(VOV5)- “Trung Quốc đã tính toán kỹ hành động xâm phạm, bất chấp mọi luật pháp” là nhận định của một số chuyên gia hàng đầu của Pháp về Đông Nam Á.
Ông David Camroux, Tiến sỹ Lịch sử chính trị tại Đại học Paris Sorbonne, giảng viên trường Chính trị Paris (Sciences Po Paris), cho rằng: Trung Quốc đã phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 nhưng lại không tuân thủ luật pháp quốc tế. Trung Quốc không muốn giải quyết vấn đề một cách đa phương mà muốn giải quyết với riêng từng nước ASEAN. Vì thế, tôi cho rằng ASEAN càng cần phải đoàn kết và liên kết chặt để bảo đảm ổn định, hòa bình trong khu vực.
Trung Quốc hành động bất chấp lợi ích của nước khác. Đó là khẳng định của Giáo sư, Tiến sỹ người Đức Wilfried Lulei, một nhà khoa học nghiên cứu về châu Á. Giáo sư Lulei nhấn mạnh các hành động của Trung Quốc ở biển Đông đã vi phạm luật pháp quốc tế, không được các nước liên quan trong khu vực chấp nhận và đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước trên thế giới.
Còn Giáo sư, Tiến sỹ Kim Tae-wan, Trưởng Khoa chính trị tại Đại học Dong-Eui, Hàn Quốc, cho rằng chiếu theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 thì các nước có một vùng đặc quyền kinh tế cách bờ biển 200 hải lý (khoảng 370km), tính từ bờ biển, quốc gia sở hữu bờ biển có tất cả mọi quyền hạn về mặt kinh tế trong vùng này như khai thác thủy hải sản, đánh bắt cá, bảo vệ môi trường biển hoặc khai thác các nguồn tài nguyên biển, nghiên cứu hải dương học. Ông khẳng định việc Trung Quốc đơn phương hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 là vi phạm Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc và hành động này cần phải chấm dứt.
Bà Monique Chemillier Gendreau, nguyên chủ tịch Hội luật gia châu Âu, cũng nhấn mạnh Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào khi vạch ra đường lưỡi bò 9 đoạn và trên cơ sở đường lưỡi bò, tiến hành các hành động xâm phạm chủ quyền của các quốc gia khác: Trung Quốc tuyên bố rằng tất cả các vùng nước, lãnh thổ trong đường lưỡi bò là thuộc về họ. Lập luận đó là hoàn toàn trái với Công ước LHQ về luật biển (UNCLOS), các nước sẽ chỉ có quyền với các vùng nước theo quy định của công ước luật biển quốc tế, quy định về vùng lãnh hải 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế trong 200 hải lý cách đường cơ sở cũng phải tuân thủ theo công ước này … Thế còn nói về quyền lịch sử thì phải có bằng chứng cũng như phải có sự công nhận của những nước khác, mà Trung Quốc lại không có bằng chứng nào thuyết phục, cả về lịch sử lẫn luật pháp quốc tế. Vì không chứng minh được và vì những gì họ muốn trái với Công ước LHQ về luật biển, nên họ phải nghĩ ra lập luận của riêng họ để chiếm giữ. Tôi cho rằng các nước ASEAN sẽ không chấp nhận lập luận vô lý đó của Trung Quốc.
Các chuyên gia khẳng định việc đưa ra Tuyên bố chung về vấn đề biển Đông tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao 24 ở Myanmar vừa qua đã cho thấy các nước ASEAN đều nhận thức tầm quan trọng của sự việc, song ASEAN nên có thái độ và quan điểm mạnh mẽ hơn nữa.
Khoảng 1000 người Việt các thế hệ ở Pháp ngày 16/5 đã tham gia cuộc biểu tình hòa bình tại quảng trường Trocadero ở thủ đô Paris, Pháp phản đối hành động của Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Cuộc biểu tình do các hội đoàn người Việt phát động đến tất cả những thế hệ người Việt tại Pháp yêu quê hương Tổ quốc và muốn sát cánh cùng đồng bào trong nước cũng như bạn bè hữu nghị Pháp yêu chuộng hòa bình.
Cuộc biểu tình do các hội đoàn người Việt phát động đến tất cả những thế hệ người Việt tại Pháp yêu quê hương Tổ quốc
Có mặt tại cuộc biểu tình, bên cạnh bà con người Việt, có nhiều người bạn Pháp đã sát cánh với Việt Nam trong hàng chục năm qua trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. ÔNg Michel Strachinescu, người từng lái xe cho bà Nguyễn Thị Bình thời đấu tranh ngoại giao ký kết Hiệp định Paris, cho biết: Tôi tiếp tục ủng hộ Việt nam vì với tôi, Việt nam là một dân tộc tuyệt vời, một hình tượng với cả thế giới về tinh thần đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc mình. Vùng biển, đảo Hoàng Sa thuộc về chủ quyền lãnh thổ của Việt nam, đó là điều không thể chối cãi. Trung Quốc không có quyền xâm phạm, không có quyền đưa giàn khoan tới. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng dân tộc Việt Nam đã chịu quá nhiều nỗi đau chiến tranh rồi, hãy dừng gây chiến và xâm lược Việt Nam. Hành động xâm lược của Trung Quốc là không thể chấp nhận được.
Trong lúc này thì cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ cũng đang ráo riết chuẩn bị cho một chiến dịch tuần hành và thu thập chữ ký gửi lên chính phủ, Quốc hội Mỹ và các tổ chức quốc tế để buộc Trung Quốc chấm dứt hành động sai trái. Ông David Huy Hồ, Chủ tịch Chi hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ nhấn mạnh: Chừng nào Trung Quốc còn duy trì giàn khoan nước sâu tại vùng biển Việt Nam thì chúng tôi còn biểu tình chứ không phải một lần duy nhất. Ban đầu, phần đông sẽ là cộng đồng người Việt tham gia, nhưng sau đó sẽ thu hút bạn bè người nước ngoài vào. Hy vọng, mỗi lần biểu tình như vậy sẽ có nhiều nước tham gia và có đông người biểu tình hơn, để cho tất cả mọi người và cho Trung Quốc biết là thế giới ủng hộ Việt Nam, cộng đồng các dân tộc trên thế giới đang đứng sau Việt Nam.”
Hôm qua, Hội Thanh niên và Sinh viên Việt Nam tại Mỹ đã gửi thư tới Tổng thống Barack Obama cùng các quan chức cấp cao của Quốc hội và chính phủ Mỹ để phản đối hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc. Hội cũng tiến hành cuộc vận động gây quỹ ủng hộ các chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại khu vực đảo Hoàng Sa.
Cũng liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, ngày 16/5, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không gia tăng căng thẳng ở khu vực Biển Đông. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 16/5 mô tả quyết định của Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan thăm dò dầu khí ở vùng biển Việt Nam có chủ quyền là một hành động khiêu khích, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh không nên tiếp tục gây thêm căng thẳng trong khu vực. Người phát ngôn Nhà Trắng phát biểu: “Chúng tôi coi hành động đó (hạ đặt giàn khoan) là mang tính khiêu khích, một hành động làm tổn hại mục tiêu mà chúng tôi cùng chia sẻ, đó là giải quyết các tranh chấp này bằng bịên pháp hòa bình và vì sự ổn định chung trong khu vực”.
Hôm nay, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Hội ra tuyên bố phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Tuyên bố nêu rõ: Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam bày tỏ sự nhất trí cao với quan điểm của Nhà nước Việt Nam, thể hiện trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 ở Nay Pyi Taw (Myanmar) ngày 11/5/2014; ủng hộ mạnh mẽ lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng Kiểm ngư và ngư dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Là những nạn nhân chiến tranh, hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam hiểu rất rõ giá trị của hòa bình, luôn khát khao được sống trong hòa bình, độc lập, tự do và chung sống hòa bình, hữu nghị với nhân dân các nước, trong đó có nhân dân Trung Quốc. Vì vậy, Hội kêu gọi các nạn nhân chiến tranh, nhân dân các nước, các tổ chức, cá nhân, các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới hãy tích cực ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình, bảo vệ công lý, công bằng và lẽ phải./.