Ngày 25/7, cuộc thi hùng biện Tiếng Nhật lần thứ 6 cho tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản đã được diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản. Cuộc thi do Nghiệp đoàn vùng Kanto tổ chức với sự tham gia của hơn 100 tu nghiệp sinh đến từ các Công ty Nhật Bản khu vực Kanto. Vòng thi chung kết có 14 em tham gia là những em có tư duy sáng tạo, khả năng diễn đạt tiếng Nhật rõ ràng, trôi chảy đáp ứng đúng với tiêu chí và mục đích của cuộc thi đề ra.
|
14 em tham gia là những em có tư duy sáng tạo, khả năng diễn đạt tiếng Nhật
rõ ràng, trôi chảy. |
Với mục đích tạo mối quan hệ thân mật, hiểu biết lẫn nhau giữa công ty tiếp nhận, Nghiệp đoàn và Thực tập sinh. Đây là lần thứ 6 Nghiệp đoàn tổ chức cuộc thi nói tiếng Nhật, tạo điều kiện cho Thực tập sinh có cơ hội sử dụng tiếng Nhật để nói lên những cảm nhận thật của bản thân về chế độ thực tập, những ấn tượng, cảm nhận về đất nước Nhật Bản, về những diễn biến trong cuộc sống hằng ngày…Nghiệp đoàn hy vọng những sự kiện như thế này sẽ góp phần làm 3 năm học tập, làm việc của các bạn thực tập sinh trở nên thú vị và có ý nghĩa hơn.
Trong 14 thí sinh dự thi vòng chung kết, có em mới học tiếng Nhật được 3 tháng, có em hai năm rưỡi...tuy trình độ có khác nhau, nhưng chủ đề của các em thể hiện trong cuộc thi là những chủ đề khó, gắn liền với những gì mà các em thấy và trải nghiệm. Các em tuy là những tu nghiệp sinh, nhưng trình độ tiếng Nhật cũng không hề thua những lưu học sinh.
Em Nguyễn Văn Bé Ba là thực tập sinh của Công ty cổ phần công nghiệp cơ khí Yamamoto tuy ở Nhật có 3 tháng, tiếng Nhật chưa thật sự giỏi, nhưng em đã rất tự tin, thoải mái với chủ đề “Chúng ta là người Việt Nam”. Khi thể hiện phần thi của mình, trong mắt của em luôn ánh lên một sự tự hào, một niềm tin và sự cố gắng bởi em là người con của đất Việt.
Với chủ đề “Hy vọng của tôi”, em Lâm Quốc Bảo đã nêu ra một thực trạng chưa tốt còn tồn tại trong cộng đồng tu nghiệp sinh Việt Nam. Phần lớn các em đã rất chăm chỉ, được các công ty đánh giá cao về năng lực, tư cách sống. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có các em chưa tuân thủ qui định của công ty, pháp luật của Nhật Bản dẫn đến tình trạng phạm tội có xu hướng tăng. Qua đây, cả phía Việt Nam và Nhật Bản sẽ rút ra những kinh nghiệm quí báu để quản lý tu nghiệp sinh tốt hơn, từ đó các tu nghiệp sinh có thể nhận thức rõ hơn liên quan lợi ích của chính mình và gia đình mình, cố gắng học tập và rèn luyện vì tương lai.
|
Các em tu nghiệp sinh cũng đã bày tỏ những trải nghiệm thú vị và khó quên
tại Nhật Bản. |
Các em tu nghiệp sinh cũng đã bày tỏ những trải nghiệm thú vị và khó quên trong thời gian học tập và làm việc tại Nhật Bản. Đối với các em, sự giúp đỡ nhiệt tình và cẩn thận của người Nhật, ngay cả những người các em không hề quen biết như bác bán hàng ở siêu thị là một bài học đạo đức về làm người, hay một lời xin lỗi của người Cha đối với con gái, một lời chào của người Nhật trong cuộc sống thường nhật cũng sẽ là kinh nghiệm sống đối với không chỉ các em tu nghiệp sinh mà cả cho mỗi chúng ta.
Em Nguyễn Thị Ngọc Ngà với “Trải nghiệm của tôi tại Nhật Bản” đã đạt tổng số điểm cao nhất từ phía Ban Giám khảo-trở thành quán quân của cuộc thi hùng biện tiếng Nhật lần thứ 6 khu vực Kanto. Em tâm sự rằng đã rất vui và tự hào khi đạt giải thưởng cao nhất.
Chủ tịch Nghiệp đoàn, ông Kenji Nishihara cũng đã đánh giá cao năng lực của các thí sinh, đồng thời hy vọng qua cuộc thi sẽ khuyến khích các tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản học tiếng Nhật tốt hơn, có được sự tự tin trong công việc của mình, đóng góp chung vào sự phát triển chung của mỗi nước.