Cộng đồng người Việt ở Nhật và nỗi lòng sư cô xa xứ

- Nhiều người xa quê lâu năm đang trăn trở làm sao để vừa hòa nhập tối đa mà vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc, giữ được nguồn gốc của mình?


Tại Nhật Bản, cộng đồng người Việt chỉ chiếm khoảng hơn 44.000 người sống rải rác ở nhiều tỉnh, thành phố so với hơn 4,5 triệu người Việt Nam đang định cư ở khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.


Tuy số lượng ít lại phân tán nhưng cộng đồng người Việt ở “xứ sở hoa anh đào” vẫn đang ngày ngày nỗ lực trong công cuộc gìn giữ bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc.


Nỗi lòng sư cô xa xứ


Sư cô, tiến sỹ Thích Ni Tâm Trí, người hiện đang nghiên cứu và làm việc tại trường Đại học Shokutoku, Tokyo, kiêm tổng quản lý Chùa Nisshinkutsu (do Hòa thượng Yoshimizu Daiichi trụ trì) tại Tokyo, cho biết thời gian qua chùa Nisshinkutsu có những đóng góp tích cực đối với cộng đồng người Việt tại Nhật cũng như tại Việt Nam.


Cộng đồng người Việt ở Nhật và nỗi lòng sư cô xa xứ  - ảnh 1
Sư cô, tiến sỹ Thích Ni Tâm Trí tham gia tổ chức Trà đạo ở Hà Nội. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)


“Chúng tôi đã tổ chức các sự kiện như Tết Nguyên Đán, Lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan, Cúng cầu an cầu siêu cho các gia đình Phật tử v.v.. Đặc biệt, trong đợt động đất sóng thần xảy ra tại Nhật Bản vào tháng 3/2011, chùa Nishinkutsu đã cưu mang 84 cá nhân và gia đình người Việt…” sư cô Tâm Trí nói.


Là người tu hành và cũng là tăng ni người Việt duy nhất tại chùa, bản thân sư cô Tâm Trí luôn tâm niệm làm sao để đưa đạo Phật đến gần hơn với dân chúng cũng như hướng họ đến với cái thiện, mang lại sự thanh thản cho tâm hồn Phật tử gốc Việt.


Chính tấm lòng cùng những cố gắng của sư cô và nhà chùa đã được thấu hiểu nên thời gian qua Phật tử thuộc nhiều thành phần xã hội từ sinh viên, người lao động, trí thức, doanh nhân người Việt tìm đến chùa ngày càng đông, đóng góp và tham gia các hoạt động do nhà chùa tổ chức ngày càng nhiều.


Theo sư cô Tâm Trí, đây chính là tiền đề để những tăng ni như bà nói riêng và Phật giáo nói chung có thể đóng góp vào sự nghiệp đoàn kết cộng đồng người Việt xa xứ.


Không dừng lại ở đó, sư cô Tâm Trí còn cùng chùa Nisshinkutsu đã và đang thực hiện nhiều dự án, sự kiện tại Việt Nam cũng như Nhật Bản với mục tiêu thúc đẩy mối giao lưu Phật giáo nói riêng, mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản nói chung như: quay phim Nhật Bản-Việt Nam kết hợp với Đài truyền hình Việt Nam, tổ chức các buổi trà đạo tại Việt Nam, Hòa thượng Yoshimizu Daiichi trồng cây hoa anh đào tại Việt Nam…


Riêng trong hai năm 2010 và 2011, chùa Nisshinkutsu đã tiếp đón và bao bọc hơn 40 em sinh viên thuộc đoàn múa Yosakoi từ Hà Nội sang tham gia lễ hội văn hóa truyền thống Nhật Bản. Hàng ngày, các em đều được tham dự các buổi tu tập, thuyết pháp, ngồi thiền do nhà chùa tổ chức trong thời gian lưu lại đây.


“Tương lai, tôi hy vọng rằng chùa Nisshinkutsu có thể trở thành điểm đến và nơi nương tựa cho nhiều đoàn Việt Nam, đặc biệt là khi đồng bào ta đến học tập và làm việc tại Nhật Bản. Cùng với đó là mong muốn để các hoạt động giao lưu, trao đổi học hỏi giữa Phật giáo hai nước sẽ tiến lên thêm một bước nữa, sâu sắc hơn. Phật giáo Việt Nam sẽ được truyền bá rộng rãi hơn tại Nhật đồng thời những tinh hoa của Phật giáo Nhật Bản sẽ có cơ hội du nhập vào Việt Nam, giúp làm phong phú thêm nền Phật giáo trong nước,” sư cô Tâm Trí chia sẻ.


Niềm hy vọng của sư cô Tâm Trí giờ đây đang hướng cả về các dự án từ thiện mà nhà chùa và các tổ chức tình nguyện của Nhật Bản đang triển khai, như chăm sóc thăm hỏi trẻ mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn đang được nuôi tại các chùa cũng như các dự án xã hội từ thiện đào tạo dạy nghề tại Việt Nam và Nhật Bản sẽ nhận được sự ủng hộ và giúp sức của đồng bào trong và ngoài nước.


Và sức mạnh “cây nhà lá vườn”


"Thực tế ở Nhật, cộng đồng người Việt khá khiêm tốn lại sinh sống rải rác nên ít có sự giao lưu văn hóa và sinh hoạt chung. Hiện mới chỉ có có Việt Nam Festival mỗi năm tổ chức một lần ở Tokyo," bà Tống Thị Kim Giao, một người tích cực trong các hoạt động của người Việt ở đây cho biết.


Cộng đồng người Việt ở Nhật và nỗi lòng sư cô xa xứ  - ảnh 2
Cuộc thi Hoa khôi người Việt tại Nhật Bản năm 2011.

Điều khiến bà Kim Giao trăn trở nhất hiện nay là nhiều người xa quê lâu năm đang loay hoay không biết phải làm gì để giữ gìn bản sắc dân tộc? Bởi, theo bà, việc ra nước ngoài định cư khiến hoàn cảnh sống thay đổi kéo theo ít nhiều biến đổi từ trong tư duy đến thói quen sinh hoạt của người Việt.


Nhiều người Việt may mắn được đến các nước văn minh định cư, thích nghi và học hỏi được nhiều là tất yếu nhưng bản thân họ vẫn băn khoăn, trăn trở việc làm sao để vừa hòa nhập tối đa mà vẫn có thể giữ được nguồn gốc?


Theo bà Kim Giao, để giữ gìn bản sắc, trước hết bản thân mỗi người cần tự hào vì mình là người Việt, giáo dục và làm gương cho thế hệ con em trong việc không chối bỏ nguồn gốc.


Và quan trọng hơn, theo người phụ nữ luôn đau đáu nỗi niềm với quê nhà này là cần phát huy sức mạnh “cây nhà lá vườn” của cộng đồng Việt ở xứ người. “Hãy công nhận tài năng của nhau và giúp đỡ nhau cùng phát triển, tránh tư tưởng vọng ngoại hay ‘bụt chùa nhà không thiêng’ để 'dìm' nhau, có như thế mới làm cho cộng đồng vững mạnh,” bà Kim Giao nói.


Không chỉ “lý thuyết suông,” bà Giao thực sự là một trong những người có nhiều đóng góp tích cực cũng như khởi xướng các hoạt động giao lưu văn hóa của người Việt ở Nhật.


Hành động thiết thực của người phụ nữ ấy là đã cùng các cộng sự tổ chức thành công Hội thi Hoa khôi người Việt tại Nhật hồi tháng 1/2012, thu hút gần 100 thí sinh từ mọi thành phần tham gia và hoàn toàn không cần đến các nghệ sỹ từ Việt Nam hay hải ngoại giúp sức.


Chương trình sau đó đã tạo được một phong trào văn nghệ sôi nổi của người Việt ở Nhật.


Những người như sư cô Thích Ni Tâm Trí, như bà Tống Thị Kim Giao với tấm lòng luôn hướng về những giá trị truyền thống dân tộc cùng những hành động thiết thực của họ đã và đang góp phần phát triển bền vững cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài thêm đoàn kết, tạo mối liên hệ và gắn bó cho người Việt xa quê hướng về đất mẹ./.

Theo Xuân Mai/Vietnam+

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác