến khích các em đến trường ngày một nhiều hơn để các em biết được ngôn ngữ, tiếng nói của bạn để mà tiếp xúc với cuộc sống tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Các em học sinh và phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn hội vẫn có quyên góp về mặt tài chính hoặc lương thực’’.
Ô
ng Hoàng Xuân Khoa, Chủ tịch Hội người Campuchia gốc Việt
Ông Hoàng Xuân Khoa cũng cho biết, khi phong trào học tập của con em Việt kiều tỉnh Siem Reap phát triển mạnh, Hội sẽ nhân rộng mô hình lớp học như Trường Tiểu học Hữu nghị Khmer – Việt Nam hiện nay và có thể ở mức độ cao hơn nữa để các em được học hành đầy đủ, trở thành công dân tốt, góp phần xây dựng hai đất nước Campuchia và Việt Nam./.