(VOV5) - Chiến tranh đã kết thúc được 40 năm nhưng nỗi nhớ thương những đồng đội đã nằm lại trên chiến trường Quảng Ngãi thì chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng cựu chiến binh Nguyễn Huy Thắng, hiện đang sinh sống tại CHLB Đức. Ông đã có hành trình 15 năm đi tìm mộ liệt sĩ là đồng đội từng vào sinh ra tử với ông.
|
Cựu chiến binh Nguyễn Huy Thắng (thứ 2 từ trái sang). Ảnh:thoibao.de
|
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Mười mấy năm nay, cứ khi nào từ CHLB Đức trở về Việt Nam, ông Nguyễn Huy Thắng đều dành thời gian tới Quảng Ngãi, thăm lại chiến trường xưa, khi thì đi một mình, khi thì đi cùng gia đình hoặc đồng đội. Đi qua những địa danh như thung lũng Tà Ma, sông Re (H’re), cầu Trà Khúc, ký ức về một thời lửa đạn, về những trận chiến của trên bốn chục năm trước đặc biệt về những đồng chí, đồng đội cứ hiển hiện trong ông.
Với ông Nguyễn Huy Thắng, về Việt Nam, thăm chiến trường xưa là để gặp lại những người bạn đã từng chiến đấu ôn lại chiến dịch, để tri ân những đồng chí, đồng bào, những người không may mắn bị thương, đặc biệt là những người đã ngã xuống ở chiến trường. Một trong những người ông nhớ đến là chính trị viên Trịnh Mệnh. Ông kể, chính trị viên Trịnh Mệnh bị đạn bắn vào đùi khi đang cùng ông bò lên đồi. Mặc dù được bác sĩ cứu chữa nhưng trong quá trình vận chuyển, chính trị viên Trịnh Mệnh đã hi sinh. Chính tay ông Thắng đã chôn cất liệt sĩ này: “Đồng chí hi sinh. Hôm sau mang chôn. Tôi chôn cùng 5 người trong trận đánh đó. Đó là trận đánh ngày 6 tháng 8 năm 1972. Trận đánh đã tiêu diệt được hơn 1 đại đội ở Dốc Phú. Đây là nơi chạy giữa từ đồi Trà Bồng đi xuống huyện Bình Sơn. Sau khi tiêu diệt đồn ở Dốc Phú thì mở ra con đường để bộ đội ta tiếp gạo và đưa vũ khí từ trên huyện Trà Bồng phía tây của Quảng Ngãi xuống phía đồng bằng huyện Bình Sơn và huyện Sơn Tịnh”.
Tháng 4 năm 2000, cựu chiến binh Nguyễn Huy Thắng cùng với người em trai liệt sĩ Trịnh Mệnh trở lại Quảng Ngãi để tìm hài cốt. Cảnh vật đã thay đổi khác xưa. Nhưng với sự giúp đỡ của tòa soạn báo Quảng Ngãi và sự nhiệt tình của cán bộ UBND xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, cả đoàn đã băng rừng, vượt đồi tìm được đúng vị trí phẫu A90 nơi đã cấp cứu thương binh và xác định nơi chôn cất liệt sĩ Trịnh Mệnh, chính trị viên đại đội 2, D107 hi sinh trong trận đánh Dốc Phú ngày 6/8/1972. Tuy nhiên, cán bộ xã cho biết, sau khi giải phóng, khoảng năm 1977, 1978, chính quyền địa phương phát động phong trào đền ơn đáp nghĩa đi tìm và quy tập mộ liệt sĩ đã hi sinh trong chiến tranh để đưa vào nghĩa trang. Lúc đầu cũng có danh sách, vẽ sơ đồ mộ chí, nhưng do xây dựng lại nghĩa trang mới đã làm xáo trộn vị trí. Không dừng ở đó, từ năm 2001 đến 2008, năm nào cựu chiến binh Nguyễn Huy Thắng cũng từ Đức về Quảng Ngãi đi đến từng nhà, hỏi từng người dân xem ai tham gia phong trào bốc mộ hài cốt liệt sĩ. Mãi đến năm 2008, ông mới tìm được nhân chứng, làm các thủ tục và khắc tấm bia mang tên liệt sĩ Trịnh Mệnh, cấp bậc trung úy, chức vụ chính trị viên trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn pháo binh 107 Quảng Ngãi.
|
Cựu chiến binh Nguyễn Huy Thắng gục đầu bên ngôi mộ của liệt sĩ Trịnh Mệnh. (Ảnh: thoibao.de) |
Sau liệt sĩ Trịnh Mệnh, Nguyễn Huy Thắng lại lao vào cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Trương Thanh Lâm, hi sinh vào mùa hè đỏ lửa, tháng 5 năm 1972 trong trận đánh Vạn Tường thuộc xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Do bị thương nặng và hi sinh trước giờ nổ súng nên cấp trên chỉ thị phải chôn cất tại chỗ. Ông Nguyễn Huy Thắng cùng hai đồng đội khác được giao nhiệm vụ này: “Khi đem đi chôn thì đưa đồng chí xuống một công sự Mỹ. Khi khoét ở công sự Mỹ thì đặt đầu thì hở chân, đưa chân xuống thì hở đầu. Tôi quyết định ôm đồng chí ấy và bảo anh nằm đây và tôi đã chôn ngồi đồng chí đó. Vậy là tôi đã chôn đồng chí đó trong tư thế chôn ngồi trong công sự của Mỹ. Cái đó là cái ám ảnh tôi suốt cuộc đời”.
Chính vì tư thế chôn ngồi của liệt sĩ Trương Thanh Lâm mà ông Thắng đã 9 lần trở lại chiến trường xưa để tìm với hi vọng xếp lại tư thế nằm yên nghỉ cho liệt sĩ Trương Thanh Lâm.
Không chỉ tìm mộ liệt sĩ, ông Nguyễn Huy Thắng còn thực hiện lời trăn trối của liệt sĩ trước khi trút hơi thở cuối cùng là “Nếu ai còn sống cố gắng về cây số 5 thị xã Yên Bái tìm vợ con tôi…”. Sau 38 năm, với không biết bao nhiêu lần về thành phố Yên Bái, mãi đến tháng 9 năm 2010, ông Nguyễn Huy Thắng mới tìm được bà Lê Thị Điểm là vợ và Trương Tiến Chung là con trai và Trương Thị Bích Thủy là con gái của liệt sĩ Trương Thanh Lâm, mặc dù gia đình đã chuyển về khu Tân Mai, Hà Nội.
Tìm mộ liệt sĩ giống như mò kim đáy biển nhưng cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Huy Thắng hiện đang sống ở Berlin vẫn không nản chí: “Khi vào đến Quảng Ngãi, lần nào cũng như vậy thôi là nước mắt cứ ròng ròng. Chúng tôi trở lại chiến trường và đi đến nghĩa trang nào tôi cũng thắp hương. Bây giờ không còn ai khỏe cả. Ai cũng là thương binh, ai cũng ốm đau. Nhưng đã về đến Việt Nam thì không thể không trở lại chiến trường để tri ân với đồng đội, đồng bào”.
Ông Thắng bảo đã là người lính, không ai quên ngày giải phóng, không ai quên những năm tháng chiến tranh. Trong dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, ông Nguyễn Huy Thắng đã hai lần trở lại chiến trường Quảng Ngãi và Tây Nguyên để làm nghĩa cử với những đồng đội đã ngã xuống. Với ông, công việc đi tìm hài cốt liệt sĩ chưa khi nào dừng lại.