(VOV5) - Trong dịp được Đảng, Nhà nước mời về quê hương từ ngày 23/09 -30/09, phóng viên VOV5 có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đình Vị về chuyến thăm đất nước lần này cũng như công việc giảng dạy tiếng Việt của ông tại Thái Lan.
Ông Nguyễn Đình Vị là thế hệ thứ hai sinh ra tại Thái Lan. Quê gốc của ông ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Sống trong một gia đình hiếu học và có truyền thống yêu nước, ngay từ nhỏ, ông Vị đã sớm ý thức việc phát huy truyền thống học tập của gia đình, dòng họ. Sau này, ông tham gia tích cực trong vai trò là giáo viên dạy tiếng Việt cho người Việt sống ở Thái Lan trong thời gian từ năm 1973 đến 1976. Trong dịp được Đảng, Nhà nước mời về quê hương từ ngày 23/09 -30/09, phóng viên VOV5 có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Đình Vị về chuyến thăm đất nước lần này cũng như công việc giảng dạy tiếng Việt của ông tại Thái Lan.
Ông Nguyễn Đình Vị, cựu giáo viên kiều bào Thái Lan |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Phóng viên: Thưa ông, Đảng, Chính phủ và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài vừa mời đoàn cựu giáo viên kiều bào gồm 81 người về thăm quê hương. Ông nhận thấy, chuyến về thăm quê như thế này có ý nghĩa như thế nào trong công tác hỗ trợ các cựu giáo viên kiều bào về quảng bá tiếng Việt và truyền dạy cho con em tình yêu nước?
Ông Nguyễn Đình Vị: Thu hoạch lớn nhất của kiều bào đó là mọi người rất tự hào được Đảng, Chính phủ quan tâm đến các cựu giáo viên. Các cựu giáo viên trước kia đã từng dạy học giúp cho các cháu nhỏ người Việt ở Thái Lan biết tiếng Việt, hiểu biết về quê hương Việt Nam của mình, dạy trẻ nét đẹp về phong tục tập quán của mình đó là điều mà kiều bào chúng tôi rất phấn khởi.
Đối với kiều bào toàn Thái cũng như cựu giáo viên thì công đóng góp cho Tổ quốc đối với đồng bào trong nước thì rất nhỏ nhoi nhưng mà với tinh thần của kiều bào toàn Thái cũng như là các cựu giáo viên thì đó là động lực mà của Chính phủ cũng như Ủy ban đã giúp cho cựu giáo viên chúng tôi một lần được về thăm quê hương. Đó là phần thưởng quý giá nhất mà từ xưa đến giờ mọi người vẫn từng mơ ước sẽ có một ngày trở về quê hương. Chuyến hành trình về đất nước lần này, mỗi một giáo viên vô cùng toại nguyện.
Phóng viên: Ông có thể cho biết hình ảnh của Hồ Chủ Tịch đối với Việt kiều Thái Lan nói chung cũng như đối với bản thân ông nói riêng như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Vị: Với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Việt kiều toàn Thái kính trọng Hồ Chủ tịch hoàn toàn và trung thành tuyệt đối. Tôi nhớ từ ngày xưa, hồi tôi còn đi học, nhà nào cũng có ban thờ của Bác Hồ. Ở chính giữa ban thờ, có ảnh Bác Hồ. Bên tay trái thì có chữ: Việt - Thái thân thiện muôn năm. Còn ở bên tay phải thì có chữ: Đoàn kết, tương trợ, nhẫn nại. Và bên trên, là câu: Tổ quốc trên hết.
Hàng năm đến ngày lễ, tết hay dịp kỷ niệm như 19 tháng 5 hoặc mùng 2 tháng 9, bố mẹ cũng như các gia đình khác thường hướng dẫn con cái đứng trước ban thờ làm lễ để tưởng nhớ tới công ơn của Tổ quốc. Bố mẹ mua kẹo về để trên bàn thờ, sau đó, thắp hương tưởng nhớ Hồ Chủ Tịch xong thì mang kẹo đó cho các con, các cháu.
Phóng viên: Ông cho biết về những ngày tháng giảng dạy tiếng Việt của mình cách đây đã mấy chục năm ở trên đất nước Thái Lan?
Ông Nguyễn Đình Vị: Ngày xưa khi tôi chưa học hết lớp tám. Mình tranh thủ sau giờ đi học, cứ đến chiều chiều mình rảnh, mình dạy các em, các cháu nhỏ hơn. Sau đó tôi được điều động dạy học ở các tỉnh. Bởi vì ở nhiều tỉnh, người Thái gốc Việt có quốc tịch Thái thì nhiều nhưng lại hiếm thầy giáo dạy học tiếng Việt. Lúc đó chúng tôi đã được điều động đi dạy học ở các tỉnh như: Khỏn Kèn, ở các huyện như bản Hày, hay các tỉnh như: Mã-hả-sả-rã-kham hay Ka-la-sỉn. Lúc đó thì các thầy giáo được điều động đi dạy học tiếng Việt cho kiều bào. Đó là chủ trương của Đảng và các đoàn thể, ngay từ xưa đã mong muốn cho các cháu biết tiếng Việt và nói tiếng Việt.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!